Sẵn sàng tâm thế cho năm học mới
Năm học 2021-2022 đang đến gần trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, khó lường. Các trường học trên địa bàn tỉnh đã và đang thực hiện đồng bộ các giải pháp để thích ứng trước diễn biến của dịch, vừa bảo đảm cơ sở vật chất (CSVC), nguồn nhân lực, vừa triển khai tốt các hoạt động giáo dục, sẵn sàng tâm thế cho năm học mới với mục tiêu 'đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục'.
Trường tiểu học Thượng Long, huyện Yên Lập đo, kiểm tra thân nhiệt cho các em học sinh trước khi vào lớp.
Chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết
Để bảo đảm trường, lớp cho năm học mới, việc chỉnh trang khuôn viên, sửa chữa, xây mới hệ thống CSVC, mua sắm thêm các trang thiết bị phục vụ công tác giảng dạy và học tập được các trường học trên địa bàn huyện Yên Lập triển khai thực hiện ngay khi kết thúc năm học 2020-2021. Năm học 2021-2022, huyện Yên Lập có hơn 22.000 học sinh các cấp học. Toàn huyện đã chuẩn bị chu đáo các điều kiện, sẵn sàng bước vào năm học mới với quyết tâm đổi mới căn bản, toàn diện, tạo bước chuyển mạnh mẽ về chất lượng giáo dục. Trong những ngày này, thầy và trò Trường tiểu học Thượng Long đã chuẩn bị mọi điều kiện đón chào năm học mới. Để đáp ứng nhu cầu dạy và học, nhà trường đã tích cực dọn vệ sinh trong và ngoài nhà trường, trang trí lại các lớp học đảm bảo cho môi trường xanh, sạch, đẹp. Thầy giáo Hoàng Minh Hưng - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Năm học này, nhà trường có 570 học sinh với 19 lớp, 100% giáo viên có trình độ đạt chuẩn. Mọi CSVC, trang thiết bị đã được chuẩn bị đầy đủ, sẵn sàng bước vào năm học mới”. Để chuẩn bị CSVC và mọi điều kiện tốt nhất phục vụ năm học mới, Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) chủ động rà soát lại toàn bộ hệ thống trường, lớp học đã xuống cấp cần sửa chữa hoặc đầu tư mới, chỉ đạo các trường tiến hành tổng vệ sinh, trang trí khuôn viên, trường lớp học xanh, sạch, đẹp, đồng thời kiểm tra các trang thiết bị phục vụ công tác giảng dạy, đáp ứng nhu cầu cần thiết cho năm học mới. Bên cạnh đó, Phòng cũng chỉ đạo các nhà trường thực hiện tốt công tác tuyển sinh đầu cấp, xây dựng kế hoạch duyệt trường lớp, phân công nhiệm vụ cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ quản lý, giáo viên trong dịp hè. Đến nay, 100% các trường trên địa bàn huyện đã đủ các điều kiện để bước vào năm học mới. Thầy giáo Hà Tuấn Hải - Phó Trưởng phòng GD-ĐT huyện Yên Lập cho biết: “ Ngay từ đầu năm học, Phòng GD-ĐT dưới sự chỉ đạo của Sở GD-ĐT đã tham mưu cho UBND huyện các công tác chuẩn bị cho năm học mới. Tăng cường cơ sở vật chất, chuẩn bị cho năm học mới”.Ngoài việc tích cực chuẩn bị CSVC, năm nay, các trường học còn tập trung chuẩn bị các điều kiện cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 như trang bị đầy đủ máy đo thân nhiệt, dung dịch sát khuẩn, tập huấn quy trình phòng, chống dịch COVID-19, tiến hành phun khử trùng trường lớp; thường xuyên cập nhật tình hình sức khỏe học sinh khi các em đi học trở lại... Các nhà trường cũng đã xây dựng kế hoạch huy động giáo viên, vận động phụ huynh học sinh tham gia vệ sinh, sát khuẩn trường lớp; thực hiện tuyên truyền, nhắc nhở không chỉ với giáo viên, học sinh mà còn phổ biến rộng rãi cho cả phụ huynh học sinh để cùng chung tay phòng, chống và đẩy lùi dịch bệnh.
Trường THPT Thanh Thủy, huyện Thanh Thủy chuẩn bị các dụng cụ, thiết bị phòng dịch COVID-19.Sẵn sàng kích hoạt dạy onlineXác định dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp nên việc dạy, học trong thời kỳ có dịch là điều không thể tránh khỏi. Vì vậy các địa phương, đơn vị trường đã chủ động xây dựng kế hoạch, kịch bản cho nhiều tình huống có thể diễn ra do dịch. Cô giáo Nguyễn Thị Hương Nhị - Phó Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Lâm Thao cho biết: Năm học 2021-2022, huyện Lâm Thao có trên 23.000 học sinh. Tính từ năm học 2020-2021 đến nay, huyện đã đầu tư trên 80 tỉ đồng xây dựng, sửa chữa CSVC. Phòng GD-ĐT huyện còn chỉ đạo các nhà trường đầu tư mua sắm máy đo thân nhiệt, khẩu trang, nước sát khuẩn... phục vụ cho công tác phòng, chống dịch COVID-19. Đồng thời, xây dựng phương án chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết, nguồn nhân lực phục vụ cho việc học online nếu trường hợp dịch bệnh kéo dài, học sinh không thể đến trường học tập trung.
Năm học 2021-2022, toàn tỉnh có 883 trường mầm non, tiểu học, THCS và THPT với gần 380.000 học sinh. Để chuẩn bị cho năm học mới, Sở GD-ĐT đã phối hợp UBND huyện, thị, thành chỉ đạo các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông trên địa bàn kiểm tra, rà soát cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện có trong các trường học; chỉ đạo các cơ sở giáo dục xây dựng phương án sắp xếp, bố trí, khai thác triệt để CSVC, trang thiết bị dạy học hiện có và xây dựng kế hoạch đầu tư cải tạo, sửa chữa khuôn viên, phòng học, phòng học bộ môn, mua sắm bổ sung bàn ghế, thiết bị dạy học…
Toàn tỉnh đã đầu tư cải tạo, sửa chữa, xây mới 140 công trình nhà lớp học, phòng chức năng và các công trình phụ trợ tại các trường học mầm non, phổ thông trên địa bàn với tổng kinh phí trên 240 tỉ đồng. Đến nay, toàn tỉnh cơ bản đảm bảo đủ phòng học cho các lớp và trang thiết bị phục vụ giảng dạy, học tập, đáp ứng thay sách giáo khoa thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới trong các nhà trường trong năm học mới.
Phát huy kinh nghiệm trong tổ chức dạy học online của năm học trước, năm học 2021-2022 này, Trường THCS Thọ Sơn, thành phố Việt Trì chú trọng rà soát, bổ sung các điều kiện phục vụ việc dạy học trực tuyến trong trường hợp dịch bệnh học sinh phải dừng đến trường. Nhà trường rà soát hệ thống thiết bị máy tính, máy chiếu; phối hợp với các đơn vị cung cấp dịch vụ viễn thông để kiểm tra, đảm bảo hệ thống đường truyền phục vụ hữu hiệu công tác dạy học trực tuyến.
Để đảm bảo an toàn cho học sinh, giáo viên trong năm học mới 2021-2022, theo đồng chí Nguyễn Văn Mạnh-TUV, Giám đốc Sở GD-ĐT, Sở đã chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục triển khai công tác phòng, chống dịch COVID-19. Tập trung phổ biến, quán triệt, triển khai đầy đủ văn bản của các cấp về công tác phòng, chống dịch bệnh C0VID-19 đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, học sinh và phụ huynh học sinh thông qua hệ thống thông tin liên lạc của các nhà trường; thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh của nhà trường. Yêu cầu cán bộ, giáo viên, nhân viên, người lao động không đi ra địa bàn ngoài tỉnh nếu không thật sự cần thiết…Tuy vẫn còn không ít khó khăn, đặc biệt là trước diễn biến phức tạp, khó lường của dịch bệnh COVID-19 nhưng với quyết tâm cao của đội ngũ thầy và trò, sự chuẩn bị chu đáo về mọi mặt, năm học mới 2021-2022 ngành Giáo dục sẽ có nhiều đột phá, gặt hái thêm nhiều thành tích mới, góp phần đưa sự nghiệp “trồng người” của tỉnh ngày càng phát triển.
Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/giao-duc/202109/san-sang-tam-the-cho-nam-hoc-moi-179249