Sản xuất chè xoay xở vượt khó trong mùa dịch

Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhiều tháng nay khiến các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chè trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn. Các doanh nghiệp đang phải 'căng mình' tìm cách bước qua đại dịch.

Xuất khẩu “đóng băng”, nhiều doanh nghiệp chè điêu đứng

Sản phẩm chè Ô long của Công ty TNHH MTV Mường Hoa (huyện Mường Khương) có thị trường tiêu thụ chính là Đài Loan. Từ khi dịch Covid-19 bùng phát, doanh nghiệp chịu tổn thất nặng nề do chè không tiêu thụ được. Trầm ngâm bên những bao chè khô đang đắp đống trong kho, bà Hà Thị Tuyến, Giám đốc công ty cho biết: Đây là chè tồn từ cuối năm ngoái và đầu năm nay chưa xuất khẩu được. Công ty đã ký hợp đồng với đơn vị thu mua nhưng do dịch Covid-19 khiến kỹ thuật bên đối tác không thể sang để chuyển giao công nghệ làm chè Ô long, giám sát quá trình sản xuất, nên không thể xuất hàng đi. Công ty có 15 tấn chè thành phẩm tồn kho, chưa xuất bán được.

Hiện các doanh nghiệp vẫn duy trì thu mua chè búp tươi cho người dân.

Hiện các doanh nghiệp vẫn duy trì thu mua chè búp tươi cho người dân.

Khác với các doanh nghiệp thương mại khác là Công ty TNHH MTV Mường Hoa liên kết với người dân địa phương trồng chè. Hằng năm, công ty ứng toàn bộ tiền vật tư nông nghiệp và thanh toán tiền mua chè búp tươi cho người dân nên việc không xuất được hàng khiến công ty khó khăn về nguồn vốn để duy trì sản xuất và tái đầu tư vùng nguyên liệu.

Còn tại Công ty Cổ phần Phong Hải (huyện Bảo Thắng), khác với thời điểm này của năm trước, hiện đang vào vụ thu hái chè song hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty đang gặp khó khăn bởi đầu ra cho sản phẩm đang “đóng băng”. Ông Vũ Minh Đức, Giám đốc công ty cho biết: Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thị trường xuất khẩu chè trước đây như khu vực Trung Đông chưa thể thông quan trở lại, công ty còn khoảng 25 tấn chè khô đang tồn kho, chưa thể xuất bán.

5 tháng đầu năm 2019, công ty sản xuất được 179 tấn chè khô, xuất bán được 172 tấn. Năm nay, con số xuất khẩu gần như bằng 0. Mặc dù vậy, công ty vẫn phải duy trì sản xuất, đảm bảo bao tiêu chè búp tươi như đã ký kết với người dân nên số chè tồn sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới, trước khi thị trường xuất khẩu mở cửa trở lại.

Chia sẻ thêm về những khó khăn đang phải đối mặt, ông Vũ Minh Đức cho hay: Nếu tồn kho lâu sẽ ảnh hưởng tới mẫu mã và chất lượng chè. Do vậy, để phù hợp với tình hình hiện tại, công ty phải điều chỉnh sản xuất, các khâu lăn mốc, lấy hương chè phải làm kỹ hơn. Điều này đồng nghĩa với việc thời gian sản xuất kéo dài hơn khiến các chi phí (nhân công, điện, nhiên liệu đốt lò…) gia tăng, trong khi sản phẩm thu hồi chính phẩm sẽ giảm xuống.

Nỗ lực vượt qua đại dịch

Đứng trước những khó khăn, các doanh nghiệp sản xuất chè trên địa bàn tỉnh đang xoay xở để duy trì sản xuất, kinh doanh, xây dựng kế hoạch thích ứng.

Từ đầu năm đến nay, Công ty TNHH Chè Đại Hưng (huyện Bảo Yên) cũng tồn kho hơn 10 tấn chè không xuất bán được. Nguyên do là hầu hết doanh nghiệp nước ngoài có ký kết với công ty trong tình trạng khó khăn nên hủy đơn hàng. Ông Nguyễn Đức Thuận, Giám đốc công ty cho biết: Để gỡ khó khăn trước mắt, công ty chấp nhận bán lỗ 25 triệu đồng/tấn chè cho các doanh nghiệp trong nước để thu hồi vốn tái sản xuất. Đây là các doanh nghiệp thương mại, có vốn nên chủ yếu họ thu mua tích trữ, chờ thị trường ổn định sẽ xuất khẩu. Công ty cũng tập trung các đơn hàng nhỏ lẻ trong nước, cắt giảm tạm thời khoảng 20% lao động, hạn chế các chi phí phát sinh, cố gắng cầm cự qua mùa dịch.

“Chúng tôi mong có sự đồng hành hơn nữa của chính quyền, các cơ quan về chính sách hỗ trợ lãi suất ngân hàng, thuế, bảo hiểm… để đơn vị vượt qua giai đoạn khó khăn này”, ông Thuận nói.

Đối với Công ty TNHH MTV Mường Hoa, phải mất gần 10 năm công ty mới gây dựng được vùng nguyên liệu gần 300 ha chè chất lượng cao (100% giống chè Kim Tuyên). Hiện tại, chè Kim Tuyên trồng tại xã Cao Sơn (huyện Mường Khương) được chế biến thành các loại chè chất lượng cao như chè Ô long, trà đen, hồng trà, chủ yếu cung cấp cho thị trường Đài Loan, một số nước khu vực Đông Nam Á và một số thành phố lớn trong nước với giá bán cao gấp 3 - 4 lần trà thông thường. Bà Hà Thị Tuyến, Giám đốc công ty cho biết: Để duy trì vùng nguyên liệu và ổn định sản xuất, tôi đã cầm cố tài sản để vay tiền thu mua chè búp tươi của nông dân với giá bằng năm trước, hoạt động sản xuất vẫn được duy trì. Đối với sản phẩm chè tồn kho, công ty đã liên hệ với các đơn vị sản xuất nước giải khát, các doanh nghiệp trong nước, đồng thời chịu bán lỗ để có vốn tái sản xuất.

Còn tại Công ty Cổ phần Phong Hải, đơn vị vẫn thu mua chè búp tươi cho người dân như đã ký kết. Từ đầu năm đến nay, công ty đã thu mua 250 tấn chè tươi của người dân, tuy nhiên giá thu mua có phần giảm bởi không thể xuất bán sản phẩm chè khô để xoay vòng vốn. Để làm được điều này, công ty đã làm việc với các ngành chức năng, chính quyền địa phương trong việc tuyên truyền, giải thích và nhận được sự thông cảm, chung sức từ phía các hộ trồng chè. Bên cạnh việc nghe ngóng tình hình xuất khẩu chè, đơn vị cũng lên kế hoạch sản xuất chè nội tiêu trong tỉnh và trong nước. Với việc đầu tư một số hệ thống máy móc, công ty hy vọng cuối năm 2020 có thể đưa sản phẩm chè nội tiêu ra thị trường.

Hiện toàn tỉnh có gần 6.000 ha chè, trong đó khoảng 5.000 ha chè kinh doanh. Trồng chè đã mang lại hiệu quả kinh tế, thu nhập ổn định cho hàng nghìn hộ. Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, hoạt động xuất khẩu đang tạm thời đóng băng, các công ty sản xuất chè trên địa bàn tỉnh đang tồn kho gần 100 tấn chè khô. Vì vậy, các doanh nghiệp đều khó khăn về nguồn vốn thu mua chè búp tươi và duy trì sản xuất.

Ông Ngô Quyền, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết: Để ổn định sản xuất, chế biến, kinh doanh chè trên địa bàn tỉnh, ngành nông nghiệp xác định tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về lợi ích lâu dài của cây chè; vận động người dân chia sẻ và đồng hành với doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn nhằm duy trì vùng nguyên liệu bền vững, chăm sóc tốt diện tích chè hiện có và tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật…

Ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương cũng chủ động phối hợp với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chè trên địa bàn để kịp thời giải quyết, tháo gỡ khó khăn; xây dựng các phương án, giải pháp tiêu thụ sản phẩm chè thành phẩm trong giai đoạn hiện nay.

Kim Thoa - Quỳnh Trang

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/kinh-te/san-xuat-che-xoay-xo-vuot-kho-trong-mua-dich-z3n20200524073048157.htm