Sản vật Tân Sơn

Về huyện miền núi Tân Sơn, du khách không chỉ được ngắm nhìn vẻ đẹp hoang sơ của núi rừng, thưởng thức món ăn độc đáo của đồng bào các dân tộc mà còn có dịp được chiêm ngưỡng giống gà quý hiếm được ví như linh vật bước ra từ truyền thuyết các Vua Hùng. Đó là gà nhiều cựa- sản vật được ưa chuộng bậc nhất trong dịp Tết cổ truyền của dân tộc.

Chị Nguyễn Thị Vân ở khu Bến Gạo, xã Tân Phú là một trong hộ nuôi gà nhiều cựa lâu năm ở huyện Tân Sơn.

Loài gà chín cựa hay sau này có cái tên chính thức là gà nhiều cựa là giống gà cổ được nuôi dưỡng và phát triển ở nơi sâu thẳm vùng lõi của Vườn Quốc gia Xuân Sơn, xã Xuân Sơn, huyện Tân Sơn. Không ai biết loài gà này có từ bao giờ, những người già cả trong làng cho biết giống gà quý này đã được đồng bào người Mường, Dao đem về nuôi từ rất lâu. Đến năm 2003, khi Vườn Quốc gia Xuân Sơn được công nhận, giao thông được thuận tiện, du lịch phát triển thì nhiều người mới biết nhiều hơn đến giống gà quý hiếm này.

Trước đây, gà nhiều cựa chủ yếu được nuôi ở xã Xuân Sơn và Xuân Đài, nhưng đến nay, gà được phát triển cả ở xã Tân Phú, Kim Thượng... Chúng tôi có dịp được đến thăm gia đình chị Nguyễn Thị Vân ở khu Bến Gạo, xã Tân Phú và chiêm ngưỡng đàn gà nhiều cựa. Đàn gà khoảng 50 con đang chuẩn bị xuất chuồng vào dịp Tết năm nay. Theo chị Vân, gà nhiều cựa khi nở ra đã thấy rõ ở khuỷu chân mọc ra một chùm ba cựa. Khi trưởng thành, mỗi con gà trống mọc thêm một cựa sừng nhọn, cong vút. Gà càng nuôi lâu thì cựa càng dài và bóng. Gà nhiều cựa khi lớn lên có tướng mạo hùng dũng với bộ lông ngũ sắc, mào đỏ như máu, ức nở, đuôi cong vút tựa như cầu vồng, tiếng gáy vang to. Đặc biệt, gà có chân to, có ba đến bốn cựa mỗi bên, cong vút như lưỡi liềm.

Gà nhiều cựa là đặc sản không thể thiếu trên mâm cơm đãi khách của người dân Tân Sơn.

Thời gian qua, việc bảo tồn và phát triển gà nhiều cựa đã được nhiều cấp, ngành trong tỉnh quan tâm. Trước đây, người dân địa phương chưa biết giá trị của giống gà nhiều cựa nên chỉ chăn thả tự nhiên, chưa chú trọng đến công tác phòng bệnh làm cho giống gà này có nguy cơ bị tuyệt chủng. Năm 2008, Viện Chăn nuôi, Bộ NN&PTNT đã xây dựng mô hình “Chăn nuôi, bảo tồn gà nhiều cựa” ở các xóm thuộc xã Xuân Sơn. Đến năm 2010, UBND huyện Tân Sơn đã triển khai dự án “phát triển nuôi gà nhiều cựa quy mô hộ gia đình để xóa đói giảm nghèo” làm điểm ở xã Xuân Sơn. Ngày 1/2/2012, Bộ NN&PTNT có Thông tư số 06/2012/TT-BNNPTNT ban hành “Danh mục bổ sung nguồn gen vật nuôi quý hiếm cần được bảo tồn” trong đó có giống gà nhiều cựa Phú Thọ. Đây là đòn bẩy để năm 2016, dự án tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể “Gà nhiều cựa Tân Sơn” của huyện Tân Sơn được UBND tỉnh phê duyệt. Sau hai năm triển khai thực hiện, năm 2018, “Gà nhiều cựa Tân Sơn” được Cục sở hữu trí tuệ, Bộ KHCN cấp giấy chứng nhận.

Từ giống gà không chỉ mang ý nghĩa tâm linh trong phát triển du lịch, gà nhiều cựa còn là nguồn thu nhập ổn định cho nhiều hộ gia đình tại huyện miền núi Tân Sơn. Đồng chí Hoàng Văn Dũng - Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tân Sơn cho biết: “Tổng đàn gà nhiều cựa tại địa phương hiện nay vào khoảng trên 25.000 con. Với giá bán dịp cận Tết Nguyên đán dao động từ 180.000-350.000 đồng/kg sẽ giúp cho nhiều hộ gia đình vươn lên phát triển kinh tế đảm bảo cuộc sống.

Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, các trang trại, hộ chăn nuôi gà nhiều cựa đã kín khách đặt hàng, một Tết ấm no đang về với đồng bào dân tộc trong khu vực Vườn Quốc gia Xuân Sơn, huyện Tân Sơn.

Thùy Trang

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/phong-vi-dat-to/202202/san-vat-tan-son-182750