Sẵn sàng ứng phó mưa lớn, lũ lụt

Lãnh đạo Sở NN-PTNT, các ngành chức năng và địa phương kiểm tra việc triển khai ứng phó mưa, bão đối với các chủ bè nuôi thủy sản ở vịnh Xuân Đài (TX Sông Cầu). Ảnh: ANH NGỌC

Theo Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh, từ 19 giờ ngày 8/11 đến 6 giờ 30 ngày 9/11, Phú Yên có mưa nhỏ, mực nước các sông trên địa bàn tỉnh hầu hết ở mức dưới báo động cấp I.

Hiện tất cả tàu cá của Phú Yên vẫn hoạt động bình thường, chủ yếu ở các vùng biển giữa biển Đông, đông nam quần đảo Trường Sa và ven bờ từ Bình Định - Bình Thuận. Khi có thời tiết xấu trên biển, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh sẽ thông tin liên lạc đến các chủ tàu, thuyền trưởng để có kế hoạch sản xuất phù hợp; chủ động di chuyển ra khỏi khu vực nguy hiểm.

Hiện trên địa bàn tỉnh có hơn 3.895ha lúa vụ mùa, trong đó khoảng 1.140ha lúa đã chín, còn lại là trong giai đoạn mạ, làm đồng, trổ. Trên địa bàn tỉnh còn khoảng 107.980 lồng của 2.555 bè nuôi thủy sản. Các địa phương đã thu hoạch thủy sản nuôi đạt kích cỡ thương phẩm và chuẩn bị sẵn sàng các phương án ứng phó với mưa lớn, lũ lụt.

Mực nước các hồ thủy điện vào lúc 7 giờ ngày 9/11: hồ thủy điện Sông Ba Hạ là 102,97m/105m; hồ thủy điện Sông Hinh là 207,02m/209m; hồ thủy điện Krông H’năng là 252,325m/ 255m. Hiện nay các hồ chứa thủy điện đang vận hành, điều tiết tích, xả nước qua tràn để đón lũ với lưu lượng từ 15-50m3/s theo quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Ba. Có 3 hồ thủy lợi lớn (hơn 10 triệu m3), hiện nay dung tích các hồ này phổ biến từ 36,5-77,9% dung tích thiết kế. Đối với các hồ chứa nước thủy lợi nhỏ, đang tích nước phổ biến từ 40-100% so với dung tích thiết kế.

Hiện trên địa bàn tỉnh có 4 công trình đê kè biển, cửa sông (cửa biển Đà Nông; cửa biển Đà Diễn; kè Xóm Rớ; kè Xuân Hải), đến nay các công trình này đã hoàn thành từ 55-90% khối lượng. Các chủ đầu tư đang đôn đốc các đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ đảm bảo các công trình vượt lũ; chuẩn bị sẵn sàng các phương án bảo vệ công trình.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với nhiễu động gió đông trên cao nên từ ngày 9-14/11, ở Trung Bộ tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Lượng mưa dự báo từ ngày 9-14/11, từ phía nam tỉnh Quảng Nam đến tỉnh Phú Yên phổ biến từ 350-650mm, có nơi trên 750mm. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh; nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, thấp, ven sông. Từ ngày 15/11, mưa lớn ở khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Khánh Hòa còn diễn biến phức tạp và có khả năng kéo dài. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do mưa lớn, lốc, sét và mưa đá: Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa: Cấp 1; Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên: Cấp 2.

Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh, yêu cầu các cơ quan, đơn vị và địa phương chủ động triển khai ứng phó với mưa lớn, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất và theo dõi chặt chẽ các bản tin về mưa lớn, lũ lụt. Đồng thời, chủ động sẵn sàng các phương án ứng phó kịp thời hiệu quả, nhất là các khu vực nguy hiểm, vùng trũng thấp, ngập sâu, chia cắt, nhà không bảo đảm an toàn, khu vực có nguy cơ sạt lở đất, lũ ống, lũ quét...; sẵn sàng triển khai phương án phòng, chống ngập úng bảo vệ sản xuất nông nghiệp, khu nuôi trồng thủy sản; sẵn sàng các phương án bảo vệ nhà cửa, kho tàng, trụ sở, công trình; kiểm soát, hướng dẫn giao thông an toàn tại các khu vực có nguy cơ bị ngập sâu, nước chảy xiết.

Các đơn vị và địa phương chủ động triển khai lực lượng phòng, chống thiên tai; chủ động di dời, sơ tán người dân khi có tình huống xảy ra, nhất là phương án di dời sơ tán dân tập trung, đảm bảo an toàn công tác phòng chống dịch COVID-19 phù hợp với tình hình cụ thể tại các địa phương, đơn vị. Đối với các công trình thủy lợi, hồ chứa thủy lợi, thủy điện, nhất là các hồ chứa đã đầy nước, các địa phương, đơn vị chủ động triển khai các phương án đảm bảo an toàn các công trình hồ, đập, theo phương châm “3 sẵn sàng”, “4 tại chỗ” tổ chức vận hành, điều tiết tích, xả nước phù hợp, hạn chế thấp nhất ngập lụt vùng hạ du. Đối với các công trình đang thi công, nhất là các công trình tại các vùng trũng thấp, ven sông, ven suối, chủ động sẵn sàng triển khai các phương án ứng phó mưa lớn, lũ lụt, nhất là phương án đảm bảo an toàn người và phương tiện, trang thiết bị máy móc.

ANH NGỌC

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/141/267228/san-sang-ung-pho-mua-lon-lu-lut.html