Sẵn sàng tâm thế để về đích đúng hẹn
Là hạt nhân của mô hình đô thị di sản đặc thù, thời gian qua, thành phố Huế đã có những bước đột phá ấn tượng trên nhiều lĩnh vực. Đặc biệt, sau hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết số 1264/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về điều chỉnh địa giới các đơn vị hành chính cấp huyện, thành phố Huế trở thành địa phương cấp huyện có số đơn vị hành chính lớn thứ hai của cả nước với 36 phường, xã. Kết quả này là tiền đề quan trọng để thành phố cùng tỉnh xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với trọng tâm là đến năm 2025 xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Bứt phá với chuyển đổi số
Xác định thực hiện việc mở rộng địa giới hành chính thành phố theo Nghị quyết số 1264/NQ-UBTVQH14 của UBTV Quốc hội là tiền đề để thực hiện Nghị quyết số 54 NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với trọng tâm là đến năm 2025 xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, HĐND thành phố Huế đã đặt ra những mục tiêu, kế hoạch để tạo ra sự chuyển đổi về “chất”, nhằm cùng toàn tỉnh thực hiện thành công mục tiêu, nhiệm vụ đã đặt ra.
Ngay từ đầu nhiệm kỳ, HĐND thành phố Huế đã ban hành kế hoạch về đổi mới, nâng cao chất lượng kỳ họp và hoạt động của đại biểu HĐND. Trong đó, tập trung vào nhiệm vụ nỗ lực thay đổi toàn diện về cả công tác tổ chức kỳ họp, hoạt động thẩm tra, giám sát, chất vấn, tiếp xúc cử tri, giải quyết ý kiến cử tri... HĐND thành phố Huế là đơn vị cấp huyện đầu tiên trong tỉnh thực hiện chủ trương “kỳ họp không giấy tờ”. Tất cả các văn bản của kỳ họp đều được đưa lên hệ thống “Họp thông minh” qua máy tính bảng cho đại biểu nghiên cứu, biểu quyết kịp thời, góp phần tiết kiệm thời gian và kinh phí cho ngân sách, đồng thời, có thể chuyển tải các hình ảnh sinh động, chân thực nhất của các dự án, đề án, chương trình trình HĐND thông qua.
HĐND thành phố Huế cũng là đơn vị cấp huyện đầu tiên trong cả nước thực hiện truyền hình trực tiếp kỳ họp HĐND thành phố trên sóng truyền hình của tỉnh; đồng thời, tiến hành livestream kỳ họp để cử tri có thể tương tác trực tiếp trên Cổng thông tin điện tử thành phố và các kênh mạng xã hội Facebook, Zalo... Với cách thức này, người dân thành phố đã có thêm nhiều cơ hội theo dõi và tương tác với kỳ họp. Kỳ họp HĐND thành phố và các hoạt động của HĐND đã dần trở nên gần gũi, được đông đảo cử tri và các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn quan tâm theo dõi và đánh giá cao.
Bám sát từng nhịp thở cuộc sống
Với tinh thần “vì dân phục vụ”, HĐND thành phố Huế đã bám sát từng nhịp thở cuộc sống, nghiêm túc, kỹ lưỡng trong tham gia xây dựng các dự thảo nghị quyết, báo cáo, đề án, tờ trình trình tại kỳ họp… Vì thế, hàng loạt nghị quyết do HĐND thành phố ban hành đã đi vào cuộc sống, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ và mong mỏi của Nhân dân.
Việc xây dựng các đề án luôn có sự song hành của Thường trực HĐND, các ban HĐND, tham gia góp ý ngay từ khâu dự thảo, thâm nhập thực tế các dự án; các báo cáo thẩm tra được trình bày ngắn gọn nhưng bảo đảm tất cả các nội dung để đại biểu có thể nắm bắt, cùng với các hình ảnh chân thực về hiện trạng cũng như phối cảnh hoàn thành của dự án, nhờ đó, việc thẩm tra, thảo luận và thông qua nghị quyết tại kỳ họp tập trung và tiết kiệm thời gian.
HĐND thành phố Huế cũng đã thực hiện đổi mới hoạt động chất vấn trong các kỳ họp thông qua việc nắm bắt kịp thời các kiến nghị, bức xúc, quan tâm của Nhân dân, xã hội; chủ động đặt ra các các nhóm vấn đề để định hướng thảo luận, chất vấn, phản biện công khai; từng bước loại bỏ việc trả lời bằng các văn bản dài dòng, thiếu trọng tâm, thiếu thực chất, mang tính hình thức. Với nhiều đổi mới, trong các phiên chất vấn tại hội trường, nhiều đại biểu đã không ngại va chạm, bám sát và đi đến cùng các vấn đề chất vấn với lãnh đạo thành phố, các ban ngành về những vấn đề bức xúc của Nhân dân, những vướng mắc, hạn chế để tìm kiếm giải pháp thiết thực, giải quyết rốt ráo các vấn đề mà HĐND thành phố đặt ra. Qua đó, đã tạo sự chuyển biến rõ rệt trong việc nâng cao năng lực và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ lãnh đạo các phòng ban thuộc UBND thành phố Huế, các đơn vị, địa phương trong việc giải quyết các vấn đề cử tri, Nhân dân quan tâm.
Không dừng lại ở việc tổ chức các kỳ họp thường kỳ, HĐND thành phố cũng đã tổ chức nhiều kỳ họp chuyên đề để kịp thời giải quyết các vấn đề, nhiệm vụ đặt ra liên quan đến thẩm quyền của HĐND thành phố. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, HĐND thành phố đã tổ chức 18 kỳ họp, trong đó có 11 kỳ họp chuyên đề và 7 kỳ họp thường lệ, đã ban hành 225 nghị quyết, trong đó, có rất nhiều nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội, các dự án trọng điểm của tỉnh giao, các dự án phát triển du lịch, phát triển giáo dục đào tạo, các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, phát triển kinh tế đêm, các dự án chỉnh trang đô thị, các đề án bảo tồn phố cổ... Các nghị quyết của HĐND thành phố đã tạo nên nhiều thay đổi quan trọng trên các lĩnh vực, đặc biệt là đã tạo nên một diện mạo mới cho đô thị Huế với nhiều dự án kết nối đô thị, không gian công cộng, trường học, điện chiếu sáng, bãi đỗ xe, camera giám sát... được xây dựng, đã tạo bước đột phá về hạ tầng, không gian, cảnh quan, tạo những điểm nhấn cho du lịch trên địa bàn; bảo đảm đồng bộ, kết nối với các huyện của tỉnh.
Dốc sức vì ngày mai tươi sáng
Trong bối cảnh diện tích tự nhiên tăng lên gần 4 lần, đơn vị hành chính cấp xã tăng từ 27 lên 36 phường xã, dân số chiếm ½ dân số toàn tỉnh sau khi thành phố được mở rộng là một áp lực lớn đối với thành phố.
Đơn cử, với số lượng biên chế của các phòng ban thành phố không được tăng, không còn quy định hợp đồng viên chức, thành phố Huế đứng trước nhiều khó khăn, thử thách trong việc hoàn thành các nhiệm vụ chính trị được giao. Tuy nhiên, cùng với nỗ lực của toàn bộ hệ thống chính trị thành phố, sự đổi mới trong hoạt động của HĐND thành phố đã góp phần tạo ra những chuyển biến tích cực trong hoạt động của các cơ quan chính quyền từ thành phố đến cơ sở. Vượt qua những khó khăn của năm 2023, thành phố đã nỗ lực hoàn thành đạt và vượt tất cả các chỉ tiêu mà Nghị quyết HĐND thành phố đã đề ra.
Với vai trò là trung tâm văn hóa, hành chính, chính trị; trung tâm động lực cho sự phát triển kinh tế, xã hội của toàn tỉnh; là hạt nhân của mô hình đô thị di sản đặc thù, thành phố Huế có vai trò hết sức quan trọng trong tiến trình xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Những nỗ lực của HĐND thành phố Huế không chỉ góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương mà còn góp phần thay đổi trong cách nghĩ, cách làm của đội ngũ cán bộ, công chức; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền; từ đó, xây dựng tâm thế sẵn sàng cho việc đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị trong giai đoạn mới - khi tỉnh Thừa Thiên Huế được xem xét trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo tinh thần Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về Xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng như Quyết định số 1745-QĐ/TTg ngày 30.12.2023 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đề ra.