Săn 'vàng trắng', 'lộc của biển', thu tiền triệu mỗi ngày
Mỗi buổi tối, các tàu bè thường đánh bắt được từ 3.000 - 4.000 con sứa.
Vào tháng Giêng âm lịch hàng năm là thời điểm những ngư dân ven biển Hải Hậu, Nam Định bước vào chính vụ khai thác sứa. Sứa được ngư dân nơi đây ví von là "lộc của biển".
Mùa sứa là những đêm không ngủ của cư dân ven biển Thịnh Long. Thời gian bắt đầu thu hoạch sứa của những ngư dân nơi đây bắt đầu từ 1h sáng.
Sứa là loài nhuyễn thể thân mềm, sống ở môi trường nước biển. Những con sứa biển được đánh bắt xa bờ từ 6 - 12 hải lý. Thời vụ thu hoạch sứa kéo dài 3 tháng, từ tháng Giêng cho đến hết tháng 3 âm lịch. Tùy theo thời tiết mà sứa có nhiều hay ít.
Năm nay, có đến 20 ngày trong 1 tháng ngư dân có thể khai thác sứa. Mỗi buổi tối, các tàu bè thường đánh bắt được từ 3.000 - 4.000 con sứa.
Khai thác sứa cho thu nhập cao nhưng công việc vất vả, nhiều người không có sức để mà làm. Những người không có sức khỏe thì làm những công việc khác, còn những ai có sức khỏe thì làm nghề này mang lại thu nhập rất cao. Người dân nơi đây cũng từ sứa mà vươn lên làm giàu, phát triển kinh tế.
Theo VTC16, xưởng sơ chế của ông Ninh Văn Chinh là một trong những xưởng sơ chế sứa lớn nhất của Thịnh Long. Những ngày sứa nhiều, xưởng của ông Chinh hoạt động từ đêm khuya cho đến 18h hôm sau.
Sứa sau khi được sơ chế sẽ cho vào máy ly tâm ép sạch nước, chỉ còn phần thịt. Phần thịt sứa được ngâm vào nước muối mặn để được tươi n gon trước khi vào chế biến sâu. Ngâm sứa cũng giống như muối dưa, ngâm sứa trong nước muối đạt 24 độ, trong vòng 1 tuần đến 10 ngày để đảm bảo độ chín của sứa, sứa thơm ngon, hết tanh và đảm bảo độ giòn.
Làm nghề sơ chế sứa tại Thịnh Long khá nhiều thời gian, chị Nguyễn Thị Xuân cho biết, mỗi buổi sơ chê sứa, chị được trả công 500.000 đồng. Chị cũng cho hay, công việc khá vất vả nhưng do phụ thuộc vào gia đình nên chị chọn công việc này. "Ban đêm đi làm thì ban ngày ở nhà còn lo được cho con cái. Còn đi ngày, nhiều người bận không đi được".
Trước đây, sứa chỉ được ngâm muối để trở thành sứa mặn rồi đem bán ra thị trường trong và ngoài nước. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, nhằm nâng cao giá trị của sứa, các cơ sở sản xuất đã nâng cấp, chế biến sâu thành sứa ăn liền.
Sứa biển rất giàu dinh dưỡng, giàu chất đạm, chất báo, canxi, sắt cùng các vitamin khác, tính mát, dễ ăn. Hiện nay, 1 năm, 31 cơ sở chế biến sữa trên toàn Nam Định có thể cung cấp ra thị trường trong và ngoài nước khoảng 500 tấn sứa.
(Theo Doanh Nghiệp và Tiếp Thị)