Sản xuất công nghiệp Thanh Hóa tăng trưởng mạnh

Trong tháng 8, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa tiếp tục nỗ lực duy trì hoạt động sản xuất, tích cực khắc phục khó khăn về nguyên liệu đầu vào, tìm kiếm, mở rộng thị trường đầu ra. Từ đó giúp sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh này tăng trưởng mạnh.

Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn

Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn

Mới đây, UBND tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức phiên họp thường kỳ tháng 8/2024, theo thông tin tại phiên họp, tình hình kinh tế tháng 8 của tỉnh Thanh Hóa tiếp tục phát triển trên hầu hết các lĩnh vực, trong đó nổi bật là: Sản xuất nông nghiệp tiếp tục ổn định, diện tích gieo trồng sản xuất vụ mùa vượt kế hoạch đề ra, không có dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi. Trong tháng, toàn tỉnh đã trồng mới được 500 ha rừng tập trung và 100 nghìn cây phân tán; sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản tháng 8 ước đạt 18,9 nghìn tấn, tăng 2,1% so với cùng kỳ.

Lĩnh vực công nghiệp của tỉnh này tiếp tục khởi sắc, là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 8 tăng 4,1% so với tháng trước và tăng 25,5% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, công nghiệp khai khoáng tăng 11,72%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 26,21%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước, điều hòa không khí tăng 18,52%; hoạt động cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải tăng 5,42%. Tính chung 8 tháng năm 2024, Chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh Thanh Hóa tăng 17,5% so với cùng kỳ năm 2023.

Trong tháng 8, 17/19 sản phẩm công nghiệp chủ yếu của Thanh Hóa có sản lượng tăng so với cùng kỳ, trong đó có một số sản phẩm tăng mạnh, như: Xăng động cơ tăng 97,4%; Benzen tăng 86,9%; thuốc lá tăng 71,7%; lưu huỳnh rắn tăng 55,2%; sáp Parafin tăng 46,1%; dầu nhiên liệu tăng 43,7%; sắt, thép các loại tăng 42,6%; giày thể thao tăng 28%; quần áo may sẵn tăng 26,1%... Tuy nhiên, các sản phẩm Bia tiếp tục gặp khó khăn trong tiêu thụ, sản lượng giảm 12,2% so với tháng trước và giảm 8,8% so với cùng kỳ. Các sản phẩm tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề nông thôn duy trì sản xuất ổn định; chất lượng, mẫu mã các sản phẩm OCOP ngày càng được chú trọng.

Tình hình cấp điện cơ bản ổn định, đảm bảo phục vụ sản xuất và sinh hoạt của Nhân dân. Sản lượng điện sản xuất trong tháng ước đạt 1,106 tỉ KWh, tăng 16,3%; điện thương phẩm ước đạt 993 triệu KWh, tăng 25,1% so với cùng kỳ.

Cùng với đó các lĩnh vực khác của Thanh Hóa cũng duy trì đà tăng trưởng tốt, như tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 17,3%, giá trị xuất khẩu tăng 26,8%, vận chuyển hàng hóa tăng 19,4%, vận chuyển hành khách tăng 18,8%, doanh thu vận tải tăng 14%.

Ông Nguyễn Trọng Trang, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Thanh Hóa, báo cáo tại phiên họp.

Ông Nguyễn Trọng Trang, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Thanh Hóa, báo cáo tại phiên họp.

Tiếp đến, đối với hoạt động du lịch tại tỉnh này diễn ra sôi động, Thanh Hóa tiếp tục là một trong những địa phương nằm trong nhóm dẫn đầu của cả nước về thu hút khách du lịch, với tổng lượt khách du lịch tháng 8 ước đạt 1,12 triệu lượt khách, tăng 21,5% so với cùng kỳ; tổng thu du lịch ước đạt 2.872 tỷ đồng, tăng 32,2%.

Thu ngân sách nhà nước tháng 8 của Thanh Hóa ước đạt 4.065 tỷ đồng, tăng 63,1% so với cùng kỳ; lũy kế 8 tháng năm 2024, thu ngân sách Nhà nước ước đạt 37.939 tỷ đồng, vượt 6,7% so với dự toán và tăng 43% so với cùng kỳ.

Công tác giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công được các đơn vị, địa phương tại Thanh Hóa quyết liệt chỉ đạo thực hiện, trọng tâm là tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tạo điều kiện thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công. Tính đến ngày 18/8/2024, giá trị giải ngân vốn đầu tư công đạt 7.208,3 tỷ đồng, bằng 54,2% kế hoạch, cao hơn 8,5% so với cùng kỳ.

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn phát biểu tại phiên họp.

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn phát biểu tại phiên họp.

Tại phiên họp, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn nhấn mạnh, tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 của tỉnh đã có nhiều khởi sắc, đó là kết quả của sự chỉ đạo điều hành đúng hướng của các thành viên UBND tỉnh. Tuy nhiên bên cạnh đó, còn có một số vấn đề phát sinh, như: Tình hình dịch bệnh Bạch Hầu đã xuất hiện trên địa bàn tỉnh, tình trạng thiếu trách nhiệm trong xử lý công việc của một bộ phận cán bộ, công chức vẫn diễn ra ở một số sở, ngành của tỉnh; tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của một số huyện, chủ đầu tư còn thấp so với tỷ lệ giải ngân chung của tỉnh; tai nạn giao thông tăng cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương…

Ông Tuấn yêu cầu các ngành Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính rà soát lại tình hình giải ngân vốn đầu tư công tại một số địa phương; cần mạnh tay trong việc điều chuyển vốn đầu tư công giữa các địa phương, kiên quyết không để xảy ra tình trạng chậm giải ngân, ảnh hưởng đến toàn tỉnh trong việc giải ngân vốn đầu tư công. Các sở, ngành tiếp tục rà soát lại các văn bản tham mưu của ngành, xem xét có văn bản còn trái quy định, chưa hợp lệ để kịp thời chấn chỉnh, khắc phục.

Nguyễn Thuấn - Thiên Anh

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/san-xuat-cong-nghiep-thanh-hoa-tang-truong-manh.htm