Sản xuất dược liệu: tiềm năng kinh tế cao nhưng vẫn khó 'đầu ra'
Hiện nay, các cơ sở trồng cây dược liệu tại một số tỉnh, thành phố gặp khó về nguồn tiêu thụ khi chưa có nhiều đơn vị thu mua, chủ yếu bán thô cho các thương lái buôn bán nhỏ lẻ và thường không ổn định.
Diện tích trồng manh mún
Theo Tiến sĩ Hà Thị Loan, Trung tâm Công nghệ Sinh học TPHCM, với hơn 5.100 loài cây dược liệu có công dụng làm thuốc, Việt Nam có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển dược liệu trở thành một ngành kinh tế. Bởi tổng giá trị thị trường sản phẩm từ thảo dược toàn cầu ước khoảng 200 tỉ đô la Mỹ mỗi năm.
Tuy nhiên, hiện ước tính xuất khẩu dược liệu của nước ta chỉ mới đạt khoảng 400 triệu đô la Mỹ/năm và dừng lại ở quế, hồi và thảo quả là chủ yếu. Trong số hàng chục nghìn tấn dược liệu sử dụng mỗi năm, nước ta chỉ đáp ứng được khoảng 20%, còn lại là phải nhập khẩu. Theo đó, hàng năm thu hoạch được 10.000 tấn dược liệu nhưng vẫn phải nhập khẩu 40.000 tấn và chủ yếu nhập từ Trung Quốc khoảng 80%.
Như vậy, dù có nhiều lợi thế và tiềm năng phát triển nhưng kinh tế dược liệu vẫn chưa được khai thác đúng với tiềm năng vốn có. Nguyên nhân là do thiếu liên kết vùng, liên kết chuỗi giá trị; diện tích trồng manh mún, quy mô nhỏ do các hộ trồng gặp khó khăn khi tìm thị trường tiêu thụ cho cây dược liệu. Cùng với đó, hạn chế trong đầu tư ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nên các sản phẩm thiếu tính cạnh tranh, bà Loan chia sẻ với KTSG Online.
Với hơn 7 năm theo đuổi trồng cây dược liệu (sâm bố chính, sâm đương quy, cát cánh…), bà Trần Thị Lành, thành viên Hợp tác xã An Phúc Khang (tỉnh Đắk Nông) cho biết, việc tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm dược liệu và để cây dược liệu “đứng vững” trên thị trường hiện đang là bài toán nan giải.
Khi mới bước vào ngành dược liệu, bà Lành bắt đầu trồng cây sâm đương quy tại Đắk Nông. Tuy nhiên, sau khi trồng, cơ sở của bà gặp khó khăn về đầu ra. “Trồng 10 tấn sản lượng nhưng chỉ thu mua 2-3 tấn nên tôi không dám trồng tiếp. Sau đó, tôi chuyển sang sâm bố chính, nhưng tiếp tục đầu ra không ổn định. Theo đó, dù có nhiều công ty ký kết biên bản ghi nhớ để trồng nhưng đến lúc thu hoạch, công ty không đủ cơ sở để bao tiêu”, chị Lành chia sẻ và cho biết nếu được hỗ trợ đầu ra, với một hécta đất, người dân có thể trồng và thu được từ 400-500 triệu đồng/năm.
Không chỉ bà Lành, nhiều cơ sở ở các tỉnh khác cũng gặp khó khi tìm đầu ra cho cây dược liệu. Bà Phạm Thị Mỹ Nhung, chủ hộ một kinh doanh sâm ngọc linh tại Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam) cho biết, dù nơi đây có điều kiện thổ nhưỡng phù hợp để trồng và phát triển dược liệu nhưng người dân chưa mạnh dạn đầu tư do lo ngại về vấn đề tiêu thụ sản phẩm.
Cây dược liệu sản xuất ra chưa có đơn vị thu mua, chủ yếu bán thô cho các thương lái buôn bán nhỏ lẻ và thường không ổn định. Do đó, người trồng phải đắn đo rất nhiều khi muốn đầu tư mở rộng diện tích.
Ngoài ra, do chưa nắm vững kỹ thuật nên các hộ trồng sản xuất vẫn chưa chế biến để tạo mẫu mã đẹp. “Dù trồng cho ra năng suất rất tốt nhưng để tạo ra được sản phẩm sạch, khi sấy cho ra màu trắng (không bị ố vàng hoặc đen)… là một trong những khó khăn trong quá trình tạo ra sản phẩm”, bà Lành cho biết thêm.
Đẩy mạnh quảng bá, đầu tư nghiên cứu khoa học
Trước những khó khăn về đầu ra của cây dược liệu, Tiến sĩ Lê Thị Hồng Vân, nhà nghiên cứu sâm Việt Nam; kiêm giảng viên Khoa Dược, Trường Đại học Y dược TPHCM cho rằng cần có những tiêu chuẩn cụ thể về cho từng loại dược liệu. Bởi hiện nay, phần lớn việc thu mua dược liệu còn mang tính trôi nổi, chưa có quy hoạch trồng, thu hái và sơ chế một cách bài bản.
Cùng một giống dược liệu nhưng kỹ thuật và nơi trồng khác nhau sẽ cho chất lượng dược liệu khác biệt. Chẳng hạn như dù dược liệu tốt nhưng đất trồng không tốt, nguồn nước tưới bị ô nhiễm (nhiễm các kim loại nặng như đồng, chì, mangan…) nên dược liệu tốt có thể bị nhiễm chất độc. Ngoài ra, nếu đất nghèo chất dinh dưỡng sẽ làm cho hoạt chất trong dược liệu cũng bị nghèo theo. Chất lượng đồng đều có thể góp phần giúp đầu ra cây dược liệu được đảm bảo hơn, đơn vị thu mua không còn lo ngại về vấn đề này.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Lư Nguyễn Xuân Vũ, Tổng giám đốc Công ty cổ phần tập đoàn Xuân Nguyên(chuyên về sản phẩm dược liệu) cho biết, Việt Nam chỉ được biết đến là thị trường chuyên cung cấp các dòng nguyên liệu thô về nghệ, linh chi, đông trùng hạ thảo, sâm… Trong những năm qua, dù công ty đã xuất khẩu sản phẩm chế biến sâu nhưng sản lượng không đạt như mong muốn. Một trong những nguyên nhân đó là còn một số tỷ lệ cây dược liệu không đạt tiêu chuẩn chất lượng theo quy định.
Ngoài ra, thương hiệu dược liệu của Việt Nam vẫn chưa được biết đến rộng rãi, tin tưởng vào chất lượng. Một ví dụ điển hình là sản phẩm mật ong nhân sâm, người tiêu dùng vẫn tìm mua sản phẩm nhập khẩu từ Hàn Quốc để sử dụng dù nhiều sản phẩm Việt không thua kém về chất lượng. Đặc biệt, “giá bán ra một sản phẩm mật ong nhân sâm tại Việt Nam chỉ bằng 35-40% so với sản phẩm nhập khẩu nhưng vẫn khó tiêu thụ. Đây là khó khăn cho doanh nghiệp phát triển các sản phẩm về dược liệu nói chung”, ông Vũ nói.
Tại một số nước trên thế giới, ngành dược liệu được Chính phủ đầu tư rất mạnh. Ở Hàn Quốc, các cơ sở sản xuất được hỗ trợ đầu ra, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, quảng bá hình ảnh để thuận lợi cho xuất khẩu sang nhiều nước khác nhau. Theo đó, Hàn Quốc có hơn 700 bài báo khoa học về cây sâm. Mỗi bài báo này là cả một công trình nghiên cứu khoa học với số liệu minh chứng rõ ràng. Dựa vào các công trình nghiên cứu hữu ích này, họ từng bước đề ra chiến lược phát triển một cách bài bản cho cây sâm, cũng như các sản phẩm từ sâm, ông Vũ chia sẻ thêm.
Vì vậy, để tạo ra được sản phẩm dược liệu mang tính thương mại cao, các chuyên gia và doanh nghiệp sản xuất đều cho rằng cơ quan chức năng cần đẩy mạnh quảng bá hình ảnh và đầu tư nghiên cứu khoa học từng loại dược liệu. Bởi so với các loài sâm trên thế giới, các nghiên cứu về thành phần hoạt tính và tác dụng dược lý của sâm Việt Nam còn khá hạn chế.
Theo Bộ Y tế, dựa vào Quyết định 1976 về Quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, Việt Nam sẽ có 8 vùng trồng nguyên liệu trên cả nước để trồng 54 loài dược liệu, lựa chọn và khai thác hợp lý 24 loài dược liệu tự nhiên. Đây sẽ là tiền đề để quy hoạch và phát triển nguồn dược liệu nước ta trong thời gian tới đáp ứng nhu cầu sản xuất trong nước.