Sản xuất giống cây trồng cần chiến lược căn cơ

Hạt giống có vai trò quan trọng quyết định năng suất, chất lượng cây trồng, nhất là trong điều kiện diện tích đất nông nghiệp giảm dần, biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt như hiện nay. Vì vậy, rất cần một chiến lược căn cơ cho vấn đề này.

Việt Nam hiện đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu gạo nhưng lượng hạt giống lúa lai đang phải nhập khẩu trên 70%. Ngoài cây lúa, lượng giống cho nhiều cây trồng khác cũng gặp tình cảnh tương tự. Do đó, chúng ta cần có chiến lược lâu bền về giống để giữ vững và phát triển thành quả ngành Nông nghiệp đã đạt được.

Vấn đề giống cây trồng còn nhiều bất cập

Ông Nguyễn Trí Ngọc, Cục trưởng Cục trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho biết, công tác sản xuất giống cây trồng của nước ta chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất đại trà. Những giống tốt, có năng suất, chất lượng cao vẫn còn thiếu. Ngoài cây lúa, khoảng 80 – 85% hạt giống lai, giống xác nhận của một số loại rau chủ lực như cà chua, dưa chuột, dưa hấu, đậu Hà Lan vẫn phải nhập khẩu.

Tỷ lệ sử dụng giống xác nhận ở một số cây trồng chủ lực khác cũng thấp, như cây ăn quả, mía, dứa, chè mới chỉ đạt 45%; lạc, đậu tương, cà phê 60%...

Ngay cả giống cỏ để phục vụ chăn nuôi gia súc, chế biến thức ăn chăn nuôi cũng thiếu. Cả nước có hơn 35.600ha diện tích đất cỏ tự nhiên, năng suất mới đạt 20 tấn/ha/năm và 200.000ha diện tích trồng cỏ thâm canh nhưng mới đáp ứng 10% nhu cầu thức ăn thô xanh cho gia súc. Những giống cỏ chất lượng cao hầu hết phải nhập từ nước ngoài…

Trong 5 năm (2006 – 2010), Bộ NN&PTNT đã phê duyệt 19 dự án sản xuất giống cây trồng, đến nay, 16 dự án đã hoàn thành và hoàn thiện được 120 quy trình công nghệ nhân giống lúa, ngô, chè, rau, cây ăn quả… Tuy nhiên, theo ông Phạm Đồng Quảng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, công nghệ sản xuất giống của chúng ta vẫn còn hạn chế, chất lượng của một số lô giống chưa phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Bùi Bá Bổng cho biết, 10 năm nay chúng ta vẫn chỉ nghiêng về nghiên cứu, hơn nữa các đơn vị thực hiện dự án sử dụng quá nhiều đồng vốn vào xây dựng cơ bản, mô hình trình diễn… mà xem nhẹ việc nhân giống, đưa vào sản xuất đại trà. Do đó, sản lượng giống sản xuất trong nước chưa đáp ứng được yêu cầu.

Lấp lỗ hổng quản lý và xây dựng chiến lược sản phẩm quốc gia

Ước tính hàng năm lĩnh vực trồng trọt cần khoảng 1 triệu tấn hạt giống cây trồng các loại. Tuy nhiên, do năng lực sản xuất giống và quản lý còn hạn chế nên có tình trạng nhiều giống chưa được khảo nghiệm đã đưa vào sản xuất đại trà.

PGS.TS Nguyễn Trí Hoàn, Viện trưởng Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm lấy ví dụ, giống lúa PC 10 của Viện khi đưa vào miền Nam thì một số đơn vị đã chọn ra 1 dòng khác chưa được công nhận đem kinh doanh, hoặc gần đây, tại một số tỉnh Tây Bắc, cây cao su mặc dù chưa được khảo nghiệm, đánh giá kỹ lưỡng đã được đưa về trồng ồ ạt đã khiến cho không ít người lo ngại.

Theo GS.VS Trần Đình Long, Chủ tịch Hội Giống cây trồng Việt Nam, nước ta vẫn chưa xây dựng được một chiến lược dài hơi cho phát triển giống cây trồng. Do đó, Nhà nước cần xây dựng chiến lược tổng thể và đồng bộ phát triển giống cây trồng, trong đó nên lựa chọn một số giống cây chủ lực để phát triển thương hiệu.

Ngoài ra, trong chiến lược phát triển hạt giống, việc xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị nghiên cứu, đội ngũ cán bộ làm công tác chọn tạo giống hệ thống kiểm tra, giám sát, quản lý giống cây trồng… phải được quan tâm đúng mức.

PGS.TS Trần Thị Trâm (Đại học Nông nghiệp I) cho rằng, Nhà nước cần thay đổi phương thức quản lý nghiên cứu khoa học của các bộ một cách toàn diện, triệt để, khuyến khích các giống mới (gồm cả dòng bố mẹ và giống lai) được nghiên cứu chọn tạo trong nước có giá trị phục vụ sản xuất. Việc cấp kinh phí nên làm theo kiểu khoán gọn một lượng nhất định cho mỗi giống mới thay cho việc cấp đề tài theo thời gian để nhà chọn giống chủ động trong chi tiêu trong cả quá trình gây tạo vật liệu đến chọn giống.

Để nâng cao năng lực sản xuất giống cây trồng, theo nhiều chuyên gia, việc gắn kết với doanh nghiệp có vai trò rất quan trọng.Hiện nay chúng ta chưa thiết lập được hệ thống phân phối giống trong khi phải cạnh tranh khốc liệt với doanh nghiệp nước ngoài. Do đó, Nhà nước cần có chính sách ưu tiên đầu tư cho một số doanh nghiệp lớn làm công tác nhân giống.

Ông Nguyễn Trí Ngọc, Cục trưởng Cục trồng trọt cho biết, hiện nay chúng ta đã làm được công tác nghiên cứu chọn tạo giống nhưng việc nhân giống để phục vụ sản xuất còn hạn chế. Vì vậy, trong Quyết định 2194 của Thủ tướng Chính phủ về sản xuất giống giai đoạn 3 (2011 – 2015) đã có chủ trương hỗ trợ các doanh nghiệp để nhân nhanh và mở rộng giống cho sản xuất đại trà như về vay vốn tín dụng, chính sách đất đai.

Giống là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu quyết định năng suất, chất lượng cây trồng. Do đó, để đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp trong những năm tới, nâng cao giá trị cho hàng nông sản Việt, ngành Nông nghiệp cần sớm tháo gỡ khó khăn và có biện pháp hoàn thiện công tác sản xuất giống cây trồng.

Đỗ Hương

Nguồn Chính Phủ: http://baodientu.chinhphu.vn/home/san-xuat-giong-cay-trong-can-chien-luoc-can-co/201112/104518.vgp