Sản xuất công nghiệp: Động lực tăng trưởng của kinh tế

Tăng trưởng kinh tế 9 tháng năm 2024 đạt 6,82%, cao hơn mức kỳ vọng trong bối cảnh 26 địa phương phía Bắc bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 vừa qua. Trong kết quả chung, sản xuất công nghiệp đã phát huy tốt vai trò động lực tăng trưởng cho nền kinh tế; đặc biệt là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo...

Trong 9 tháng năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp của một số ngành sản xuất trọng điểm tăng cao so với cùng kỳ năm trước.

Trong 9 tháng năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp của một số ngành sản xuất trọng điểm tăng cao so với cùng kỳ năm trước.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong quý 3/2024, tốc độ tăng giá trị tăng thêm ngành công nghiệp ước đạt 9,59% so với quý 3/2023. Tính chung 9 tháng năm 2024, giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp tăng 8,34% so với cùng kỳ năm trước.

60/63 ĐỊA PHƯƠNG CÓ CHỈ SỐ SẢN XUẤT TĂNG

Trong mức tăng trưởng chung, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,76% (quý 1 tăng 7,21%; quý 2 tăng 10,39%; quý 3 tăng 11,41%), đóng góp 2,44 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Ngành sản xuất và phân phối điện tăng 11,11%, đóng góp 0,43 điểm phần trăm. Ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 9,83%, đóng góp 0,06 điểm phần trăm. Riêng ngành khai khoáng sản giảm 7,01%, làm giảm 0,22 điểm phần trăm trong mức tăng chung.

Báo cáo của Tổng cục Thống kê cũng ghi nhận, chỉ số sản xuất công nghiệp 9 tháng năm 2024 của một số ngành sản xuất trọng điểm thuộc ngành công nghiệp cấp II tăng cao so với cùng kỳ năm trước, gồm: sản phẩm từ cao su và plastic tăng 28,8%; giường, tủ, bàn, ghế tăng 24,7%; than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 18,8%; hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 16,9%; xe có động cơ tăng 13,0%; dệt tăng 12,8%; kim loại tăng 12,3%; sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 12,0%; da và các sản phẩm có liên quan tăng 11,6%; sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 9,1%; chế biến thực phẩm tăng 7,8%.

Tốc độ tăng giá trị tăng thêm ngành công nghiệp 9 tháng các năm từ 2020 - 2024.

Tốc độ tăng giá trị tăng thêm ngành công nghiệp 9 tháng các năm từ 2020 - 2024.

Đáng chú ý, sản xuất công nghiệp còn tăng trên diện rộng, khi chỉ số sản xuất công nghiệp tăng ở 60/63 địa phương trong 9 tháng năm 2024. Đặc biệt, một số địa phương có chỉ số sản xuất công nghiệp đạt mức tăng khá cao do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng, gồm: Lai Châu tăng 47,0%; Phú Thọ tăng 40,3%; Bắc Giang tăng 28,2%; Thanh Hóa tăng 20,0%; Bình Phước tăng 17,5%. Địa phương có chỉ số của ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao: Khánh Hòa tăng 196,0%; Trà Vinh tăng 54,1%; Điện Biên tăng 46,8%; Cao Bằng tăng 46,2%...

Một tín hiệu tích cực nữa, đó là chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 9 tháng năm 2024 tăng 12,5% so với cùng kỳ năm 2023 (cùng kỳ năm 2023 tăng 0,6%). Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính tại thời điểm 30/9/2024 tăng 5,2% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 8,5% so với cùng thời điểm năm 2023 (cùng thời điểm năm 2023 tăng 19,4%). Tỷ lệ tồn kho toàn ngành chế biến, chế tạo bình quân 9 tháng năm 2024 là 76,8% (bình quân 9 tháng năm 2023 là 85,3%). Điều này cho thấy những tín hiệu tích cực trong phục hồi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Đánh giá về kết quả sản xuất công nghiệp 9 tháng năm 2024, Tổng cục Thống kê cho rằng có được mức tăng này, một phần do thị trường xuất khẩu trên đà khởi sắc, các nhà sản xuất nhận thêm nhiều đơn hàng mới cho những tháng cuối năm. Đáng chú ý, một số nhóm ngành sản xuất định hướng xuất khẩu tăng cao, như dệt may, da giày đã tận dụng hiệu quả các lợi thế từ thị trường nước ngoài như: bất ổn ở Bangladesh (quốc gia lớn thứ 2 thế giới trong ngành dệt, may, da giày), rất nhiều đơn hàng của Bangladesh đã được chuyển sang cho các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất. Đồng thời, các doanh nghiệp điện, điện tử cũng tăng khối lượng sản xuất do có nhiều đơn hàng xuất khẩu.

Các doanh nghiệp ngành dệt may đã tận dụng hiệu quả các lợi thế từ thị trường bên ngoài.

Các doanh nghiệp ngành dệt may đã tận dụng hiệu quả các lợi thế từ thị trường bên ngoài.

Một số nhóm ngành sản xuất phục vụ nhu cầu trong nước như xăng, dầu tăng cao; ngành sản xuất hóa chất có thêm tổ hợp hóa dầu tại Bà Rịa - Vũng Tàu đã đi vào sản xuất từ cuối năm 2023 và chính thức vận hành thương mại trong quý 3/2024, sản lượng sản xuất quý 3 tăng cao so với cùng kỳ. Các doanh nghiệp sản xuất ô tô tăng mạnh khối lượng sản xuất để tận dụng tốt lợi thế từ Nghị định 109/2024/NĐ-CP giảm 50% thuế trước bạ cho xe lắp ráp trong nước có hiệu lực từ ngày 1/9/2024 để chuẩn bị hàng tiêu thụ cho các tháng tới. Ngoài ra, các doanh nghiệp sản xuất giường, tủ, bàn ghế cũng tăng khối lượng sản xuất do có thêm nhiều đơn hàng xuất khẩu.

XU HƯỚNG KINH DOANH ĐƯỢC CẢI THIỆN RÕ NÉT

Trong kết quả chung của toàn ngành công nghiệp 9 tháng năm 2024, lĩnh vực chế biến, chế tạo tiếp tục giữ vị trí dẫn đầu về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Cụ thể, tính đến ngày 30/9/2024, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được cấp phép mới đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất với số vốn đăng ký đạt 9,02 tỷ USD, chiếm 66,6% tổng vốn đăng ký cấp mới. Nếu tính cả vốn đăng ký mới và vốn đăng ký điều chỉnh của các dự án đã cấp phép từ các năm trước thì vốn FDI đăng ký vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 14,98 tỷ USD, chiếm 70,7% tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm.

Một điểm tích cực nữa là xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp đã được cải thiện rõ nét hơn. Theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý 3/2024 vừa được Tổng cục Thống kê công bố, có 34,7% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh tốt hơn so với quý 2/2024; 42,6% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định và 22,7% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn.

Ngành chế biến, chế tạo tiếp tục giữ vị trí dẫn đầu về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Ngành chế biến, chế tạo tiếp tục giữ vị trí dẫn đầu về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Dự kiến quý 4/2024, có 42,2% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên so với quý 3/2024; 40,4% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định và 17,4% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn. Trong đó, khu vực doanh nghiệp FDI lạc quan nhất với 84,8% số doanh nghiệp dự báo tình hình sản xuất kinh doanh quý 4/2024 tốt hơn và giữ ổn định so với quý 3/2024; tỷ lệ này ở khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước và khu vực doanh nghiệp nhà nước lần lượt là 81,7% và 81,1%.

Về khối lượng sản xuất, có 36,9% số doanh nghiệp đánh giá khối lượng sản xuất của doanh nghiệp quý 3/2024 tăng so với quý 2/2024; 41,0% số doanh nghiệp cho rằng ổn định và 22,1% số doanh nghiệp đánh giá khối lượng sản xuất giảm. Về xu hướng quý 4/2024 so với quý 3/2024, có 41,8% số doanh nghiệp dự báo khối lượng sản xuất tăng; 41,8% số doanh nghiệp dự báo ổn định và 16,4% số doanh nghiệp dự báo giảm.

Về đơn đặt hàng, có 33,3% số doanh nghiệp có đơn đặt hàng quý 3/2024 cao hơn quý 2/2024; 44,1% số doanh nghiệp có số đơn đặt hàng ổn định và 22,6% số doanh nghiệp có đơn đặt hàng giảm . Về xu hướng quý 4/2024 so với quý 3/2024, có 40,5% số doanh nghiệp dự kiến có đơn hàng tăng; 43,3% số doanh nghiệp dự kiến có đơn hàng ổn định và 16,2% số doanh nghiệp dự kiến đơn hàng giảm.

Về đơn đặt hàng xuất khẩu, quý 3/2024 so với quý 2/2024, có 29,8% số doanh nghiệp khẳng định số đơn hàng xuất khẩu mới cao hơn; 48,0% số doanh nghiệp có đơn hàng xuất khẩu mới ổn định và 22,2% số doanh nghiệp có đơn hàng xuất khẩu mới giảm. Xu hướng quý 4/2024 so với quý 3/2024, có 36,0% số doanh nghiệp dự kiến tăng đơn hàng xuất khẩu mới; 47,6% số doanh nghiệp dự kiến ổn định và 16,4% số doanh nghiệp dự kiến giảm.

Từ kết quả trên, cho thấy ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 9 tháng năm 2024 vẫn có sự tăng trưởng mạnh mẽ, tiếp tục thể hiện rõ vai trò là động lực chính cho tăng trưởng của nền kinh tế và động lực này sẽ còn duy trì và phát huy trong quý 4/2024.

TIẾP TỤC CÁC GIẢI PHÁP THÚC ĐẨY SẢN XUẤT

Trong báo cáo về Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam 9 tháng năm 2024 do S&P Global (Nhà cung cấp hàng đầu các chỉ số và nguồn dữ liệu xếp hạng tín dụng độc lập) công bố vào đầu tháng 10/2024 chỉ rõ, PMI ngành sản xuất Việt Nam đã giảm từ 52,4 điểm trong tháng 8 xuống còn 47,3 điểm trong tháng 9.

Nguyên nhân là do bão số 3 đã có ảnh hưởng nặng nề đến ngành sản xuất của Việt Nam trong đầu tháng 9/2024 dẫn đến đóng cửa hoạt động kinh doanh tạm thời và sự chậm trễ ở các dây chuyền sản xuất và chuỗi cung ứng. Kết quả là, sản lượng, số lượng đơn đặt hàng mới, hoạt động mua hàng và tồn kho hàng hóa đầu vào đều giảm. Tuy nhiên, sự gián đoạn chỉ là tạm thời và các nhà sản xuất vẫn lạc quan rằng sản lượng sẽ tăng trong năm tới. Trên thực tế, tâm lý kinh doanh đã tăng lên mức cao của ba tháng khi các công ty tin tưởng rằng nhu cầu sẽ mạnh lên.

Các nhà sản xuất vẫn lạc quan rằng sản lượng sẽ tăng trong năm tới.

Các nhà sản xuất vẫn lạc quan rằng sản lượng sẽ tăng trong năm tới.

Báo cáo mới đây của Bộ Công Thương cũng cho thấy, từ đầu năm 2024 đến nay, sản xuất công nghiệp đã phục hồi mạnh mẽ so với năm 2023 và đang có đà tăng trưởng tiếp tục duy trì xu hướng tích cực. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đã trở lại và đóng vai trò dẫn dắt tăng trưởng. Sản xuất công nghiệp cơ bản tăng trưởng trên diện rộng ở hầu hết các địa phương trên cả nước, đặc biệt là các địa phương đóng vai trò trọng điểm trong phát triển công nghiệp.

Năng lực sản xuất của các doanh nghiệp công nghiệp trong nước đã khôi phục rất tích cực và sẵn sàng để tận dụng những cơ hội thị trường mới trong thời gian tới. Niềm tin của các doanh nghiệp sản xuất trong nước, cũng như các doanh nghiệp nước ngoài được củng cố mạnh mẽ nhờ những tín hiệu tích cực trong tăng trưởng sản xuất công nghiệp các tháng đầu năm 2024...

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 42-2024 phát hành ngày 14/10/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Mạnh Đức

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/san-xuat-cong-nghiep-dong-luc-tang-truong-cua-kinh-te.htm