Sân trường an toàn giao thông: Mô hình nhỏ, ý nghĩa lớn
Được triển khai từ đầu năm học 2022-2023 một cách bài bản, Mô hình Sân trường an toàn giao thông của Trường Tiểu học Quang Trung (huyện Đạ Tẻh) bước đầu phát huy tác dụng, mang lại hiệu quả thiết thực, tình trạng ùn tắc giao thông trước cổng trường mỗi giờ tan học hay tai nạn giao thông, va chạm giữa người đi đường đã giảm.
Qua lời giới thiệu của cô Phan Thị Thủy - Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đạ Tẻh, chúng tôi có mặt tại Trường Tiểu học Quang Trung vào giờ tan học và đặc biệt ấn tượng với quang cảnh đang diễn ra.
Tại một phần sân trường rộng tầm 1.400 m2, phụ huynh được các em học sinh trong Đội Sao đỏ hướng dẫn xếp xe đúng theo thứ tự. Theo vạch vôi đã được kẻ trước đó, hàng loạt xe máy của phụ huynh đỗ ngay ngắn và tuyệt nhiên không có tình trạng chen ngang giữa người đến trước và người đến sau.
Thầy Nguyễn Thanh Lịch - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Quang Trung cho biết: Trước đây, vào giờ tan trường thường xảy ra tình trạng xe máy đỗ ngổn ngang, tràn hết vỉa hè, lòng đường, thậm chí tràn luôn vào sân trường khiến việc đi lại của học sinh rất khó khăn. Nhiều trường đã có giải pháp cấm đỗ xe trong sân trường, cử bảo vệ ra hướng dẫn... nhưng hiệu quả chưa cao. Bởi tâm lý phụ huynh nào cũng muốn đón con sớm, do đó đã gây nên tình trạng ùn ứ giao thông, ảnh hưởng đến việc đi lại và sự an toàn của người tham gia giao thông khác. Trước tình trạng đó, Trường Tiểu học Quang Trung đã chủ động áp dụng linh hoạt Mô hình Sân trường an toàn giao thông phù hợp với thực tiễn. Cụ thể, trường đã thực hiện các biện pháp như hướng dẫn phụ huynh xếp xe, thành lập Đội Sao đỏ tuyên truyền cho phụ huynh và học sinh. Để đạt được hiệu quả cao, ngoài tuyên truyền đến học sinh trong các giờ chào cờ, quán triệt tới phụ huynh khi đưa đón con em..., nhà trường dành một phần diện tích sân trường, sau đó kẻ vạch vôi theo các ô và chỉ dẫn phương tiện di chuyển trong sân trường đúng nơi quy định.
“Khoảng 3 tuần thực hiện mô hình nói trên, giáo viên, học sinh và cả Ban Giám hiệu nhà trường trực tiếp đứng ra chỉ dẫn phụ huynh tuân thủ. Dần dần sau này, khi đã tạo thành thói quen, 100% phụ huynh tới trường đón con em đều có ý thức chấp hành. Với cách làm này, dù lượng phụ huynh cùng phương tiện đến đón học sinh có khoảng 600 lượt xe đưa đón cũng không xảy ra tình trạng chen lấn và không gây mất an toàn giao thông tại trường học”, thầy Lịch cho hay.
Quan sát tại khu vực này , chúng tôi nhận thấy, dù đến đón trước hay đón sau, không ai bảo ai, các bậc phụ huynh đều xếp hàng xe ngay ngắn, đúng vạch vôi, đảm bảo lòng đường cho phương tiện khác đi lại và nhường lối cho học sinh xếp hàng lần lượt đi ra.
Chị Nguyễn Thị Tám - phụ huynh học sinh lớp 4B chia sẻ: “Nhiều năm đón con, chứng kiến cảnh lộn xộn trước cổng trường sau khi tan học khiến tôi rất khó chịu và rất lo. Các phụ huynh chen lấn sẽ ùn tắc giao thông, con lạc không tìm thấy mẹ sẽ rất nguy hiểm. Từ khi thấy mọi người cùng ý thức xếp hàng ngay ngắn như vậy, tôi thấy rất vui và mong cách làm này sẽ tiếp tục được duy trì”.
Đánh giá mô hình nói trên, bà Phan Thị Thủy - Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đạ Tẻh cho biết: “Mặc dù các trường trên địa bàn huyện đã xây dựng Mô hình Cổng trường an toàn giao thông, tuy nhiên, để nói hiệu quả và cách làm sáng tạo thì Trường Tiểu học Quang Trung đã và đang làm tốt điều đó. Việc xây dựng mô hình nói trên một cách bài bản đã dần tạo nên một hình ảnh trường học an toàn và thân thiện. Từ những kết quả ban đầu cho thấy, Mô hình Sân trường an toàn giao thông ở Trường Tiểu học Quang Trung không chỉ góp phần nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ, đảm bảo an toàn cho học sinh mà còn đạt được mục tiêu chính là lấy học sinh làm đối tượng tuyên truyền kiến thức an toàn giao thông. Hiện, mô hình này đang được các trường học tập và trong thời gian tới, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện sẽ nhân rộng để các trường trên địa bàn học tập, thực hiện”.