Sẵn sàng vụ xuân

Chưa đầy 1 tháng nữa là khung thời vụ sản xuất vụ xuân bắt đầu, thời điểm này các ngành nông nghiệp, doanh nghiệp, các địa phương đã chuẩn bị đầy đủ sẵn sàng bước vào vụ sản xuất.

Người dân xã Yên Nguyên (Chiêm Hóa) làm đất chuẩn bị các điều kiện sản xuất vụ xuân.

Người dân xã Yên Nguyên (Chiêm Hóa) làm đất chuẩn bị các điều kiện sản xuất vụ xuân.

Đủ lượng giống, vật tư phục vụ sản xuất

Cửa hàng vật tư nông nghiệp xã Xuân Vân (Yên Sơn) thuộc hệ thống phân phối của Công ty cổ phần Giống vật tư nông nghiệp Tuyên Quang đã có đủ các loại giống cây trồng bao gồm: ngô, lúa, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cung ứng sản xuất vụ xuân ở các địa phương. Anh Đào Văn Chiến chủ cửa hàng cho biết: Phục vụ sản xuất của người dân trong xã và vùng lân cận, ngoài lượng giống phân phối độc quyền của công ty, cửa hàng đã nhập thêm 7 giống lúa nằm trong cơ cấu giống của tỉnh gồm: Thái Xuyên, Hương ưu 98, Nhị Ưu, HMC2, Thái Bình... để đáp ứng nhu cầu sản xuất của người dân. So với năm 2023, 2024 năm nay giá giống và các loại phân bón và thuốc bảo vệ thực vật giá không thay đổi.

Tại cửa hàng giống vật tư, phân bón tại xã Yên Nguyên (Chiêm Hóa) các loại giống lúa, ngô và một số giống cây trồng khác cũng đã tập kết đủ để phục vụ nhu cầu sản xuất của người dân trong vùng. Theo chủ cửa hàng, người nông dân trong vùng thường gieo trồng sớm hơn nên cửa hàng đã nhập hàng và cung ứng giống từ thời điểm cuối năm 2024. Hiện tại ½ lượng giống đã được tiêu thụ, số lượng giống còn lại chỉ là giống ngắn ngày đại lý nhập về để dự trù phòng trường hợp thời tiết rét đậm, rét hại gây thiệt hại cho mạ non, phải gieo bổ sung.

Báo cáo của Công ty cổ phần giống, vật tư nông nghiệp Tuyên Quang, công ty đã chuẩn bị hơn 1.000 tấn phân bón đã được nhập về kho sẵn sàng cung ứng đến các quầy hàng, đại lý của công ty trên khắp các địa phương để phục vụ nhu cầu sản xuất của bà con.

Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra thị trường giống, vật tư trên địa bàn thị trấn Yên Sơn (Yên Sơn).

Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra thị trường giống, vật tư trên địa bàn thị trấn Yên Sơn (Yên Sơn).

Đáp ứng đủ giống cho gần 18.000 ha gieo cấy vụ chiêm xuân năm nay, toàn tỉnh cần tới gần 1 nghìn tấn giống lúa lai, lúa thuần các loại. Ghi nhận tại thời điểm này, thị trường giống, vật tư phân bón tương đối ổn định, không xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hoặc sốt giá. Một số đơn vị sản xuất giống trong nước đã chủ động sản xuất nhiều loại giống lúa thuần, lúa lai chất lượng cao, nên không chỉ giảm được sự phụ thuộc nguồn giống nhập khẩu từ Trung Quốc, Ấn Độ, mà còn góp phần đáng kể vào việc bình ổn thị trường và giảm chi phí đầu vào cho bà con nông dân.

Đảm bảo đủ nước phục vụ sản xuất

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia hiện tượng ENSO (trạng thái tổng quan của cả El Nino, La Nino) đang ở trạng thái trung tính tiếp tục duy trì trong 6 tháng đầu năm 2025, đồng nghĩa với việc nhiều khả năng khô hạn sẽ xảy ra trong suốt quá trình sản xuất vụ xuân. Qua kiểm tra của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hầu hết các hồ chứa trên địa bàn toàn tỉnh vẫn chưa tích đủ nước để phục vụ sản xuất. Lượng nước tích trữ trung bình hiện tại trong các hồ chứa chỉ đạt khoảng 60 - 70% tổng dung tích trữ, trong khi những vụ xuân trước đạt khoảng 70 - 80%. Chưa kể năm nay hồ thủy điện Tuyên Quang chỉ xả có 2 đợt nước, thời gian xả cũng rút ngắn so với những năm trước.

Trước những khó khăn về nguồn nước phục vụ sản xuất, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản đề nghị các huyện, thành phố phối hợp chỉ đạo trong việc tổ chức các giải pháp đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, phòng, chống hạn hán. Theo đó, các địa phương, tăng cường hơn nữa công tác quản lý nguồn nước; kiểm tra và tổ chức giữ nước, sử dụng nước tiết kiệm, trữ nước ở tất cả các công trình thủy lợi, đặc biệt trong các hồ, ao… để có nguồn nước tưới chủ động chống hạn. Đồng thời sửa chữa rò rỉ các đập đầu mối; xử lý rò rỉ ở các van cống lấy nước, cống điều tiết; sửa chữa hư hỏng, chuẩn bị đầy đủ vật tư, nhiên liệu để phòng, chống khi có hạn xảy ra; nạo vét bể hút, bể xả và vận hành theo đúng quy trình kỹ thuật để đảm bảo các trạm bơm làm việc an toàn, đúng năng lực thiết kế. Đối với các trạm bơm ven sông Lô, sông Gâm các Ban quản lý khai thác công trình thủy lợi cơ sở cần thường xuyên theo dõi và bám sát lịch xả nước trên các phương tiện thông tin đại chúng để tập trung lấy đủ nước phục vụ sản xuất nông nghiệp. Theo kế hoạch lịch xả nước phục vụ sản xuất sẽ bắt đầu từ 0h ngày 12-1.

Thời điểm này, cán bộ của Ban quản lý khai thác các công trình thủy lợi ở các địa phương nằm dọc theo 2 bên bờ sông Lô đang tập trung nhân lực, máy móc để tu sửa, bảo dưỡng trạm bơm, đường ống dẫn nước, hệ thống kênh mương để sẵn sàng cho việc bơm nước phục vụ sản xuất khi hồ thủy điện xả nước.

Mực nước các hồ chứa thấp hơn so với trung bình năm sẽ tác động đến hoạt động sản xuất vụ xuân.

Mực nước các hồ chứa thấp hơn so với trung bình năm sẽ tác động đến hoạt động sản xuất vụ xuân.

Ông Nguyễn Ngân, Trưởng Ban quản lý công trình thủy lợi xã Vĩnh Lợi (Sơn Dương) cho biết: Trận lũ lịch sử hoàn lưu của cơn bão số 3 đã làm hư hại toàn bộ hệ thống đường ống, vùi lấp bể chứa nước của xã. Đảm bảo việc bơm, tích, điều tiết nước phục vụ sản xuất vụ xuân, những ngày qua, cán bộ ban đã ngày đêm sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống máy bơm, thông toàn bộ đường ống nước đồng thời thuê máy múc để nạo vét khối lượng đất vùi lấp bể. Nửa tháng trời làm việc liên tục, hệ thống thủy lợi của xã đã được khắc phục, sẵn sàng cho việc bơm nước tích trữ ngay khi hồ thủy điện xả nước đợt 1 - ông Ngân khẳng định.

Trên địa bàn xã Hoàng Khai (Yên Sơn), Đội quản lý, khai thác công trình thủy lợi cũng đã tiến hành sửa chữa, bảo dưỡng xong các trạm bơm đồng thời huy động tối đa lực lượng của các đội sản xuất để khơi thông mương máng tạo thuận lợi để dẫn nước về đồng nhanh nhất, sớm nhất. Ông Lưu Văn Tài, Đội trưởng Đội quản lý, khai thác công trình thủy lợi Hoàng Khai cho biết: Năm nay có cái khó là mực nước tích trong hồ thấp hơn so với mọi năm, chỉ đạt 80% dung tích thiết kế. Do đó, đội đã tính toán lên lịch bơm, điều tiết nước hợp lý nhất để bà con nông dân làm đất, gieo cấy lúa xuân theo đúng khung lịch.

Theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp, vụ xuân 2025 rét đậm, rét hại có thể xuất hiện muộn và yếu hơn trung bình năm, số ngày rét đậm, rét hại có xu hướng thấp hơn so với trung bình năm. Do đó, người nông dân cần lưu ý việc bố trí thời vụ, cơ cấu giống để đảm bảo lúa trỗ vào thời gian an toàn, tránh ảnh hưởng của đợt rét cuối (rét nàng Bân). Hạn chế gieo cấy trà xuân chính vụ, chủ yếu gieo cấy vào trà xuân muộn, tập trung cấy sau tiết lập xuân (3-2). Trong thời điểm làm mạ, 100% diện tích mạ phải được phủ nilon đúng kỹ thuật, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thời tiết gây ra.

Mọi công việc cho sản xuất vụ xuân đã được chuẩn bị, đảm bảo cho một mùa vụ thắng lợi bà con nông dân cần tuân thủ theo đúng khuyến cáo của ngành: Sử dụng giống trong cơ cấu giống của tỉnh, tuyệt đối không mua các loại giống không rõ nguồn gốc xuất xứ, mua giống trên mạng, bài học về mua giống trên mạng trong vụ xuân 2024 dẫn đến mất trắng vẫn còn nguyên giá trị.

Bài, ảnh: Đoàn Thư

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/san-sang-vu-xuan-204815.html