Sản xuất công nghiệp vượt khó về đích
Chế biến hạt điều xuất khẩu tại một doanh nghiệp ở Phú Yên. Ảnh: LÊ HẢO
9 tháng đầu năm nay, do tác động của dịch bệnh COVID-19, sản xuất công nghiệp có những ảnh hưởng nhất định. Sở Công thương với vai trò là Thường trực Ban chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 (BCĐ 919) đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó, khôi phục sản xuất.
Trao đổi với Báo Phú Yên xung quanh vấn đề nói trên, ông Trần Văn Tân, Giám đốc Sở Công thương cho biết:
- Từ đầu năm đến nay, tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp ở trong nước và bùng phát mạnh ở nhiều nước trên thế giới đã tác động lớn đến tình hình sản xuất của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu. Đến nay, mặc dù tình hình dịch bệnh trong nước đã được kiểm soát tốt, nhưng diễn biến dịch bệnh trên thế giới vẫn rất phức tạp; ảnh hưởng nhiều đến hoạt động sản xuất, xuất khẩu của các doanh nghiệp.
Ngoài hỗ trợ sản xuất, Sở Công thương cũng liên tục cập nhật thông tin về sản phẩm hàng hóa xuất khẩu của tỉnh; tình hình thị trường hàng hóa thế giới; cập nhật các thay đổi về chính sách, cơ chế quản lý xuất nhập khẩu hoặc những thông tin bất lợi đối với sản phẩm hàng hóa của tỉnh tại các thị trường nhằm chủ động phối hợp, ngăn ngừa, giải quyết sớm các vụ việc phát sinh và đẩy mạnh xuất khẩu.
* Ông đánh giá như thế nào về tình hình sản xuất cũng như giải pháp của các doanh nghiệp để vượt qua giai đoạn khó khăn này?
- Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, các doanh nghiệp đã chủ động đưa ra giải pháp phù hợp để vừa đảm bảo phòng chống dịch bệnh hiệu quả, vừa nỗ lực duy trì sản xuất, đảm bảo thu nhập cho người lao động. Tiêu biểu như Công ty CP An Hưng, Công ty CP Đầu tư Phong Phú - Phú Yên đã nhanh chóng chuyển sang sản xuất khẩu trang kháng khuẩn, áo khoác y tế phục vụ phòng chống dịch; các doanh nghiệp chế biến nhân hạt điều thực hiện thủ tục xuất khẩu tại kho ngoại quan; các doanh nghiệp chế biến thủy sản đẩy mạnh tiêu thụ trong nước và tiếp tục tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới… Các doanh nghiệp ít bị ảnh hưởng của dịch bệnh như đồ gỗ, linh kiện điện tử, kính, thuốc chữa bệnh… cũng cố gắng đẩy mạnh sản xuất để phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp còn tập trung đầu tư và đưa các dự án mới vào hoạt động, góp phần tăng thêm năng lực sản xuất và giá trị gia tăng của ngành Công nghiệp tỉnh. Qua đó có thể thấy rằng trong bối cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhưng các doanh nghiệp rất quyết tâm vượt qua khó khăn và có những giải pháp phù hợp, kịp thời để ổn định, phát triển sản xuất.
* Ngành Công thương có những giải pháp gì để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thưa ông?
- Trước khó khăn của các doanh nghiệp, Sở Công thương đã tham mưu UBND tỉnh thành lập BCĐ 919; công bố số điện thoại và hộp thư điện tử tiếp nhận thông tin của BCĐ 919; tổng hợp tình hình hỗ trợ tháo gỡ khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh để đề xuất, kiến nghị các bộ, ngành Trung ương, UBND tỉnh có biện pháp tháo gỡ kịp thời.
Cụ thể, Sở Công thương kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tạo điều kiện thuận lợi trong việc vận chuyển nguyên liệu, hàng hóa cho Công ty CP Bia Sài Gòn miền Trung; yêu cầu Công ty Điện lực Phú Yên hỗ trợ các doanh nghiệp không phạt vi phạm hợp đồng sử dụng điện và hỗ trợ tiền điện cho doanh nghiệp trong các tháng ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19; hỗ trợ các doanh nghiệp có nhu cầu đầu tư, nâng công suất trạm biến áp phục vụ sản xuất; thông tin đến doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn tham gia chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp… Trong thời gian này, ngành Công thương cũng tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất; xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, đẩy mạnh xuất khẩu, hội nhập kinh tế quốc tế, để sẵn sàng khôi phục sản xuất sau khi dịch bệnh được kiểm soát.
Ngoài ra, với vai trò là Thường trực BCĐ 919, Sở Công thương đã đôn đốc các sở, ngành kịp thời nắm bắt, giải quyết những vướng mắc phát sinh cho doanh nghiệp nhằm thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ kép “vừa ưu tiên phòng chống dịch, vừa duy trì phát triển sản xuất kinh doanh”.
* Bên cạnh những khó khăn chung, sản xuất công nghiệp trong 9 tháng đầu năm có những điểm sáng nào, thưa ông?
- Trong 9 tháng đầu năm, Phú Yên có 5 dự án mới được đưa vào hoạt động, gồm: nhà máy sản xuất viên nén với công suất 20.000 tấn/năm của Công ty TNHH Đông Nam Phú Yên, nhà máy sản xuất viên nén và chế biến gỗ với công suất 15.000 tấn/năm và 2.100m3 ván lạng/năm của Công ty TNHH Bảo Long Phú Yên, nhà máy sản xuất dược phẩm của Công ty CP PYMEPHARCO với công suất 1,2 tỉ viên/năm; nhà máy chế biến thủy sản đóng hộp công suất 1.500 tấn sản phẩm/năm của Công ty TNHH Nguyễn Hưng; nhà máy chế biến hạt điều công suất 20.000 tấn điều thô/năm của Công ty TNHH Long Sơn - Tuy Hòa.
Các dự án mới đi vào hoạt động đã góp phần tăng năng lực sản xuất của toàn ngành. Nhờ vậy, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, ngành Công nghiệp vẫn có sự tăng trưởng nhất định. Chỉ số sản xuất công nghiệp 9 tháng tăng 6,3%; giá trị sản xuất công nghiệp tăng 4,1% và kim ngạch xuất khẩu tăng 5,7% so với cùng kỳ năm 2019.
* Ngành Công thương sẽ tập trung vào những giải pháp gì để hoàn thành kế hoạch sản xuất năm 2020?
- Trong thời gian còn lại của năm, ngành Công thương tiếp tục bám sát kịch bản tăng trưởng để tổ chức điều hành; tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp, dự án mới đi vào hoạt động và phát huy năng lực sản xuất; tiếp tục phối hợp với các ngành rà soát lại các sản phẩm có lợi thế, đóng góp lớn cho tăng trưởng để động viên doanh nghiệp sản xuất với mức cao nhất, tăng sản lượng, bù đắp các sản phẩm yếu thế; hướng dẫn và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sử dụng nguyên liệu nhập khẩu nhanh chóng tiếp cận nguồn nguyên liệu từ các thị trường ít bị ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Đơn vị cũng thường xuyên nắm bắt tình hình hoạt động để kịp thời tháo gỡ khó khăn, giúp doanh nghiệp ổn định và đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, góp phần tăng giá trị gia tăng cho ngành Công nghiệp. Phối hợp với các cấp, ngành xúc tiến thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước, đồng thời đảm bảo tốt nhất các điều kiện cho sản xuất công nghiệp phát triển như vùng nguyên liệu tập trung, các thủ tục đăng ký hợp quy sản phẩm, công tác giải phóng mặt bằng để đưa các dự án mới đi vào hoạt động…
Sở Công thương cũng đôn đốc các thành viên BCĐ 919 tích cực hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các chính sách hỗ trợ sau ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. Bên cạnh đó, sở sẽ rà soát lại tiến độ, tăng cường hỗ trợ và tạo điều kiện để các dự án đầu tư trong ngành được triển khai thuận lợi.
* Xin cảm ơn ông!
NGÔ XUÂN (thực hiện)
Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/82/248068/san-xuat-cong-nghiep-vuot-kho-ve-dich.html