Sẵn sàng ứng phó với nguy cơ tràn dầu từ tàu X-Press Pearl
Đại diện từ Hiệp hội quốc tế về ô nhiễm của các chủ tàu chở dầu (ITOFF) và Cơ quan ứng phó tràn dầu (OSR) đã có mặt trên bờ biển của Sri Lanka giám sát tàu chở hàng MV X-Press Pearl - con tàu mang cờ Singapore đang có nguy cơ gây thảm họa tràn dầu sau vụ cháy kéo dài 13 ngày và khiến tàu chìm 1 phần ngoài khơi thủ đô Colombo.
X-Press Feeders - công ty chủ quản của tàu X-Press Pearl, cho biết công ty vẫn đang phối hợp với Cơ quan bảo vệ môi trường biển (MEPA) và hải quân Sri Lanka triển khai các kế hoạch đã được thiết lập để đối phó với nguy cơ tràn dầu và trong trường hợp xảy ra thảm họa môi trường khác.
Hiện tàu X-Press Pearl đang chìm dần với phần đuôi tàu đã chạm đáy biển và nếu dầu tràn ra Ấn Độ Dương, thảm họa môi trường sẽ còn lớn hơn nữa. Các nhà bảo vệ môi trường lo ngại một khi xảy ra tràn dầu tại đây, sự sống sinh vật biển tại khu vực này sẽ bị hủy hoại, dẫn tới số loài sinh vật biển tại đây giảm sút mạnh.
Theo người phát ngôn hải quân Sri Lanka, trong ngày 4/6, các thợ lặn thuộc lực lượng này đã tìm cách tiếp cận và đánh giá hư hại ở phần thân tàu, song không thể thực hiện do biển động và tầm nhìn kém. Trong khi đó, MEPA triển khai các biện pháp như rải chất phân tán và tách dầu ở khu vực nguy cơ cao. Một tàu của lực lượng bảo vệ bờ biển Ấn Độ cũng đã được trang bị các thiết bị cần thiết để hỗ trợ cơ quan chức năng sẵn sàng ứng phó khi dầu tràn.
Người đứng đầu cảng biển của Sri Lanka, ông Nirmal Silva ngày 3/6 khẳng định chưa thấy bất cứ dấu hiệu rò rỉ dầu, song các biện pháp ứng phó cần phải được chuẩn bị cho tình huống xấu nhất là hơn 320 tấn dầu có thể tràn ra biển.
Tàu MV X-Press Pearl đang chở theo 1.486 container, trong đó có 25 tấn axit nitric cùng một số hóa, mỹ phẩm đã bốc cháy ngày 20/5 khi đang trên đường từ cảng Hazira của Ấn Độ đến Colombo. Nhờ sự phối hợp của lực lượng bảo vệ bờ biển Ấn Độ, hải quân Sri Lanka và công ty cứu hộ SMIT của Hà Lan, ngọn lửa trên tàu đã được khống chế sau 13 ngày sau đó. Nhiều container chứa hóa chất bị cháy đã rơi xuống biển, hàng tấn hạt nhựa đã dạt vào bờ biển và các ngư trường của Sri Lanka, khiến giới chức nước này cấm đánh bắt cá. Đây được coi là một trong những thảm họa hàng hải tồi tệ nhất ở quốc gia Nam Á này.