Sẵn sàng ứng phó với dịch nCoV

Mặc dù chưa ghi nhận trường hợp nào mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (nCoV) trên địa bàn tỉnh, song Đồng Nai đã sẵn sàng ứng phó, chủ động triển khai các giải pháp phòng chống dịch.

Các bác sĩ của Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai diễn tập tình huống có bệnh nhi nhiễm nCoV được chuyển đến điều trị tại bệnh viện. Ảnh: H.Dung

Các bác sĩ của Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai diễn tập tình huống có bệnh nhi nhiễm nCoV được chuyển đến điều trị tại bệnh viện. Ảnh: H.Dung

Những điều kiện về cơ sở vật chất, vật tư y tế, thuốc men, nhân lực… đã được các cơ sở y tế chuẩn bị sẵn sàng.

* Nghiêm túc cách ly những người có yếu tố nguy cơ

TS-BS.Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế, UBND tỉnh, ngành Y tế đã, đang và sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong tỉnh thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống bệnh nCoV trên địa bàn. Trong đó, đặc biệt lưu ý đến việc rà soát, cách ly, khám sàng lọc phát hiện bệnh sớm cho những người Trung Quốc nhập cảnh vào Đồng Nai.

Bệnh viện dã chiến có sức chứa 500 bệnh nhân

Các lực lượng chức năng hiện đang gấp rút thực hiện các bước để sớm triển khai xây dựng bệnh viện dã chiến để đối phó với tình huống có nhiều người nhiễm nCoV trên địa bàn tỉnh.

Phó giám đốc Sở Y tế Lê Quang Trung cho hay, bệnh viện dã chiến sẽ được xây dựng trên khu đất trống 10 ngàn m2 tại cơ sở 2 của Trung tâm y tế huyện Vĩnh Cửu, đóng trên địa bàn xã Thạnh Phú. Hiện tại ở cơ sở này đang có một khu điều trị với sức chứa khoảng 200 bệnh nhân. Trong tình huống dịch bệnh xảy ra trên địa bàn tỉnh và nhiều người mắc thì khu điều trị hiện hữu sẽ là nơi điều trị cho những bệnh nhân nặng cần hỗ trợ máy móc hiện đại. Khu vực bệnh viện dã chiến sắp được xây dựng ở phía sau sẽ được dùng để điều trị cho những bệnh nhân đã ổn định sức khỏe. Bệnh viện dã chiến được xây dựng theo kiểu module lắp ghép, nếu cần tới đâu sẽ tiến hành lắp ghép tới đó, tối đa khoảng 500 giường bệnh. Mỗi module sẽ được trang bị khoảng 5-6 giường bệnh nhân, nhà vệ sinh, hệ thống thông gió tự nhiên, không dùng máy lạnh, đảm bảo đủ điện, nước, trang thiết bị y tế để chăm sóc bệnh nhân.

Đến nay, toàn tỉnh có 2 trường hợp đang được cách ly tại bệnh viện và 363 người (gồm 264 người nước ngoài và 14 người Việt Nam) đã được khám sàng lọc, đang được cách ly tại cộng đồng, trong đó, đã loại trừ 7 trường hợp không mắc bệnh. Các trường hợp còn lại đang được các cơ quan chức năng giám sát chặt chẽ.

Ngoài ra, đến thời điểm này, 11/11 trung tâm y tế đã tiến hành tập huấn cho nhân viên y tế địa phương về cách phòng chống, điều trị cho bệnh nhân nhiễm nCoV. Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh phối hợp với Sở GD-ĐT tổ chức phun khử trùng diệt khuẩn cho gần 1 ngàn trường học trong toàn tỉnh. Hơn 200 trường còn lại sẽ tiếp tục được phun khử trùng trong vài ngày tới.

Trảng Bom là huyện có khá đông người Trung Quốc đang sinh sống và làm việc. Trong đó, 4 xã Bàu Hàm, Sông Thao, Thanh Bình, Cây Gáo có nhiều người Hoa, Nùng có mối quan hệ thân thiết với người Trung Quốc. Tại các doanh nghiệp, có những người Trung Quốc đã nhập cảnh vào Đồng Nai trước khi có chỉ đạo về việc cách ly của Thủ tướng Chính phủ.

Theo Phó chủ tịch UBND huyện Trảng Bom Lê Ngọc Tiên, đây là những yếu tố nguy cơ cao có khả năng lây nhiễm bệnh nCoV. “Vừa qua, các cơ quan chức năng của huyện đã đến các doanh nghiệp có người Trung Quốc đang làm việc để hướng dẫn, tư vấn, cách ly họ. Quan điểm của huyện là ưu tiên phòng chống dịch bệnh, kiên quyết yêu cầu những người này tự cách ly, đồng thời có nhân viên y tế theo dõi tình hình sức khỏe để kịp thời xử trí nếu có tình huống xấu xảy ra”, - ông Nguyễn Ngọc Tiên nhấn mạnh.

Trong khi đó, Phó chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Phan Chí Cường cho hay, toàn thành phố đang tập trung mọi nguồn lực để cùng với cả hệ thống chính trị khống chế dịch bệnh. Ngoài công tác giám sát, cách ly, theo dõi những người có yếu tố nguy cơ nhiễm bệnh, thành phố đặc biệt coi trọng công tác tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh, để người dân không chủ quan nhưng cũng không quá bi quan, hoang mang.

* Các bệnh viện sẵn sàng “trực chiến”

Ngay từ chiều 30 Tết (tức ngày 24-1), Bệnh viện đa khoa Đồng Nai đã chuẩn bị các phương án đối phó với tình huống có người nhiễm bệnh và nhập viện điều trị. Toàn bộ Khoa Truyền nhiễm của bệnh viện được sử dụng làm khu cách ly. Bên trong khu cách ly được chia làm nhiều lớp cửa. Phòng đầu tiên là phòng đệm, dùng để đựng quần áo bảo hộ, khẩu trang y tế, găng tay. Nhân viên y tế trước khi vào tiếp xúc với bệnh nhân sẽ vào phòng này để mặc đồ bảo hộ. Tiếp đó là khu theo dõi gồm 6 phòng với 18 giường bệnh để theo dõi những người nghi mắc nCoV. Khu sau cùng là khu đặc biệt có 4 phòng với 12 giường để điều trị cho những bệnh nhân đã xác định dương tính với nCoV.

Trước mỗi phòng bệnh đều trang bị dung dịch sát khuẩn, rửa tay. Mỗi khu cách ly có 1 điện thoại gắn trên tường để nhân viên y tế bên trong khu cách ly liên lạc với bên ngoài. Nguyên tắc phòng chống dịch là đi một chiều nên sau khi tiếp xúc với bệnh nhân, nhân viên y tế sẽ đi ra bằng một cửa khác. Để ưu tiên cho công tác điều trị bệnh nhân nhiễm nCoV, khoa cũng sẵn sàng trưng dụng khu tầng trệt 15 giường bệnh để tiếp tục theo dõi, điều trị phục hồi cho những ca nhiễm nCoV đã được điều trị ổn.

Về trang thiết bị, máy móc, bệnh viện đã chuẩn bị 10 máy thở, 10 máy monitor, 10 máy bơm điện, 20 máy đếm giọt, oxy trung tâm, sẵn sàng ứng phó khi có dịch bệnh xảy ra. Toàn thể bác sĩ, nhân viên của Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện đa khoa Đồng Nai đều đang trong tư thế sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ 24/24 giờ.

Các bác sĩ của Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai diễn tập tình huống có bệnh nhi nhiễm nCoV được chuyển đến điều trị tại bệnh viện (Ảnh: HẠNH DUNG)

Các bác sĩ của Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai diễn tập tình huống có bệnh nhi nhiễm nCoV được chuyển đến điều trị tại bệnh viện (Ảnh: HẠNH DUNG)

Là bệnh viện tuyến tỉnh được giao nhiệm vụ tiếp nhận và điều trị cho bệnh nhi nghi ngờ/nhiễm nCoV, mới đây, các y, bác sĩ của Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai đã được tập huấn về công tác phòng chống dịch bệnh, điều trị cho bệnh nhân nghi ngờ/nhiễm nCoV. Bệnh viện cũng đã diễn tập các tình huống nếu có bệnh nhi nghi ngờ/đã nhiễm nCoV nhập viện điều trị.

Giám đốc Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai Nguyễn Lê Đa Hà cho hay, với tinh thần chủ động, bệnh viện đã chuẩn bị sẵn sàng, đầy đủ thuốc men, trang thiết bị máy móc. Nếu dịch bệnh xảy ra ở giai đoạn đầu, bệnh viện đủ năng lực để tiếp nhận, cách ly bệnh nhi ở 3 khoa: Cấp cứu, Bệnh nhiệt đới và Hồi sức tích cực - chống độc. Trường hợp dịch bệnh xảy ra nhiều, có hơn 20 bệnh nhi nhiễm bệnh, bệnh viện sẽ lấy toàn bộ tòa nhà D để làm khu cách ly, điều trị với khả năng lên tới 90 bệnh.

“Toàn bệnh viện hiện có 152 bác sĩ, trong đó có thể huy động 40 bác sĩ có chuyên môn phù hợp, 80 điều dưỡng sẵn sàng xoay ca để phục vụ điều trị, chăm sóc người bệnh nếu có nhiều bệnh nhi mắc bệnh. Theo dự báo, tình hình dịch bệnh nCoV sẽ đạt đỉnh trong vài ngày tới. Do đó, lãnh đạo bệnh viện động viên tinh thần để các y, bác sĩ của bệnh viện luôn giữ vững tâm lý, sẵn sàng phục vụ người bệnh” - bác sĩ Đa Hà chia sẻ.

Tại Bệnh viện phổi Đồng Nai, Bệnh viện đa khoa Thống Nhất cũng đã sẵn sàng khu cách ly để tiếp nhận, khám sàng lọc, điều trị cho bệnh nhân nếu nghi ngờ/nhiễm nCoV theo đúng tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh.

* Những trường hợp cần làm xét nghiệm nCoV

Bác sĩ Đồng Minh Hùng, Trưởng khoa Truyền nhiễm Bệnh viện đa khoa Đồng Nai cho biết, từ mùng 1 Tết Nguyên đán đến nay, mỗi ngày khu cách ly tiếp nhận 2-3 trường hợp, có ngày 5 trường hợp đến để được cách ly, theo dõi. Tuy nhiên, chưa có ca nào có biểu hiện nhiễm bệnh rõ ràng. Vì thế, các bác sĩ đã làm các xét nghiệm, chụp X-quang phổi và cách ly, theo dõi các bệnh nhân trong vòng 72 giờ, thấy kết quả xét nghiệm, sinh hiệu bình thường sẽ cho bệnh nhân xuất viện, về nhà tự theo dõi thêm. Ngay cả 2 trường hợp bệnh nhân từ Trung Quốc trở về cũng đã có kết quả âm tính.

Bác sĩ Hùng khuyến cáo người dân không nên quá hoang mang. Bệnh cảnh lâm sàng do nCoV gây ra có nhiều triệu chứng giống với cảm cúm thông thường, người dân cần bình tĩnh và suy xét đến yếu tố dịch tễ của bệnh. Tức là, nếu người nào đó có các biểu hiện sốt, ho, có thể khó thở mà sống/đi đến/quá cảnh từ Trung Quốc về trong vòng 14 ngày trước khi khởi phát bệnh; hoặc có tiếp xúc gần trong vòng 2m với những trường hợp mắc/nghi ngờ mắc nCov; nhân viên y tế trực tiếp chăm sóc, điều trị cho những bệnh nhân nhiễm nCoV thì hãy nghi ngờ nhiễm bệnh và đến bệnh viện để làm xét nghiệm.

Trường hợp có tiếp xúc với người Trung Quốc nhưng người này đã từ Trung Quốc về Việt Nam cả tháng, không có biểu hiện bệnh thì người dân cũng không nên quá hoang mang vì chỉ ủ bệnh và bùng phát trong vòng 14 ngày.

Trường hợp người dân có tiếp xúc với người đi từ vùng dịch tễ về thì cần tự cách ly, theo dõi diễn biến sức khỏe. Trong vòng 14 ngày nếu có biểu hiện bệnh như sốt, ho thì cần đến ngay cơ sở y tế để khám, cách ly, điều trị. Trường hợp quá 14 ngày kể từ lần tiếp xúc cuối cùng nếu không có vấn đề gì thì người dân có thể yên tâm là không mắc bệnh.

Rửa tay thường xuyên để phòng bệnh

Chủng mới của virus corona tồn tại ở đường hô hấp trên. Nên khi người bệnh ho, hắt hơi, khạc nhổ sẽ gây ra nguồn virus. Nếu ngồi đối diện với người mắc bệnh, người mắc bệnh ho, hắt hơi mà không có phương tiện che chắn thì chắc chắn sẽ lây bệnh cho người đối diện. Virus cũng có thể lây lan gián tiếp thông qua mặt bàn, màn hình máy vi tính, điện thoại, nắm cửa. Do đó, người dân cần thực hiện nghiêm việc rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn thông thường để có thể hạn chế được nhiều dịch bệnh.

Đồng thời, hạn chế tối đa không đi tới những vùng có dịch. Nếu bắt buộc phải đến thì phải biết tự theo dõi, cách ly trong vòng 14 ngày. Hạn chế đến những nơi đông người, nếu đi phải dùng khẩu trang. Ngoài ra, người dân cần tập luyện thể dục thể thao, ăn uống hợp lý để tăng sức đề kháng cho cơ thể, chống virus xâm nhập vào cơ thể.

Hạnh Dung

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/xahoi/202002/san-sang-ung-pho-voi-dich-ncov-2987324/