Sẵn sàng phòng, chống bão lũ cho người dân ở xã Triệu Giang

Triệu Giang, huyện Triệu Phong là một xã thấp trũng nằm bên sông Thạch Hãn hằng năm phải hứng chịu rất nhiều đợt lũ lớn, nhỏ. Đặc biệt, hơn 10 năm trở lại đây, tình trạng lũ lụt ngày càng nghiêm trọng, như năm 2020 xã phải hứng chịu 5 đợt lũ lớn. Tình trạng đợt lũ trước chưa kịp rút thì đợt lũ sau chồng lên, nước vào nhà dân có khu vực cao trên 1m. Lũ lớn cũng làm cho bờ sông Thạch Hãn sạt lở đất vào tận chân đường, vào tận khu di tích, đe dọa cuộc sống của người dân. Vì phải sống trong điều kiện lũ lụt như thế nên cấp ủy, chính quyền và người dân ở đây luôn sẵn sàng các phương án phòng, chống lũ hợp lý nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.

 Một đoạn kè chống sạt lở bờ sông Thạch Hãn được xây dựng kiên cố ở xã Triệu Giang, Triệu Phong - Ảnh: T.V

Một đoạn kè chống sạt lở bờ sông Thạch Hãn được xây dựng kiên cố ở xã Triệu Giang, Triệu Phong - Ảnh: T.V

Phó Chủ tịch UBND xã Triệu Giang Phan Văn Đông chia sẻ, hằng năm, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) xã triển khai kịp thời đến cơ quan, đơn vị, các thôn văn bản chỉ đạo của cấp trên về công tác PCTT&TKCN. Theo đó, các thôn và đơn vị liên quan triển khai công tác PCTT&TKCN một cách đồng bộ, kịp thời, hiệu quả.

Đồng thời kiện toàn ban chỉ huy PCTT&TKCN cấp xã và các tiểu ban PCTT&TKCN ở thôn, trường học, trạm y tế theo hướng gọn, mạnh và giao nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên. Các thôn, đơn vị xây dựng phương án PCTT, kiểm tra, rà soát, bổ sung các tình huống và đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất cho công tác PCTT&TKCN diễn ra thông suốt, không bị động bất ngờ, nhất là việc huy động lực lượng, phương tiện ứng cứu và có phương án sơ tán di dời dân phù hợp.

Khi có bão lũ, lãnh đạo xã và các thành viên liên quan trực tiếp về địa bàn, nhất là địa bàn xung yếu, chia cắt để chỉ đạo kịp thời. UBND xã chỉ đạo Ban Chỉ huy Quân sự xã, Công an xã trực ban 24/24 giờ và tổ chức lực lượng, phương tiện để chủ động ứng phó, cứu hộ, cứu nạn. Hệ thống truyền thanh xã thường xuyên cập nhật tình hình diễn biến của thời tiết nguy hiểm và mưa lũ cũng như tăng cường hướng dẫn kỹ năng ứng phó với bão, lũ để người dân biết, chủ động phòng tránh. Trạm y tế xã cập nhật diễn biến tình hình dịch bệnh, nhất là trong thời gian COVID-19 diễn biến phức tạp để có phương án chủ động triển khai các hoạt động ứng phó với thiên tai, đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch bệnh.

Ngay sau khi thiên tai xảy ra, UBND xã chỉ đạo các thôn, HTX nắm tình hình thiệt hại, kịp thời động viên người dân sớm khắc phục, đồng thời đề nghị cơ quan có trách nhiệm theo dõi tình hình, thống kê thiệt hại trong Nhân dân để kịp thời báo cáo UBND huyện. UBND xã chỉ đạo các thôn và đơn vị liên quan khẩn trương huy động lực lượng tổ chức vệ sinh môi trường theo phương châm nước rút đến đâu khắc phục nhanh, có hiệu quả đến đó, sửa chữa các điểm sạt lở, đảm bảo giao thông đi lại thông suốt.

Nhiều người dân ở xã Triệu Giang chia sẻ, ở trong thôn nhà nào có điều kiện khi xây nhà đều làm nền cao hơn mốc lũ của những năm trước để tránh lũ, nhà không có điều kiện thì sắm chiếc ghe nhỏ, làm cái chạn (gác lửng) trong nhà để kê đồ. Khi thấy gió đông thổi mạnh, nước sông Thạch Hãn chuyển từ trong xanh sang màu bàng bạc là ai nấy sẵn sàng chất đồ đạc lên chạn. Khi nước lũ bắt đầu mấp mé vào nhà thì người già, trẻ em được đưa tới trú ở nhà tránh lũ của thôn rất an toàn lại không lo thiếu nước uống, lương thực, thực phẩm.

Về phương án PCTT&TKCN mùa mưa bão năm 2022, ông Phan Văn Đông cho biết, phương án PCTT&TKCN luôn bảo đảm phương châm “4 tại chỗ” để hạn chế tối đa tổn thất về tài sản của Nhà nước và Nhân dân. Theo đó, xã xây dựng mạng lưới thông tin liên lạc từ xã đến các cơ quan, trường học, trạm y tế, thôn, HTX và từng khu dân cư đảm bảo thông tin hai chiều luôn thông suốt trong mọi tình huống.

Thực hiện nghiêm túc chế độ trực khi có lệnh triển khai phương án PCTT&TKCN của cấp trên. Ban Chỉ huy PCTT&TKCN xã thành lập đội xung kích xã gồm 15 - 20 người tuyển chọn từ lực lượng dân quân tự vệ, công an xã, đoàn thanh niên, hội viên xung kích, hội chữ thập đỏ do Ban Chỉ huy Quân sự xã tổ chức phối hợp với các đơn vị để quản lý, điều động theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND xã và Thường trực Ban chỉ huy PCTT&TKCN xã. Đồng thời tổ chức các đội, các lực lượng cứu hộ ở mỗi tiểu ban từ 10 -15 người tùy theo từng cơ quan, địa bàn các thôn phù hợp với tính chất yêu cầu đặt ra.

Ban Chỉ huy Quân sự xã có trách nhiệm sử dụng thuyền máy của UBND xã, huy động trong Nhân dân chuẩn bị lực lượng, thực phẩm, máy cưa, nhiên liệu dự phòng để làm nhiệm vụ kiểm tra cứu nạn, cứu hộ khi có yêu cầu. Lực lượng công an, quân sự xã bảo vệ, phòng chống lũ lụt ở khu vực trụ sở UBND xã, nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng, trạm y tế, đê Tiền - Tả, cầu Bến Lội, phối hợp chặt chẽ với các thôn ứng cứu người và tài sản khi thiên tai xảy ra. Các thôn bảo vệ công trình công cộng trên địa bàn, bố trí lực lượng trực chốt chặn đoạn đường ngập lũ và có kế hoạch di dời hộ dân ở khu vực xung yếu, thấp trũng khi có lệnh của cấp trên.

Công an xã bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong quá trình thiên tai xảy ra trên địa bàn, sẵn sàng lực lượng ứng cứu khi có lệnh. Phối hợp với ban giám hiệu các trường học để bảo vệ, PCTT&TKCN. Lãnh đạo trường học quán triệt đến cán bộ, giáo viên, học sinh nhận thức về công tác PCTT&TKCN, đồng thời có phương án phòng, chống lũ lụt tại cơ quan mình. Thông báo tình hình thiên tai cho cán bộ, giáo viên, học sinh biết để phòng tránh, tuyệt đối không để học sinh chèo ghe thuyền đi chơi trong mùa nước lũ, không lội qua các đoạn đường nước ngập chảy xiết. Theo dõi tình hình bão lũ, cho học sinh nghỉ học khi có thông báo của ban chỉ huy PCTT&TKCN các cấp.

Ủy ban MTTQ Việt Nam xã, các đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền để người dân chủ động PCTT&TKCN, đồng thời vận động quyên góp giúp đỡ nhau khi thiên tai xảy ra cũng như tiếp nhận hàng cứu trợ, phân bổ kịp thời cho người dân vùng bị thiệt hại…

Tuấn Việt

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=170078&title=san-sang-phong-chong-bao-lu-cho-nguoi-dan-o-xa-trieu-giang