Săn tìm 'thần dược' giữa đại ngàn
Chỉ từ những thông tin rỉ tai lan nhanh với 'tốc độ ánh sáng' về một loại dược liệu 'ông uống, bà vui' mới được phát hiện ở khu vực rừng thuộc xã Sơn Lang (huyện Kbang), vùng đất này bỗng dưng nổi tiếng. Nhiều đơn hàng từ Hà Nội, Đà Nẵng liên tục gửi về yêu cầu được cung cấp nấm tích dương để ngâm rượu. Những lời đồn thổi đã vô tình đẩy giá của loại nấm này lên đến hàng triệu đồng/kg.
Vào rừng tìm… vận may
Vào Sơn Lang lần này với dự định viết bài về nỗ lực đẩy nhanh tiến độ xây dựng xã nông thôn mới, nhưng chúng tôi lại bị thu hút bởi những lời đồn thổi ly kỳ, hấp dẫn về một loại thảo dược có công dụng đặc biệt dành cho cánh đàn ông. Chính vì vậy, chúng tôi quyết định theo chân người dân trong làng vào rừng thử tìm vận may.
Nhờ anh cán bộ xã “móc nối”, chúng tôi đến làng Điện Biên (xã Sơn Lang), cách trung tâm xã khoảng hơn 20 km khi màn sương sớm còn che phủ trên những vạt rừng ẩm thấp. Vừa đến đầu làng, chúng tôi đã thấy anh Đinh Văn Thông và Đinh Văn Lương đứng cạnh xe máy chờ sẵn, đúng theo giờ hẹn. Nhìn lướt qua thì thấy hành trang mang theo của các anh là 1 cây rựa nhỏ, 1 ba lô và 1 chiếc xuổng xúc đất loại nhỏ. “Không phải chuyến đi nào cũng tìm gặp được củ dái voi (từ mà người địa phương hay gọi nấm tích dương), còn phải tùy thuộc vào vận may hôm nay thế nào nữa”-anh Thông làm công tác tư tưởng với chúng tôi.
Theo kế hoạch, cả nhóm sẽ đi về hướng Bắc đến khu vực rừng tiếp giáp với Khu Bảo tồn Thiên nhiên Kon Chư Răng để tìm loại nấm lạ. Sau gần 20 km men theo con đường nhỏ ngoằn ngoèo, chúng tôi để lại xe máy gần bìa rừng để bắt đầu hành trình kiếm tìm dấu vết của loại “thần dược” cường dương như lời đồn thổi. Vừa đi, anh Thông vừa nhắc nhở mọi người chú ý quan sát để tránh giẫm đạp lên chúng nếu may mắn tìm thấy. Loại nấm này có một phần hình trụ nhô lên khỏi mặt đất, dài từ 20 đến 30 cm; phần còn lại có hình củ tròn to khoảng bàn tay xòe nằm dưới lớp đất. Trước đây, dân làng hay lấy loại nấm này về nấu nước uống vì họ nhầm tưởng đây là nấm ngọc cẩu.
Anh Thông cho biết, cách đây hơn 5 tháng, có người đưa anh xem ảnh rồi nhờ tìm loại nấm này. Thế là những lần vào rừng bẻ măng hay lên rẫy, tranh thủ lúc nghỉ ngơi anh thường lang thang lùng sục. Định bỏ cuộc vì ròng rã 10 ngày trôi qua nhưng loại nấm quý vẫn “bặt vô âm tín” thì vận may lại tìm đến. Đó là lúc đi qua chỗ gốc cây mục, anh vô tình giẫm trúng một vật khiến anh suýt ngã. Khi quay lại, anh bất ngờ nhận ra đó chính là loại nấm mà mình đang ra sức tìm kiếm. Đây cũng là lần anh tìm thấy nhiều nấm tích dương nhất với hơn 6 kg. Đáng tiếc nhất là tuy củ nấm to nhưng giá bán không cao bởi người mua không dặn kỹ phải giữ lại “dây rốn” (đoạn nối từ củ nấm này sang củ nấm kia) thì mới có giá trị.
Tiếp lời, anh Lương chia sẻ: Trước đây, nấm tích dương mọc nhiều ở khu vực rừng các xã: Sơn Lang, Đak Rong và xã Hiếu (huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum), xã An Toàn (huyện An Lão, tỉnh Bình Định) nên rất dễ tìm. Qua lời đồn thổi về khả năng tăng cường sinh lý cho nam giới, giá nấm vốn chỉ vài chục ngàn đồng/kg thì nay đã lên đến tiền triệu. “Bây giờ, nhiều người trong làng cũng đi tìm nấm nên số lượng ngày càng ít dần. Chắc hết rồi, đi cả buổi mà vẫn chưa tìm thấy”-anh Lương than thở. Theo anh Lương, nấm tích dương thường mọc từ tháng 1 đến tháng 4. Quá trình nấm trưởng thành, đủ tuổi khai thác khoảng 9 tháng. Sau thời gian này, nếu không khai thác kịp thời thì hoa nấm bắt đầu lụi đi, củ nấm cũng thối rữa. Đến mùa sau, phần rễ sâu phía dưới lại đùn đất trồi lên, bắt đầu sinh sôi. Nhiều người đào củ, gùi đất tại nơi cây nấm mọc đem về trồng thử nghiệm nhưng đều không thành công.
Sau nhiều giờ quần thảo, lội bộ băng rừng quan sát khắp nơi, đôi chân ai nấy đều rã rời. Nhưng có lẽ đó là một ngày kém may mắn nên nấm tích dương vẫn lẩn khuất đâu đó giữa đại ngàn. Khi mặt trời chếch dần về phía bên kia núi, chúng tôi quyết định dừng cuộc tìm kiếm để “hạ sơn” trước khi trời tối.
Cần ngăn chặn nạn “chảy máu” thảo dược
Kbang là tỉnh hiện có diện tích rừng tự nhiên lớn nhất của tỉnh và được xem là vùng đất của thảo dược. Bên dưới những tán rừng nguyên sinh ẩm thấp là nơi sinh sôi của nhiều loại dược liệu quý như: nấm linh chi, nấm cổ cò, lan kim tuyến, hồng đẳng sâm, đương quy, sa nhân tím, nấm ngọc cẩu…, giờ lại có thêm nấm tích dương. Đây là loại nấm trước kia vốn chỉ được tìm thấy ở các tỉnh vùng núi phía Bắc nơi tiếp giáp với Trung Quốc, có độ cao trên 1.000 m so với mực nước biển.
Ông Nguyễn Trọng Biên-cán bộ xã Sơn Lang, cũng là người duy nhất thu mua nấm tích dương trên địa bàn-cho biết: Lần nọ, tình cờ một người quen ở Hà Nội gửi ảnh nấm tích dương qua điện thoại rồi nhờ ông thử tìm. Nhìn hình, ông Biên đã ngờ ngợ nhưng không thể nhớ nổi là đã thấy nó ở đâu. Ông xuống làng nhờ những người hay đi rừng tìm thử, nếu có sẽ thu mua với giá cao. Phải đến 10 ngày sau, anh Thông mới mang đến đúng loại nấm ông cần tìm. Càng mừng hơn khi cặp nấm đầu tiên khoảng 3 kg ông gửi ra Hà Nội được trả hơn 3 triệu đồng. Cặp nấm tiếp theo, khách hàng “chi đẹp” hơn 5 triệu đồng qua tài khoản và còn nhắn tin cảm ơn. Theo ông Biên, khách hàng trả giá cao bởi cặp nấm này còn nguyên “dây rốn”. Đoạn dây nối này được cho là dùng để trao đổi chất cho nhau giữa 2 củ nấm theo kiểu âm dương hòa hợp; đặc biệt, có dây nối này mới khẳng định được đây là 1 cặp, gồm củ đực và củ cái. Khi ngâm rượu phải đủ cặp mới có giá trị, mới đủ vị. Hiện ông Biên thu mua nấm tích dương của người dân trong vùng với giá 280 ngàn đồng/kg và bán đi khắp nơi theo đơn đặt hàng. Đến thời điểm này, ông đã xuất bán gần 150 kg nấm, chủ yếu ở thị trường phía Bắc và TP. Đà Nẵng với giá bán 800.000 đồng/kg đối với loại nấm xấu, nhỏ; 2-3 triệu đồng/kg đối với củ nấm lớn, đẹp. Nếu còn nguyên “dây rốn” thì giá cao hơn nhưng loại này rất hiếm.
Dù đang thu được lợi nhuận khá từ việc mua bán dược liệu nhưng bản thân ông Biên vẫn có nhiều trăn trở. Ông kể: Một dịp ông về quê, mẹ ông khoe có hộp sâm của người cháu mua ở Bắc Kinh (Trung Quốc) về tặng. Bà lấy ra một củ đưa cho ông rồi nói: “Khi nào con mệt mỏi thì nhai cho khỏe”. Trớ trêu thay, ông xem kỹ thì nhận ra đó là sâm xuyên đá mà ở Kbang có đến hàng tấn, giá chỉ hơn 100 ngàn đồng/kg. Nhưng khi người Trung Quốc mua về chế biến, đóng hộp rất đẹp rồi bán lại thì giá được “đẩy” lên đến gần 5 triệu đồng/hộp/3 củ. “Tính ra, mỗi củ như vậy tương đương khoảng 1,4 triệu đồng, như vậy là mình bán cho họ với giá rẻ nhưng sau đó mua lại sản phẩm của chính mình với giá rất cao”-ông Biên phân tích.
Đây không chỉ là trăn trở của ông Biên mà còn là của các ngành, địa phương. Mới đây, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XV) đã thông qua Nghị quyết số 09-NQ/TU về bảo tồn và phát triển cây dược liệu trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, yêu cầu các ngành liên quan điều tra, thống kê về các loại dược liệu trong tự nhiên, xây dựng danh mục các loại dược liệu cấm khai thác, các loại dược liệu quý hiếm, có giá trị và có nguy cơ tuyệt chủng cao. Đặc biệt, đến năm 2025, hoàn thành công tác điều tra, thống kê, tổ chức bảo tồn và khai thác bền vững dược liệu trong tự nhiên; phát triển khoảng 2.500 ha vùng nuôi trồng dược liệu. Đến năm 2030, nâng tổng diện tích vùng nuôi trồng dược liệu từ 5.000 ha trở lên; hình thành mới ít nhất 2 cơ sở chế biến dược liệu và các sản phẩm từ dược liệu trên địa bàn tỉnh để thu mua, tiêu thụ các sản phẩm dược liệu được sản xuất. Mục tiêu của nghị quyết này là nhằm quản lý, khai thác và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên dược liệu trong tự nhiên và gây trồng; khoanh vùng bảo vệ các loại cây thuốc quý hiếm nằm trong danh mục cần bảo vệ để bảo tồn gen và phục vụ công tác nghiên cứu khoa học.
Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/1622/201907/san-tim-than-duoc-giua-dai-ngan-5642139/