Sẵn sàng trong phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn
Những năm gần đây, tình hình thời tiết có diễn biến phức tạp, gây thiệt hại đến tài sản, của nhân dân. Kịp thời ứng phó với các tình huống bão lũ, sạt lở, Bộ CHQS tỉnh xây dựng kế hoạch, lập các phương án bố trí, sử dụng phương tiện, lực lượng để phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) hiệu quả.
Vào mùa mưa bão, thị trấn Hợp Châu (Tam Đảo) thường xảy ngập úng ở các TDP Cửu Yên 1, 2, Hợp Thành, Yên Trung. Nguyên nhân do địa hình trũng; có nguồn nước từ núi Tam Đảo đổ xuống. Điều đáng nói, lòng suối nhỏ, hẹp khi mưa lớn kéo dài gây lũ.
Nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân, Ban CHQS thị trấn tham mưu với Ban chỉ huy PCTT&TKCN thị trấn theo dõi, nắm bắt và xử lý kịp thời những tình huống xảy ra; phân công lực lượng thường xuyên kiểm tra các công trình có liên quan đến công tác PCTT&TKCN; tuyên truyền nhân dân tích cực nạo vét, tháo dỡ vật cản trên hệ thống luồng tiêu; phối hợp với các lực lượng khác lập chốt không để người dân và các phương tiện giao thông đi qua các khu vực đang có lũ…
Thiếu tá Phạm Minh Đăng, Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Tam Đảo cho biết: Trong đợt mưa lớn vừa qua, Tam Đảo là huyện chịu ảnh hưởng lớn, ước thiệt hại khoảng hơn 20 tỷ đồng. Các hồ thủy lợi chứa nước đã vượt mức cho phép và thực hiện xả tràn.
Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn tỉnh những ngày tới, trên địa bàn tỉnh tiếp tục có mưa rào và dông, cục bộ có mưa vừa đến mưa to. Để đảm bảo an toàn hồ đập và vùng hạ du, LLVT huyện duy trì nghiêm chế độ trực chỉ huy, trực ban cứu hộ, cứu nạn 24/24 giờ, thường xuyên theo dõi, nắm chắc tình hình thiên tai, tai nạn, sự cố xảy ra trên địa bàn; rà soát, điều chỉnh bổ sung phương án ứng phó thiên tai; tổ chức hiệp đồng chặt chẽ với chính quyền địa phương và các đơn vị đóng quân trên địa bàn.
Ban CHQS các xã, thị trấn chủ động làm tốt mọi công tác chuẩn bị, điều chỉnh bổ sung kế hoạch, tổ chức thực hiện đầy đủ các nội dung theo phương châm “4 tại chỗ” và “ba sẵn sàng”, trong đó, chú trọng bảo đảm lực lượng, phương tiện, cơ sở vật chất hậu cần để sẵn sàng cơ động, kịp thời xử lý các tình huống xảy ra.
Vĩnh Phúc là tỉnh thuộc Đồng bằng trung du Bắc Bộ có địa hình phức tạp, nhiều sông, ngòi chảy qua, chịu ảnh hưởng 3 con sông lớn: sông Hồng, sông Lô và sông Phó Đáy. Có hơn 320 hồ, đập lớn nhỏ, trong đó, có một số hồ đập lớn như hồ Vân Trục, Suối Sải (Lập Thạch), đập Làng Hà, Xạ Hương (Tam Đảo), hồ Đại Lải (Phúc Yên)… khi mưa lớn dễ xuất hiện lũ, lũ quét và sạt lở đất, ngập úng.
Phát huy vai trò nòng cốt, Bộ CHQS tỉnh tăng cường quán triệt, triển khai nghiêm các chỉ thị về PCLB và TKCN, PCCCR của các cấp để nâng cao nhận thức của cán bộ, chiến sĩ trong hoạt động ứng phó thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
Chủ động xây dựng các kế hoạch, tổ chức bố trí lực lượng, phương tiện ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn phù hợp với tình hình thực tế. Hằng năm, Bộ CHQS tỉnh duy trì nghiêm công tác huấn luyện, diễn tập, luyện tập cứu hộ, cứu nạn, sự cố hồ đập, phòng cháy, chữa cháy rừng.
Thực hiện phương châm “chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả, trong đó, lấy phòng tránh là chính”, ngay từ đầu mùa mưa bão, Ban CHQS các huyện, thành phố tăng cường kiểm tra, nắm chắc địa bàn, khu vực có khả năng xảy ra sạt lở, lũ ống, lũ quét, chủ động phương án ứng phó với các tình huống.
Khi xảy ra mưa bão, từ Bộ CHQS tỉnh đến Ban CHQS các xã, thị trấn luôn thực hiện nghiêm chế độ trực ban, trực chỉ huy, trực cứu hộ, cứu nạn 24/24h. Tại các đập tràn khi có nước dâng, xả lũ, địa phương bố trí lực lượng dân quân trực, canh gác, không để người và phương tiện đi qua.
Đồng thời, LLVT tăng cường giúp đỡ nhân dân thu hoạch nhanh diện tích lúa, hoa màu đến kỳ thu hoạch, đẩy mạnh tuyên truyền, cảnh báo, hướng dẫn người dân biết để chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, hiệu quả khi xảy ra lụt, bão.
Trong các tình huống, LLVT nêu cao tinh thần trách nhiệm, không quản ngại khó khăn, vất vả đi đầu, làm nòng cốt trong công tác ứng phó, khắc phục sự cố, thiên tai và TKCN.