Săn vọp trong rừng ngập mặn

Bên dưới rừng cây đước, cây trang, cây bần với tua tủa mầm non như dao chỉa lên từ bùn nhão, những ngư dân lặng lẽ với công việc săn vọp. Vọp - có nơi gọi là con dộp, là loại giáp xác hai mảnh chỉ có ở vùng nước lợ. Dù nhìn như con nghêu nhưng vọp lớn gấp 3-4 lần và được coi là đặc sản của nhiều tỉnh ven biển phía Nam.

Thợ săn vọp trong rừng ngập mặn.

Thợ săn vọp trong rừng ngập mặn.

Đi săn trong bùn lầy

Tại khu vực bến đò Gia Thuận (xã Gia Thuận, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang), chúng tôi gặp nhóm ba người đang lội hì hụp trong lớp bùn nhão, kéo những chiếc thùng nhựa phía sau để săn vọp. Đây là khu vực ven cửa sông Vàm Cỏ đổ vào vịnh Gành Rái, nơi lý tưởng để những sinh vật nước lợ, trong đó có vọp sinh trưởng.

Một trong ba người, anh Đặng Thiện, 34 tuổi là người dân địa phương bảo cả tuần nay nhóm của anh quanh quẩn ở đây để kiếm vọp. “Thường chúng tôi đi đò sang phía Cần Giờ thì vọp nhiều hơn nhưng dạo này bên đó nhiều người kiếm, lại bị kiểm lâm nhắc nhở nên ở phía Gia Thuận tìm vọp. Vọp thì có quanh năm nhưng dịp này béo và mập lắm. Nó bự như cái trứng vịt vậy.

Mỗi ngày vất vả lội bùn từ sáng tới gần trưa thì lượm được chừng 10kg vọp. Vọp đem ra khu ngã ba quốc lộ 50 bán cho khách thì giá 40 hay 45 ngàn đồng, bán cho thương lái thì chỉ 30 ngàn, loại nhỏ có khi chỉ 25 ngàn thôi”, anh Thiện kể.

Chìa bàn tay lấm lem bùn đất ra, anh Thiện vừa cười vừa bảo mặc dù vọp chỉ nằm im không di chuyển nhưng để bắt được chúng không dễ dàng gì, thợ săn liên tục di chuyển trong bùn lầy nhão nhoẹt ngập quá đầu gối. Ngoài ra phải căng mắt tìm nơi vọp ẩn mình.

Ngoài vọp thiên nhiên, vọp trong vuông cũng có rất nhiều ở ven biển.

Ngoài vọp thiên nhiên, vọp trong vuông cũng có rất nhiều ở ven biển.

“Trên nền đất bùn nhão nếu có những lỗ nhỏ như đầu đũa, có nước trong đọng lại là chắc chắn có vọp. Điều may mắn là nếu có thì rất nhiều vọp, bởi chúng nằm san sát nhau chứ không riêng lẻ. Thế nên nếu tìm đúng bãi, có khi bắt được 20-30kg. Còn nếu không thì chỉ lèo tèo vài con thôi”, anh Thiện chia sẻ kinh nghiệm.

Một thợ săn vọp khác là anh Mân, em vợ của anh Thiện. Anh Mân bảo trước làm phụ hồ trên TPHCM nhưng công việc vất vả mà không có dư dả, đành đưa vợ con về quê Gò Công dựng tạm nhà rồi đi biển mưu sinh. “Trước kia tôi cũng không biết con vọp là gì, nay thì rành lắm rồi. Vọp ở đây béo mập lắm, mà cũng có nhiều nữa. Ba anh em đi cùng nhau, tìm được bãi nào thì cũng bắt. Nghề này cũng kiếm được mấy trăm ngàn một ngày nhưng cực lắm. Lội bùn mấy tiếng về rã rời cả người. Nhưng đôi lúc cũng kiếm thêm được ít cá bống, mực nang rớt lại để tối về lai rai. Thực ra chúng tôi chỉ đi lội vọp mấy tiếng buổi sáng thôi, chiều còn đặt đăng ở bên phía bãi Ông Sen nữa. Chứ lội vọp không thì không đủ sống đâu”, anh Mân chia sẻ.

Lúc này, nhìn vào chiếc thùng nhựa loại 40 lít của anh Mân, cúng tôi thấy có một lớp vọp lấm lem bùn đất, con nào con nấy to đều nhau. Vọp lớn hơn nghêu rất nhiều nhưng nhỏ hơn con trai sông, có màu nâu sẫm đặc trưng.

Thực tế, không chỉ riêng những cánh rừng ngập mặn rộng mênh mông ở khu Gia Thuận này mà dọc đường ven biển kéo xuống tận Vàm Láng hay ngược lại mạn Tân Phước đều là thế giới để những thợ săn vọp tìm sinh kế. Khu vực này nằm ở cửa sông nhưng cũng là nơi tiếp giáp của 3 địa phương, gồm huyện Cần Đước (tỉnh Long An) và huyện Cần Giờ (TPHCM), đã có một vài nhà máy, khu công nghiệp mọc lên những năm qua nhưng thực tế vẫn còn rất nhiều cánh rừng đệm nguyên sinh ven biển.

Khoảng thời gian ngư dân săn bắt vọp mỗi ngày không nhiều. Theo chia sẻ của anh Thiện, thì chỉ kéo dài chừng 4-5 giờ đồng hồ do dựa nhiều vào chế độ thủy triều lên/xuống khiến nhóm của anh lúc nào cũng vội vã, liên tục di chuyển.

Theo đó, ở đây thủy triền lên/xuống 2 lần mỗi ngày, thường lúc 6 giờ sáng và 6 giờ tối là khi thủy triều rút đi, các bãi biển lộ ra nhiều nhất. Ngược lại, khoảng thời gian 12 giờ trưa và 12 giờ đêm, thủy triều lên cao nhấn chìm hết những bãi bồi này nên không thể săn vọp được. Chính vì thế, thời gian tốt nhất để những người săn vọp làm việc là từ 6 giờ sáng cho tới gần trưa, khi nước bắt đầu dâng lên.

Vọp, món quà của vùng nước lợ.

Vọp, món quà của vùng nước lợ.

Đặc sản vùng nước lợ

Cách đó chừng 50 cây số, nằm địa phận ở xã Thừa Đức (huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre) cũng là cánh rừng đầy gốc trang, gốc đước với bãi bồi rộng mênh mông kéo dài nhiều cây số. Khu vực này là nơi sông Tiền đổ ra biển.

Xin nói thêm, khu vực này sông Tiền có 2 cửa đổ ra biển, gồm cửa Đại và cửa Tiểu cách nhau chừng hơn 10 cây số do giữa lòng sông hình thành một cù lao rộng lớn mang tên Tân Phú Đông. Tại khu vực bãi biển Thừa Đức, chúng tôi thấy người dân bày bán vọp khá nhiều, con nào con nấy đều rất lớn.

Chị Nguyễn Thị Phương, chủ quán nước nhưng cũng thu mua vọp để bán lại cho người dân, khách du lịch cho biết ở đây vọp rất nhiều, chị thu mua rồi gửi xe khách lên Bình Chánh (TPHCM) để em dâu trên đó bán.

“Vọp ở đây nhiều lắm. Vùng này nổi tiếng là nghêu, vọp và hàu. Ngoài vọp thiên nhiên bắt ở rừng đước, người ta còn cào vọp nhỏ sau đó bán lại để đem vào các vuông (ao) ven biển nuôi tiếp cho chúng lớn lên. Mặc dù gọi là nuôi nhưng vọp trong vuông cũng không phải cho ăn gì, để tự chúng lớn lên. Thế nhưng vọp trong vuông bán vẫn kém giá so với vọp thiên nhiên. Phải là dân biển và quen mắt mới có thể phân biệt được vọp trong vuông và vọp thiên nhiên. Tôi thì thấy chúng cũng như nhau thôi, vọp trong vuông mà nuôi đủ năm cũng bự lắm, nướng mỡ hành ăn giòn ngon vô cùng”, chị Phương chia sẻ.

Cũng theo chị Phương, điểm khác duy nhất giữa vọp trong vuông và vọp thiên nhiên là do ở ven biển thì độ mặn trong nước cao hơn, còn trong vuông thì nhạt hơn. Vì thế chất lượng của vọp cũng có khác nhau nhưng không quá nhiều. Người phụ nữ này cũng cho biết do thời điểm đầu năm, vọp nhỏ rất nhiều, chúng thường được sóng đánh dạt vào ven bờ biển.

Cũng như các loại nghêu giống, vọp con khi tới mùa có rất nhiều ở các bãi cát, bãi bồi ven biển. Lúc này ngư dân cào bắt được nhưng chưa thể bán thành phẩm vì chúng quá nhỏ, chỉ như đầu ngón tay, đầu đũa nên họ đem cúng thả vào các vuông, đầm ven biển cho chúng tiếp tục lớn lên.

Những con khác có thể dạt tiếp ra những cánh rừng ngập mặn ven biển nhờ các đợt thủy triều lên xuống và tiếp tục sinh trưởng. Cứ thế năm này qua năm khác, vọp được coi là đặc sản vùng ven biển này.

Không riêng gì khu rừng ngập mặn ở bến đò Gia Thuận mà dọc chiều dài hàng ngàn cây số ven biển từ Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu hay Đồng Nai, Cần Giờ cho tới Bến Tre, Sóc Trăng, Cà Mau… vọp cũng có rất nhiều ở các khu vực rừng ngập mặn, nơi các cửa sông đổ ra biển. Tuy nhiên, theo những chuyến xe, vọp sau khi được ngư dân săn bắt đã đi khắp mọi ngả đường, đổ về các đô thị lớn, được nhiều người coi là đặc sản riêng biệt vì sự độc đáo và thơm ngon.

Vọp con khi tới mùa có rất nhiều ở các bãi cát, bãi bồi ven biển. Lúc này ngư dân cào bắt được nhưng chưa thể bán thành phẩm vì chúng quá nhỏ, chỉ như đầu ngón tay, đầu đũa nên họ đem cúng thả vào các vuông, đầm ven biển cho chúng tiếp tục lớn lên. Những con khác có thể dạt tiếp ra những cánh rừng ngập mặn ven biển nhờ các đợt thủy triều lên xuống và tiếp tục sinh trưởng. Cứ thế năm này qua năm khác, vọp được coi là đặc sản vùng ven biển này.

ĐOÀN XÁ

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/san-vop-trong-rung-ngap-man-10269115.html