Sẵn sàng ứng phó sự cố bức xạ, hạt nhân

Các lực lượng ứng phó sự cố bức xạ, hạt nhân diễn tập thu gom nguồn phóng xạ tại vựa phế liệu Tuyết Huy (TP Tuy Hòa). Ảnh: THÁI HÀ

Sở KH-CN Phú Yên vừa phối hợp với Viện Nghiên cứu hạt nhân (Đà Lạt) tổ chức tập huấn và phổ biến kịch bản diễn tập ứng phó sự cố bức xạ, hạt nhân (BXHN) nhằm kiểm tra sự phù hợp của kế hoạch ứng phó sự cố; năng lực chỉ đạo, điều hành và chỉ huy hiện trường; kiểm tra năng lực phối hợp tác nghiệp của các lực lượng… sẵn sàng ứng phó khi có sự cố xảy ra.

Nguy cơ tiềm ẩn

Qua nhiều thập kỷ, các chất phóng xạ nhân tạo đã đem lại nhiều lợi ích to lớn cho ngành Y trong việc chẩn đoán, điều trị bệnh, cũng như giúp triển khai hàng loạt kỹ thuật trong nông nghiệp, công nghiệp… để cải thiện cuộc sống con người. Tuy nhiên, việc ứng dụng bức xạ và hạt nhân cũng tiềm ẩn nguy cơ gây ra sự cố, ảnh hưởng đến sức khỏe, môi trường.

Theo PGS-TS Nguyễn Văn Hùng, nghiên cứu viên Viện Nghiên cứu hạt nhân, năng lượng nguyên tử là năng lượng được giải phóng trong quá trình biến đổi hạt nhân bao gồm: năng lượng phân hạch, năng lượng nhiệt hạch, năng lượng do phân rã chất phóng xạ… Hiện nay, năng lượng nguyên tử được ứng dụng rộng rãi trong sản xuất và đời sống, vì vậy công tác quản lý an toàn BXHN cần phải được quan tâm đúng mức.

Trên thế giới và cả Việt Nam những năm gần đây, việc thất lạc nguồn phóng xạ không phải là hiếm. Còn nhớ năm 2015, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã phải tổ chức cuộc họp khẩn với các ban ngành sau khi nhận thông tin Nhàmáy thép Pomina 3 bị thất lạc nguồn phóng xạ. Sau thời gian điều tra, tìm kiếm đến nay, tỉnh này vẫn chưa tìm thấy nguồn phóng xạ.

Cũng trong năm 2015, UBND tỉnh Phú Yên đã có công văn đề nghị Viện Nghiên cứu hạt nhân tạo điều kiện và hỗ trợ kỹ thuật để tiếp nhận, vận chuyển và lưu giữ thiết bị máy đo độ chặt nền đường có chứa nguồn phóng xạ từ Trung tâm Tư vấn cầu đường Phú Yên để đảm bảo quản lý thiết bị an toàn đúng quy định của pháp luật.

PGS-TS Nguyễn Văn Hùng cũng cho biết, hiện nay, nhiều nguồn phóng xạ bị thất lạc, trong đó có nguồn tìm được, có nguồn không tìm ra. Những nguồn phóng xạ trôi nổi, không được kiểm soát trở thành mối nguy hại với môi trường, với người vô tình tiếp xúc. Nếu người dân đã tiếp xúc với nguồn phóng xạ (mức độ tác hại tùy thuộc vào cường độ phóng xạ, khoảng cách và thời gian tiếp xúc) có thể lập tức bị tổn thương, thậm chí tử vong hoặc nhiều năm sau mới tổn thương sức khỏe nên cần được theo dõi sức khỏe trong thời gian dài.

Trang bị kỹ năng ứng phó

Để sẵn sàng ứng phó khi có sự cố BXHN, Sở KH-CN vừa phối hợp với Viện nghiên cứu hạt nhân (Đà Lạt) tổ chức tập huấn và phổ biến kịch bản diễn tập ứng phó sự cố BXHN.

Chương trình tập huấn gồm: giới thiệu kịch bản diễn tập “ứng phó sự cố đối với tình huống phát hiện, thu gom nguồn phóng xạ nằm ngoài sự kiểm soát”; vai trò của người đánh giá tình trạng bức xạ, người chỉ huy tại hiện trường trong ứng cứu sự cố BXHN; quy trình diễn tập, phân vai cụ thể các học viên; hướng dẫn sử dụng bảo hộ chuyên dụng; hướng dẫn sử dụng trang thiết bị, dụng cụ đo và kiểm soát được những liều xạ trong ứng cứu sự cố BXHN.

PGS-TS Nguyễn Văn Hùng cho hay, mặc dù Cục An toàn bức xạ và hạt nhân đã có nhiều biện pháp tăng cường kiểm soát, giám sát đối với các nguồn phóng xạ, đặc biệt là các nguồn phóng xạ di động nhưng để an toàn, người dân, đặc biệt là những người có nguy cơ cao tiếp xúc với các nguồn phóng xạ phải nâng cao nhận thức. Bởi nguồn phóng xạ thất lạc nếu được bảo quản trong bình thì không đáng ngại nhưng nếu bị ngoại lực phá hủy hoặc bị đưa vào các cơ sở chế biến phế liệu thì khá nguy hiểm.

Theo các chuyên gia, để nhận biết nguồn phóng xạ cần quan sát các ký hiệu, hình dáng vật thể. Thông thường các nguồn phóng xạ được chứa trong các khối nặng đóng kín, có ký hiệu hoa thị (màu đen trên nền vàng) hoặc ghi chữ “phóng xạ” hoặc “Radioactive”.

Ngoài ra, nguồn phóng xạ còn được nhận biết bằng ký hiệu hoa thị bên trên, bên dưới là hình đầu lâu và hình người đang bỏ chạy. Trường hợp nếu mất hết các dấu hiệu, nhưng thấy đó là một khối rất nặng hình tròn, trụ hoặc hình thoi (thường chứa chì), thì không nên đập ra, mà cần tham khảo các cơ quan có trách nhiệm. Nếu phát hiện thấy các khối bất thường như vậy, người dân nên gọi điện cho Sở KH-CN, công an để được hỗ trợ.

Thời gian qua, Sở KH-CN đã làm tốt công tác quản lý nhà nước về kiểm soát an toàn BXHN trên địa bàn tỉnh, đồng thời hỗ trợ các đơn vị sử dụng các thiết bị BXHN. Thời gian tới, Sở KH-CN tiếp tục tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức về Luật Năng lượng nguyên tử và kiến thức liên quan giúp người dân nâng cao hiểu biết để tự bảo vệ trước nguy cơ bị nhiễm xạ; thường xuyên phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh tăng cường thanh tra, kiểm tra; xử lý nghiêm các vi phạm để đảm bảo việc người vận hành, sử dụng các thiết bị nguồn phóng xạ đúng quy định...

Ông Dương Bình Phú, Phó Giám đốc Sở KH-CN

THÁI HÀ

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/79/231838/san-sang-ung-pho-su-co-buc-xa-hat-nhan.html