Sẵn sàng ứng phó, phòng chống thiên tai

Những năm gần đây, các tỉnh, thành phố Đông Nam Bộ chịu ảnh hưởng không nhỏ bởi hậu quả do thiên tai, bão lũ gây ra. Để giảm thiểu thiệt hại, ứng phó kịp thời, hiệu quả với sự cố thiên tai, các đơn vị, địa phương đã chủ động triển khai nhiều phương án phòng, chống, cứu nạn, tăng cường luyện tập theo phương châm '4 tại chỗ', phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng trên địa bàn.

Chủ động luyện tập, xử trí tình huống

Cuộc diễn tập phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) do Tổng công ty Điện lực miền Nam phối hợp với UBND huyện Hàm Tân (Bình Thuận) tổ chức có sự tham gia của đông đảo các lực lượng và người dân địa phương. Phương án diễn tập với tình huống giả định một cơn bão cường độ mạnh cấp 9, cấp 10 từ Biển Đông đổ vào đất liền, diễn biến phức tạp, đi qua địa phận nhiều tỉnh, thành phố Đông Nam Bộ. Thực hiện chủ trương tích cực phòng ngừa, giảm thiểu thiệt hại, các lực lượng nhanh chóng triển khai kế hoạch, phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng trong từng nhiệm vụ cụ thể. Bộ phận xung kích và thanh niên địa phương khẩn trương ứng cứu các hộ dân bị cô lập do ngập úng... Đây là cuộc diễn tập quy mô lớn, nhằm chủ động ứng phó kịp thời với thiên tai, lũ lụt, bảo vệ an toàn tài sản, tính mạng người dân trước diễn biến phức tạp, khó lường của thời tiết, khí hậu khu vực Đông Nam Bộ.

 Lực lượng vũ trang Quân khu 7 phối hợp diễn tập PCTT&TKCN trên địa bàn.

Lực lượng vũ trang Quân khu 7 phối hợp diễn tập PCTT&TKCN trên địa bàn.

Theo thống kê sơ bộ, cuối năm 2019, trong vòng 3 tháng, các tỉnh, thành phố Đông Nam Bộ chịu ảnh hưởng của 3 cơn bão, gây ngập úng nhiều nơi và làm hàng trăm căn nhà bị tốc mái. Mưa lớn cuốn trôi 11 người ở các tỉnh: Đồng Nai, Bình Phước, Bình Thuận, Lâm Đồng... Ngay trong mùa mưa năm nay, tại TP Hồ Chí Minh đã xảy ra ít nhất hai vụ cây đổ làm chết hai người. Theo nhận định của Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường), tình hình thời tiết, thủy văn năm 2020 ở khu vực Đông Nam Bộ diễn biến phức tạp do tác động cực đoan của biến đổi khí hậu. Đây cũng là vùng trọng điểm khi áp thấp nhiệt đới hình thành bão hướng về phía Nam.

Vùng Đông Nam Bộ có vùng rừng núi, cao nguyên thường hay sạt lở, lũ quét và gió xoáy khá mạnh; vùng đồng bằng ven biển và vùng biển, đảo thường có bão kéo theo mưa lớn, gây lũ lụt. Bởi vậy, ngay từ đầu năm, UBND các địa phương đã triển khai kế hoạch phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; chỉ đạo các ngành chức năng xây dựng phương án và luyện tập xử trí các tình huống dự kiến xảy ra. Ông Phan Văn Tấn, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận cho biết: “Từ đầu năm đến nay, Ban chỉ huy PCTT&TKCN đã nhiều lần phối hợp với các ban, ngành, địa phương rà soát từng khu vực, xác định rõ các vùng, địa bàn xung yếu thường xuyên bị ảnh hưởng của thiên tai; vùng mưa to gây lũ, ngập lụt, vùng trũng; vùng hạ du của các hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện khi phải xả lũ để xây dựng kế hoạch, bố trí nguồn lực, điều chỉnh phương án hợp lý và tổ chức diễn tập, luyện tập nhuần nhuyễn các phương án xử lý, khắc phục hậu quả thiên tai”.

Mới đây, Ban chỉ đạo Trung ương về PCTT&TKCN đã kiểm tra nhiều tỉnh, thành phố Đông Nam Bộ và yêu cầu các địa phương tăng cường công tác phòng ngừa, chủ động luyện tập xử trí tình huống, nâng cao khả năng ứng phó với thiên tai; theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết để chủ động phòng tránh, nhất là đối với bão, áp thấp nhiệt đới vào dịp cuối năm. Ông Trần Đình Minh, Phó trưởng ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Đồng Nai cho rằng: Việc luyện tập phương án là trách nhiệm thường xuyên của các cấp, ngành chức năng. Để thuận lợi cho địa phương chủ động ứng phó với thiên tai, Ban chỉ đạo Trung ương về PCTT&TKCN cần sớm ban hành hướng dẫn xây dựng kế hoạch PCTT&TKCN cấp tỉnh, thành phố để các địa phương có cơ sở thực hiện; tổ chức tập huấn, huấn luyện cho cán bộ làm công tác PCTT, đặc biệt là lực lượng tham gia cứu hộ, cứu nạn cấp cơ sở để bảo đảm hiệu quả trong những tình huống thiên tai khẩn cấp.

 Tổng công ty điện lực miền Nam diễn tập PCTT&TKCN tại Bình Thuận.

Tổng công ty điện lực miền Nam diễn tập PCTT&TKCN tại Bình Thuận.

Lực lượng vũ trang sẵn sàng “4 tại chỗ”

Chủ động ứng phó theo phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; hậu cần tại chỗ và vật tư, phương tiện tại chỗ) là biện pháp cơ bản của LLVT Quân khu 7 trong PCTT&TKCN. Để ứng phó hiệu quả với thiên tai, các đơn vị đã xây dựng nhiều phương án và tổ chức luyện tập thành thạo, sát với tình hình thực tế tại địa phương nơi đóng quân và chức năng, nhiệm vụ của đơn vị.

Tại buổi diễn tập của Ban CHQS huyện Bảo Lâm (Lâm Đồng) ở khu vực hồ thủy lợi Lộc Thắng, hàng loạt tình huống giả định được đặt ra như: Mưa lớn, nước hồ thủy lợi dâng cao, chảy xiết gây ngập úng cây trồng, nhà dân, cuốn trôi nhiều tài sản, vật dụng của bà con; một số người bị nước lũ cuốn trôi cần ứng cứu khẩn cấp... Ngay lập tức, Ban CHQS huyện Bảo Lâm huy động 60 cán bộ, chiến sĩ và lực lượng dân quân tại chỗ mang theo phương tiện cứu hộ nhanh chóng có mặt triển khai cứu hộ, đưa người và tài sản của nhân dân đến nơi an toàn.

Đây cũng là một trong những tình huống được luyện tập thường xuyên ở nhiều địa phương, đơn vị LLVT Quân khu 7. Theo Thiếu tướng Nguyễn Văn Hoàng, Phó tham mưu trưởng Quân khu 7, với phương châm “4 tại chỗ” và “chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương, hiệu quả, lấy phòng ngừa là chính”, ngay từ đầu năm, Bộ tư lệnh quân khu đã ban hành các chỉ thị, kế hoạch thực hiện nhiệm vụ này và xác định đây là nhiệm vụ “chiến đấu giữa thời bình”. Quân khu rà soát những địa bàn trọng điểm thường xảy ra lũ quét và có kế hoạch thành lập sở chỉ huy tiền phương để chỉ huy công tác phòng, chống bão lụt ở một số địa phương. Tất cả các tỉnh, thành phố đã chủ động phối hợp, hiệp đồng với các đơn vị bộ đội chủ lực đứng chân trên địa bàn để sẵn sàng huy động lực lượng, phương tiện khi xảy ra tình huống bão lụt cần ứng cứu. Đại tá Phạm Phú Ý, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu chia sẻ: Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh đã tham mưu giúp Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo bổ sung lực lượng, phương tiện thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn; phân công nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành, đơn vị, địa phương; tổ chức các đợt tập huấn, huấn luyện về công tác PCTT&TKCN nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm và kỹ năng cho cán bộ, chiến sĩ; dự kiến các tình huống huy động lực lượng, trưng dụng vật chất, phương tiện của các cơ quan, đơn vị phục vụ PCTT&TKCN.

Đối với các tỉnh, thành phố ven biển, Bộ tư lệnh quân khu chỉ đạo Bộ CHQS phối hợp với Bộ đội Biên phòng, Hải quân, Cảnh sát biển và chính quyền địa phương thống nhất phương án nắm, quản lý hoạt động của tàu, thuyền trên biển, phân công lực lượng chủ động theo dõi diễn biến bão lũ, kịp thời thông báo, hướng dẫn tàu, thuyền về nơi tránh, trú an toàn; đồng thời, sẵn sàng ứng cứu khi có tình huống xảy ra... Thiếu tướng Đặng Văn Hùng, Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân khu 7 nhấn mạnh: Sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng, bảo đảm đúng phương châm “4 tại chỗ” trên cơ sở chỉ huy thống nhất sẽ phát huy tốt sức mạnh tổng hợp của các lực lượng trên địa bàn để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ phòng, chống, cứu hộ cứu nạn, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai, bão lũ gây ra.

Bài và ảnh: CHÂU GIANG - TẤN CHÍ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/san-sang-ung-pho-phong-chong-thien-tai-641822