Sẵn sàng triển khai SGK mới đối với lớp 1: Chú trọng thiết bị hỗ trợ giảng dạy vùng khó

Trong thời gian này, hầu hết các địa phương trên cả nước đã thành lập các hội đồng chọn sách giáo khoa (SGK), lấy ý kiến và tiến hành nghiên cứu chọn sách. Các bộ sách được giới thiệu đa phần nhận được đánh giá tốt. Ở một số vùng khó, nhiều ý kiến cho rằng để triển khai được sách mới, chương trình mới thì chọn bộ sách phù hợp phải đi kèm với những chú ý về thiết bị hỗ trợ giảng dạy.

Sẵn sàng triển khai sách và chương trình mới

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cùng đại diện lãnh đạo các Vụ, Cục của Bộ đã có buổi làm việc với Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội về công tác chuẩn bị sơ kết Nghị quyết 88 của Quốc hội “Về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông”.

Tại buổi làm việc, Bộ GD&ĐT đã công bố dự thảo báo cáo về những việc để triển khai thực hiện đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông (GDPT) theo quy định tại Nghị quyết 88.

Theo đó, Chính phủ đã giao Bộ GD&ĐT chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương cụ thể hóa nội dung Đề án đổi mới CT, SGK GDPT thành các chương trình, kế hoạch, dự án chi tiết theo từng giai đoạn, từng năm để thực hiện Nghị quyết 88 của Quốc hội.

Giai đoạn 2015-2016 các Bộ, ngành, địa phương tổ chức: Thông tin tuyên truyền về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, đổi mới CT, SGK; Xây dựng, phê duyệt các chương trình, dự án, đề án có liên quan; Xây dựng, biên soạn, thẩm định và ban hành chương trình, SGK mới; chuẩn bị các điều kiện để tổ chức thực nghiệm SGK mới do Bộ GD&ĐT tổ chức biên soạn. Giai đoạn 2016-2018, triển khai việc biên soạn, thẩm định, thực nghiệm, phê duyệt cho phép sử dụng và phát hành được ít nhất một bộ SGK mới của lớp 1, lớp 6 và lớp 10; biên soạn tài liệu hướng dẫn dạy học theo chương trình mới; tập huấn, bồi dưỡng GV để thực hiện CT SGK GDPT mới đối với lớp 1, lớp 6 và lớp 10; biên soạn tài liệu giáo dục của địa phương; xây dựng, điều chỉnh, bổ sung quy định về chế độ, chính sách liên quan đến việc thực hiện CT mới, SGK mới…

Các đại biểu nhất trí cao với các nội dung trong dự thảo báo cáo của Bộ GD&ĐT, đồng thời đề xuất bổ sung thêm phần tổng quan đánh giá chương trình giáo dục phổ thông hiện hành. Báo cáo nên đề cập thêm về tình trạng thừa thiếu giáo viên như thế nào; Tới đây khi thực hiện chương trình GDPT mới sẽ có dạy học tích hợp, điều này có ảnh hưởng như thế nào đến đội ngũ giáo viên; Hay như vấn đề chuẩn bị đội ngũ, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học đã được chuẩn bị đến đâu?...

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ ghi nhận và tiếp thu những ý kiến đóng góp tích cực của các đại biểu đồng thời cho biết, đến thời điểm này đã sẵn sàng triển khai thực chương trình, SGK GDPT mới đối với lớp 1. Riêng về SGK đã được thực hiện đầy đủ theo đúng lộ trình. Đội ngũ giáo viên lớp 1 đã được tập huấn, bồi dưỡng và sẵn sàng cho dạy – học trong năm học tới.

 Đối với vùng khó, việc đánh giá chọn sách cần cân nhắc kỹ càng yếu tố địa phương, vùng miền và đánh giá cả các thiết bị hỗ trợ giảng dạy. Ảnh:T.F

Đối với vùng khó, việc đánh giá chọn sách cần cân nhắc kỹ càng yếu tố địa phương, vùng miền và đánh giá cả các thiết bị hỗ trợ giảng dạy. Ảnh:T.F

Chọn sách cũng cần lưu ý đến các thiết bị hỗ trợ giảng dạy

Hầu hết các ý kiến đánh giá từ các hội đồng chọn sách cho rằng: Các bộ SGK lớp 1 mới tích hợp nhiều kênh đa phương tiện, hình ảnh hỗ trợ giảng dạy, việc này giảm được đầu sách học sinh phải mang vác mỗi khi đến trường. Các bộ sách được thiết kế sinh động, màu sắc in ấn đẹp và nội dung kiến thức dễ hiểu.

Tuy nhiên, đối với các địa phương vùng khó, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học có những hạn chế nhất định. Máy móc để đáp ứng được các kênh đa phương tiện, ứng dụng công nghệ thông tin ở các trường vùng vẫn hạn chế, ngay cả trường học ở thị trấn cũng chưa đáp ứng được yêu cầu. Vì thế vấn đề chọn sách lại càng phải chú ý kỹ càng hơn nữa.

Cô giáo Trần Thùy Linh, Phó Hiệu trưởng trường Dân tộc bán trú, Tiểu học và THCS xã Bản Máy, tỉnh Hà Giang cho biết: Đối với học sinh dân tộc, sách phù hợp phải dễ hiểu, câu ngắn, đảm bảo cho việc truyền tải kiến thức đến các em dễ dàng nhất.

Mỗi bộ SGK dù đã qua thẩm định nhưng chắc chắn sẽ có những ưu, nhược điểm, sự phù hợp riêng với điều kiện, nhu cầu, mong muốn chung của giáo viên, học sinh các địa phương. Mặt khác, Hội đồng chọn SGK hoàn toàn được phép chọn những cuốn SGK phù hợp nhất trong mỗi bộ SGK chứ không nhất thiết phải chọn nguyên một bộ SGK để giảng dạy. Vì thế, khi chọn sách, các giáo viên cũng cần chú ý đến các thiết bị hỗ trợ giảng dạy cho bộ sách đó có phù hợp với thực tế không, các hoạt động giáo dục có thể áp dụng đối với đặc tính vùng miền của học sinh ở từng địa phương hay không, nhưng đánh giá ưu điểm kỹ càng của chính các giáo viên đứng lớp sẽ góp phần chọn được bộ sách phù hợp nhất với từng địa phương.

T.Fan

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/san-sang-trien-khai-sgk-moi-doi-voi-lop-1-chu-trong-thiet-bi-ho-tro-giang-day-vung-kho-184096.html