Sẵn sàng tâm thế cho sĩ tử vượt 'vũ môn'

Chỉ còn ít ngày nữa học sinh khối 12 sẽ bước vào Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Trong giai đoạn ôn tập 'nước rút' này, học sinh dễ rơi vào trạng thái căng thẳng, mệt mỏi, nếu kéo dài có thể làm suy giảm khả năng tập trung, ảnh hưởng đến kết quả ôn luyện, thi cử. Vì vậy, bên cạnh ôn tập kiến thức, việc chuẩn bị tâm lý vững vàng cho học sinh trước kỳ thi cũng rất quan trọng, giúp các em sẵn sàng tâm thế, bước vào kỳ thi định hướng tương lai.

Học sinh lớp 12, Trường THPT Việt Trì trong giờ ôn tập.

Học sinh lớp 12, Trường THPT Việt Trì trong giờ ôn tập.

Nỗ lực cho giai đoạn “nước rút”

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, sẽ diễn ra từ ngày 26 - 28/6. Kỳ thi năm nay, toàn tỉnh có 16.474 thí sinh đăng ký dự thi với 39 điểm thi và 720 phòng thi, lực lượng tham gia làm thi dự kiến khoảng 2.850 người. Đồng chí Nguyễn Văn Mạnh - TUV, Giám đốc Sở GD&ĐT, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT năm 2024 tỉnh Phú Thọ cho biết: Trên cơ sở các văn bản hướng dẫn thi tốt nghiệp THPT năm 2024, của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT đã triển khai kịp thời đến các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh, hướng dẫn các đơn vị, nhà trường tổ chức học tập quy chế thi, tập huấn nghiệp vụ đầy đủ, kỹ lưỡng cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh tham dự kỳ thi.

Cùng với đó, Sở GD&ĐT chỉ đạo các đơn vị rà soát các điều kiện cho Kỳ thi như phòng thi, phòng bảo quản đề thi, bài thi theo đúng quy định của Bộ GD&ĐT; chuẩn bị các phương án phòng cháy, chữa cháy, y tế dự phòng, thành lập các đoàn kiểm tra chéo hồ sơ thi giữa các trường THPT. Trong đó, chú trọng kiểm tra công tác chuẩn bị thi đối với các điểm thi; kiểm tra việc nhà trường rà soát, kiện toàn hồ sơ dự thi của học sinh; kiểm tra việc ôn tập cho học sinh, việc triển khai quy chế thi, hướng dẫn thi và công tác chuẩn bị cơ sở vật chất trang thiết bị của các điểm thi... Sở GD&ĐT có văn bản gửi đến các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh đề nghị phối hợp tổ chức tốt các khâu của Kỳ thi; chú trọng đôn đốc công tác dạy và học của giáo viên, học sinh tại các cơ sở giáo dục, tăng cường kiểm tra, chỉ đạo công tác dạy học theo hướng tích cực, đáp ứng yêu cầu của Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024.

Thời gian thi đang sắp đến gần, thời điểm “nước rút” này, các em vừa tập trung củng cố kiến thức vừa chú trọng ổn định tinh thần để sẵn sàng bước vào kỳ thi đặc biệt quan trọng. Thầy giáo Nguyễn Tiến Trình - Hiệu trưởng Trường THPT Đoan Hùng, huyện Đoan Hùng cho biết: Ngoài việc lên kế hoạch, triển khai chặt chẽ chương trình học, ôn tập, các thầy, cô giáo Trường THPT Đoan Hùng rất quan tâm tới việc ổn định tâm lý, giải tỏa áp lực căng thẳng cho học sinh khối lớp 12 với nhiều hoạt động như tổ chức nói chuyện, tư vấn nghề nghiệp, tâm lý riêng cho học sinh, các chương trình thể thao, văn nghệ, sinh hoạt ngoại khóa... Những nỗi lo lắng, áp lực thường thấy ở học sinh đều được các thầy, cô giáo giải thích, phân tích kịp thời, giúp các em không lo lắng trước Kỳ thi.

Theo thầy giáo Phạm Hùng - Hiệu trưởng Trường THPT Minh Đài, huyện Tân Sơn, nhà trường đã có phương án rõ ràng về nội dung ôn tập, chủ yếu tập trung vào những vấn đề cơ bản, sau đó giải đề minh họa. Đối với học sinh khá, thầy cô giúp các em giải thêm các bài tập nâng cao, học sinh trung bình sẽ nỗ lực nắm vững phần lý thuyết để lấy được điểm phần lý thuyết trong đề minh họa. Đối với học sinh giỏi, thầy cô khuyến khích tự học để giải các đề nâng cao nhằm đạt điểm cao.

Việc xác định mục tiêu rõ ràng sẽ giúp thí sinh tập trung và không bị phân tán tâm lý bởi những mục tiêu khác. Các thầy, cô giáo thường xuyên khuyên các em học sinh song hành với ôn tập cần rèn luyện thể dục thể thao nhẹ nhàng để giảm căng thẳng, tăng cường sự tỉnh táo, tập trung.

Giáo viên hướng dẫn học sinh lớp 12, Trường THPT Minh Đài, huyện Tân Sơn ôn luyện cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024.

Giáo viên hướng dẫn học sinh lớp 12, Trường THPT Minh Đài, huyện Tân Sơn ôn luyện cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024.

Giữ tinh thần thoải mái cho “vượt vũ môn”

Áp lực thi cử, lo lắng về kết quả, sự mong đợi của gia đình và xã hội... là những yếu tố có thể ảnh hưởng trực tiếp đến tâm lý của thí sinh trước thềm kỳ thi quan trọng, vì vậy việc chuẩn bị tâm lý cho các em là hết sức cần thiết. Để có tâm lý ổn định trước Kỳ thi, các thí sinh phải xác định rõ mục tiêu, lập kế hoạch chi tiết, hài hòa giữa học tập, nghỉ ngơi và vui chơi, giải trí. Học sinh cũng nên thường xuyên luyện tập các kỹ năng như quản lý thời gian, đối phó với căng thẳng, tự động viên bản thân...

Để có được sức khỏe và tinh thần tốt nhất chuẩn bị cho Kỳ thi quan trọng, các thí sinh chú ý duy trì chế độ ăn, ngủ, nghỉ kết hợp ôn luyện hợp lý. Hiểu được những áp lực của con em mình, các phụ huynh luôn chủ động chia sẻ, động viên kịp thời để các em có được tâm lý, sức khỏe tốt nhất cho Kỳ thi.

Em Trần Quỳnh Như, lớp 12A1, Trường THPT Đoan Hùng, huyện Đoan Hùng chia sẻ: Cứ sau hơn 2 giờ tự học tại nhà em rời bàn học và tập thể dục nhẹ nhàng. Đây là việc làm đều đặn được em duy trì từ lúc bắt đầu khởi động cho hành trình “vượt vũ môn”. Việc cân bằng giữa học tập và nghỉ ngơi là điều mà các thầy cô trường em luôn dặn dò trước các kỳ thi quan trọng. Thế nên, việc chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT không chỉ là về mặt kiến thức mà còn cả về tinh thần.

Theo em Trần Thị Thu Trang, lớp 12A7, Trường THPT Việt Trì, TP Việt Trì, những ngày ôn tập tại trường, em chú ý nghe giảng, rút kinh nghiệm từ bài đã sửa của thầy, cô giáo để có thể nhớ lâu hơn. Em dành nhiều thời gian tự học vào buổi tối để yên tĩnh, hiệu quả hơn, không bị mất tập trung bởi các yếu tố bên ngoài. Em cũng chú trọng rèn luyện cho mình những kỹ năng tâm lý để chuẩn bị cho Kỳ thi. Còn em Bàn Thị Thơm, học sinh Trường THPT Minh Đài, huyện Tân Sơn tâm sự: Nhà em ở xa nên phải trọ gần trường, các thầy, cô luôn theo sát động viên tinh thần cho em. Nhờ nỗ lực mà em đã có khoảng thời gian ôn luyện tốt, chuẩn bị sẵn sàng kiến thức và tâm lý để bước vào Kỳ thi quan trọng của cuộc đời mình.

Chị Nguyễn Thị Hoàn, phụ huynh có con đang học lớp 12, Trường THPT Đoan Hùng cho biết: Thời gian này, vợ chồng tôi luôn gần gũi, trò chuyện, lắng nghe, chia sẻ với con nhiều hơn để động viên, kịp thời tháo gỡ vướng mắc trong thời gian ôn tập. Cùng đó, chú ý bổ sung đồ ăn dinh dưỡng, nhắc nhở con không học bài quá khuya, chú ý nền nếp sinh hoạt để giữ gìn sức khỏe...

Trong giai đoạn “nước rút” này, cùng với sự quan tâm chăm lo của gia đình, thầy cô, điều quan trọng nhất là mỗi học sinh nên duy trì trạng thái tâm lý bình tĩnh thông qua việc phân chia, sắp xếp thời gian hợp lý, tìm ra điểm hạn chế của bản thân để khắc phục, giảm lo âu. Nếu cảm thấy có áp lực phải chia sẻ cùng bạn bè, người thân và tự động viên mình bằng những câu chuyện truyền cảm hứng để sẵn sàng vượt qua Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, với kết quả tốt nhất.

Hạnh Thúy

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/san-sang-tam-the-cho-si-tu-vuot-vu-mon-213893.htm