Sản xuất cây vụ Đông theo hướng liên kết, mở rộng thị trường tiêu thụ
Vụ Đông được xác định là 1 trong 3 vụ sản xuất chính trong năm, góp phần nâng cao giá trị kinh tế và cải thiện thu nhập cho người dân trên địa bàn huyện Quang Bình. Với phương châm “lấy vụ Đông bù vụ Mùa”, trên những cánh đồng không nghỉ, bà con nông dân đang tích cực mở rộng diện tích trồng và chăm sóc các loại cây rau màu theo hướng liên kết, tạo thị trường tiêu thụ sản phẩm ổn định.
Vụ Đông năm 2024 là vụ đầu tiên 98 hộ dân thôn Hạ và thôn Hạ Thành, xã Bằng Lang thực hiện mô hình liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm sử dụng quy trình phân bón Đầu trâu cho cây dưa chuột, khoai tây lòng vàng với diện tích 33 ha. Công ty Cổ phần vật tư nông nghiệp và thuốc thú y Hà Giang là đơn vị đứng ra liên kết, thuê đất, trả công lao động theo ngày và trực tiếp cử cán bộ xuống tư vấn, hướng dẫn cho bà con kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc từng loại cây. Nhờ đúng thời vụ, đến nay, cây dưa chuột sinh trưởng, phát triển tốt và đang trong thời kỳ leo giàn. Đối với cây khoai tây, máy làm đất đến đâu, người dân khẩn trương xuống giống đến đó, đảm bảo hoàn thành 100% tiến độ đề ra. Không khí sản xuất trên đồng ruộng đông vui, nhộn nhịp.
Ông Nguyễn Văn Ty, Trưởng thôn Hạ Thành, xã Bằng Lang cho biết: “Thôn Hạ Thành có đất đai sản xuất nông nghiệp màu mỡ, bằng phẳng. Những vụ trước, bà con vẫn trồng dưa chuột, ngô, khoai lang, khoai tây nhưng quy mô nhỏ lẻ, chưa thành hàng hóa. Vụ Đông này, UBND xã Bằng Lang đã tuyên truyền, vận động người dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ưu tiên trồng dưa chuột và khoai tây theo mô hình liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp. Một ngày công lao động bà con sẽ nhận được số tiền 250.000 đồng. Với sự liên kết như vậy, các hộ có việc làm, thu nhập đều đặn ngay trên chính đồng ruộng của mình mà không áp lực giá cả, thị trường tiêu thụ”.
Theo hình thức liên kết này, cả người dân và doanh nghiệp đều có lợi ích, nêu cao trách nhiệm và sự gắn kết với nhau. Người dân tham gia vào toàn bộ quá trình sản xuất, nắm được kỹ thuật trồng, chăm sóc, bón phân, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng cách, đúng loại và hưởng thụ thành quả lao động theo đúng công sức bỏ ra. Đối với đơn vị là chủ đầu tư, sản xuất chủ động, khép kín được thời vụ, nhân công, sản xuất đảm bảo theo đúng quy trình để cho ra những sản phẩm đạt tiêu chuẩn, chất lượng cao.
Anh Hoàng Ngọc Dũng, Giám đốc Công ty Cổ phần vật tư nông nghiệp và thuốc thú y Hà Giang cho biết: “Trong 18 ha trồng dưa chuột, khoảng 10 ngày nữa dưa được thu bói; sản lượng thu hoạch dự kiến đạt 1 tấn/ngày; thời gian thu quả kéo dài 2 tháng. Còn lại 15 ha trồng khoai tây lòng vàng sau 90 ngày sẽ cho thu hoạch. Ngoài ra, chúng tôi còn liên kết với người dân gieo trồng 2 ha rau hữu cơ. Thị trường tiêu thụ rau, dưa chuột rộng rãi tại hệ thống chợ đầu mối của các tỉnh phía Bắc, riêng khoai tây được chuyển vào miền Nam. Nếu mô hình thành công, Công ty sẽ mở rộng diện tích sản xuất vào vụ sau”.
Tính đến thời điểm này, các xã trên địa bàn huyện Quang Bình đã thực hiện gieo trồng vụ Đông được hơn 440 ha cây ngô; hơn 456 ha rau, đậu các loại; 20 ha khoai tây; 18 ha khoai lang; hơn 21 ha dưa chuột. Đồng thời, ngành Nông nghiệp triển khai mô hình hỗ trợ làm bầu ngô trồng xuống ruộng tại xã Tiên Yên với diện tích 1.500 m2; phối hợp với tổ chức CARE quốc tế tại Việt Nam trồng 1,3 ha cây khoai lang Điện Biên tại thị trấn Yên Bình. Huyện cũng tạo mọi cơ chế, điều kiện thuận lợi giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp theo chuỗi liên kết với người dân từ khâu sản xuất đến bao tiêu sản phẩm. Từ đó, đẩy mạnh sản xuất theo quy mô hàng hóa, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân địa phương.