Sản xuất, buôn bán thuốc tân dược giả ngày càng quy mô, chuyên nghiệp
Nếu như trước đây, việc sản xuất và buôn bán tân dược giả thường do các đối tượng thực hiện theo hình thức nhỏ lẻ hoặc hộ gia đình thì gần đây, loại tội phạm này ngày một lộng hành và bành trướng khi hoạt động với quy mô lớn, thủ đoạn ngày càng tinh vi, khó phát hiện.
Ở tầm cỡ quốc gia có vụ mua bán thuốc điều trị ung thư giả xảy ra tại Công ty VN Pharma khiến Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường phải hầu tòa. Còn tại TPHCM cũng xảy ra nhiều vụ sản xuất, buôn bán tân dược giả khiến giám đốc một số công ty dược phải "xộ khám".
Hoạt động khép kín
Ngày 09-6-2022, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TPHCM đã triệt phá đường dây sản xuất tân dược giả do Phạm Bích Ngọc (SN 1974, ngụ Q8) cầm đầu. Đây là đường dây sản xuất tân dược giả quy mô, mang tính chuyên nghiệp, tổ chức chặt chẽ, do các đối tượng có quan hệ anh em, họ hàng cấu kết thực hiện khép kín. Các đối tượng sử dụng nhà máy sản xuất thuốc thật để sản xuất thuốc giả nhằm qua mắt cơ quan chức năng.
Cụ thể, Công ty Cổ phần dược phẩm Amtex Pharma (Cty Amtex Pharma, ấp 1B, xã Phong Phú, huyện Bến Lức, tỉnh Long An) do Phạm Ngọc Bích (anh trai Phạm Bích Ngọc) làm giám đốc, sở hữu 97,14% vốn điều lệ, Lê Huỳnh Mộng và Phạm Bích Ngọc sở hữu mỗi người 1,43%. Cty này được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép sản xuất, kinh doanh tân dược các loại. Amtex Pharma có nhà máy sản xuất nguyên liệu tân dược tại huyện Bến Lức, diện tích lên tới 10.000m2, được đầu tư nhà xưởng và hệ thống máy móc, dây chuyền hiện đại, đi vào hoạt động từ nhiều năm qua.
Ngoài ra, công ty còn có xưởng và máy móc ép vỉ, đóng gói thuốc thành phẩm tại huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An, có kho chứa, cất giữ thuốc tại nhiều quận, huyện thuộc TPHCM. Sau khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, thấy nhu cầu đối với các loại tân dược ngoại nhập hỗ trợ điều trị Covid-19 lớn, Phạm Bích Ngọc cùng anh trai Phạm Ngọc Bích và đồng bọn đã tổ chức đường dây sản xuất, buôn bán thuốc tân dược giả nhãn hiệu Neo-Codion số lượng lớn ngay tại các nhà máy sản xuất nguyên liệu, xưởng ép vỉ, đóng gói tân dược thật nêu trên để đưa đi tiêu thụ, thu lợi bất chính.
Để triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán tân dược giả do anh em Bích Ngọc, Ngọc Bích điều hành, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TPHCM đã phải sử dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ và trải qua thời gian dài theo dõi. Lúc 17 giờ 30 ngày 09-6, tại vòng xoay Nguyễn Văn Linh - Quốc lộ 1A (thuộc thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh), tổ trinh sát của Phòng Cảnh sát kinh tế CATPHCM bắt quả tang Đoàn Minh Trường điều khiển ôtô lưu thông theo hướng từ Long An về TPHCM, chở Phạm Bích Ngọc và 12 thùng carton chứa 20.000 vỉ (10 viên/vỉ) tân dược nhãn hiệu Neo-Codion không xuất trình được hóa đơn chứng từ. Phạm Bích Ngọc thừa nhận số thuốc chứa trong 12 thùng carton nêu trên là tân dược giả hiệu Neo-Codion do Ngọc cùng một số đối tượng khác tổ chức sản xuất, đang trên đường chở đi tiêu thụ.
Tại Cơ quan điều tra, Phạm Bích Ngọc khai vào đầu tháng 6-2022, Ngọc liên hệ với Lê Huỳnh Mộng - nhân viên Công ty Amtex Pharma, đặt mua 1.000.000 viên thuốc ho không nhãn hiệu, đóng gói 1.000 viên/chai, với giá 90 triệu đồng. Sau đó, Ngọc liên hệ với Diệp Bảo Phước - làm việc tại xưởng in của Công ty Bao bì H.Đ (Q.Tân Phú), đặt sản xuất vỏ hộp, hướng dẫn sử dụng toa thuốc, tem của tân dược hiệu Neo-Codion trị giá 79,5 triệu đồng. Sau khi nhận được viên thuốc, vỏ hộp, toa thuốc, tem, vỉ nhựa tồn kho đã mua trước đó, tại căn nhà không số (ấp 7, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An), Ngọc cùng với Nguyễn Hoàng Minh (nhân viên bộ phận sản xuất Cty Amtex Pharma) vận hành máy ép vỉ thuốc thành phẩm, tạo thành tân dược Neo-Codion giả.
Sản xuất xong thuốc giả, Ngọc thuê tài xế Đoàn Minh Trường (với giá 500 ngàn đồng) và cùng Trường vận chuyển số thuốc này giao cho Nguyễn Vương Vy Quý tại địa chỉ nhà không số ở hẻm 923 Dương Công Khi (xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn) thì bị Tổ công tác kiểm tra, bắt giữ. Từ lời khai của Ngọc, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TPHCM tạm giữ thêm Phạm Ngọc Bích và 5 đối tượng liên quan; đồng thời khám xét khẩn cấp chỗ ở, nơi làm việc của các đối tượng để phục vụ công tác điều tra mở rộng.
Phạm Ngọc Bích khai đã chỉ đạo Lê Huỳnh Mộng lập kế hoạch sản xuất 1.000.000 viên thuốc tân dược giả giao cho Ngọc. Sau khi sản xuất xong, Mộng giao cho Ngọc số lượng 1.000 chai, 1 chai/1.000 viên thuốc không dán nhãn, bao bì, nhãn hiệu, hạn sử dụng... Nguyễn Hoàng Minh khai cùng tham gia sản xuất các loại thuốc tân dược giả với Bích từ năm 2015. Theo lời khai của Minh, quy trình sản xuất thuốc giả Neo-Codion được thực hiện như sau: viên thuốc nguyên liệu được Bích chỉ đạo nhân viên sản xuất tại Công ty Amtex Pharma. Ngọc có trách nhiệm thu mua vỉ nhựa và màng nhôm tập kết về kho nhà không số ở Long An. Máy móc, dụng cụ dùng để sản xuất tân dược giả do Bích đưa về. Khi có yêu cầu sản xuất thuốc giả từ Bích, Ngọc thực hiện công đoạn bỏ thuốc viên lên khay của máy ép vỉ, lùa thuốc nguyên liệu xuống máy ép cho đều, Minh điều chỉnh máy ép vỉ chạy ra vỉ thuốc thành phẩm.
Nguyễn Vương Vy Quý khai nhiều lần đặt mua tân dược giả của Ngọc. Lần gần nhất, Quý đặt Ngọc lô tân dược giả nhãn hiệu Neo-Codion, số lượng 30.000 hộp, đơn giá 27 ngàn đồng/hộp. Quý đã ứng trước cho Ngọc số tiền 350 triệu đồng. Mỗi lô hàng mua của Ngọc, nếu bán hết, Quý thu lợi từ 300 đến 400 triệu đồng...
Khi hai giám đốc "bắt tay"
Ngày 12-3-2021, TAND TPHCM xét xử sơ thẩm 9 bị cáo về tội "buôn bán hàng giả là thực phẩm" và tội "sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh". Trong đó, Nguyễn Đình Lạc Thư (SN 1975, Phó giám đốc Công ty TNHH TM Asia Pharmacy, trụ sở tại P.Tân Quy, Q7) bị tuyên phạt 20 năm tù về 2 tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm và sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh. Nhóm giúp sức cho Thư gồm: hai em ruột Thư là Nguyễn Đình Thái Dương (SN 1978) bị tuyên phạt 16 năm tù, Nguyễn Đình Kính Như (SN 1983) 5 năm tù. Hai bị cáo Thạch Đết (SN 1992, vợ Như) 3 năm tù treo, Trần Thị Châu Thanh (SN 1982) 3 năm tù cho các tội "buôn bán hàng giả là thực phẩm, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh, sản xuất hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh".
Cộng sự đắc lực của Thư trong việc sản xuất thực phẩm chức năng giả là Lê Văn Khối (SN 1960, giám đốc Công ty TNHH dược phẩm Đông Dược Việt, trụ sở tại ấp 4, xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh) lãnh 12 năm tù về tội "sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm"; 3 bị cáo còn lại là Nguyễn Thành Xuân 10 năm tù, Dương Văn Toản 13 năm tù, Nguyễn Đình Bảo 4 năm 6 tháng tù cho các tội "sản xuất hàng giả là thực phẩm và buôn bán hàng giả là thực phẩm, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, phòng bệnh". Ngoài bản án tù, tòa buộc Thư, Dương, Khối và Xuân nộp từ 20 triệu đồng đến 50 triệu đồng. Đây cũng là vụ án do Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TPHCM triệt phá.
Theo cáo trạng, chủ mưu cầm đầu đường dây này là Nguyễn Đình Lạc Thư và Lê Văn Khối. Trưa 25-7-2019, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TPHCM bắt quả tang Nguyễn Đình Thái Dương đang giao nhận 20 thùng (mỗi thùng 200 hộp) thực phẩm chức năng giả tại số 64/24Z Hòa Bình, P5Q11. Tại đây, cơ quan chức năng bắt quả tang Trần Thị Châu Thanh và Thạch Đết đang sản xuất thuốc giả. Công an xác định hộ kinh doanh Nguyễn Đình Lạc Thư tại địa chỉ trên là địa điểm Nguyễn Đình Lạc Thư sản xuất thuốc giả nhãn hiệu B. (thuốc lợi gan mật) và thuốc cốm nhãn hiệu X.
Cũng tại địa chỉ trên, Thư giao Nguyễn Đình Thái Dương trực tiếp điều hành sản xuất, bán tân dược, thực phẩm chức năng giả cho các đối tác. Ngoài ra, Thư sản xuất nguyên liệu bán thành phẩm dùng để làm giả các loại thuốc như: viên giải rượu, sâm nhung bổ thận, hoạt huyết dưỡng não, siro ho... Cùng ngày, tổ công tác kiểm tra Công ty TNHH dược phẩm Đông Dược Việt (xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh) phát hiện Lê Văn Khối, Nguyễn Thành Xuân cùng 4 công nhân đang sản xuất thuốc thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả.
Ban đầu, Lê Văn Khối là người trực tiếp cung cấp số lượng lớn bao bì, vỏ hộp giấy cho Nguyễn Đình Lạc Thư đóng gói thuốc, thực phẩm chức năng giả. Đến khoảng tháng 10-2018, Khối bắt đầu trực tiếp tiến hành sản xuất, mua bán thực phẩm chức năng giả các thương hiệu B., X., viên giải rượu, sâm nhung bổ thận... cùng Thư, cụ thể: Thư đưa mẫu thật để Khối sản xuất hàng giả. Sản xuất xong, Khối cho người giao cho Thư. Hai đối tượng này "bắt tay" nhằm thiết lập quy trình sản xuất khép kín cùng một mạng lưới phân phối thuốc giả, thực phẩm chức năng rộng khắp các quận, huyện của TPHCM và "vươn vòi" tận các tỉnh miền Tây.
Trong vụ án liên quan đến 2 ông giám đốc này, cơ quan chức năng thu giữ tổng cộng hơn 14.000 hộp thuốc giả, thực phẩm chức năng giả các loại trị giá hơn 2 tỷ đồng.