Sản xuất không đủ cầu, pháo hoa Z121 'cháy hàng' dịp Tết

Tết Ất Tỵ nhu cầu mua pháo hoa chơi Tết của người dân tăng cao, nhưng sản xuất lại không đáp ứng đủ.

Những ngày giáp Tết, anh Lê Ngọc An (Cầu Giấy, Hà Nội) tất bật tìm mua pháo hoa để mang về quê Thanh Hóa đón Tết cùng gia đình. Thế nhưng, anh chạy khắp các đại lý đều nhận được cái lắc đầu "hết hàng". May mắn, đến ngày 27 tháng Chạp, anh mới nhờ người quen "giữ" được 2 giàn pháo hoa do Nhà máy Z121 (Bộ Quốc phòng) sản xuất.

Anh An cho biết, với anh, khoảnh khắc giao thừa trở nên trọn vẹn hơn khi có tiếng pháo hoa rộn ràng. "Pháo hoa không chỉ mang lại niềm vui cho trẻ nhỏ mà còn gợi nhớ những ký ức tuổi thơ của những người lớn như chúng tôi", anh An bồi hồi.

Pháo hoa nhà máy Z121 sản xuất ra không đủ bán dịp Tết.

Pháo hoa nhà máy Z121 sản xuất ra không đủ bán dịp Tết.

Anh An nhớ lại, những năm 90 của thế kỷ trước, khi pháo nổ chưa bị cấm, cứ mỗi dịp Tết đến xuân về, nhà nào cũng có pháo nổ, pháo sáng. "Hồi đó pháo Bình Đà đắt lắm, anh em tôi phải gom giấy, mua thuốc nổ về tự cuộn pháo cối để đốt. Tiếng pháo nổ vang trời, vui ơi là vui. Nhưng cũng vì thế mà nhiều người bị thương, thậm chí mất tay, hỏng mắt vì pháo", anh An kể.

Sau 5 năm được phép sử dụng trở lại, pháo hoa đã dần trở thành một phần không thể thiếu trong dịp Tết của nhiều gia đình Việt. Tuy nhiên, hiện nay chỉ có Nhà máy Z121 là đơn vị duy nhất được phép sản xuất và kinh doanh pháo hoa nên chưa thể đáp ứng hết nhu cầu của thị trường.

Trao đổi với VietNamNet, Đại tá Trần Anh Mạnh, Phó Giám đốc phụ trách kinh doanh của Nhà máy Z121 cho hay, nhu cầu chơi pháo Tết của người dân rất lớn.

"Năm nay chúng tôi sản xuất được gần 8 triệu giàn, nhưng vẫn chưa đủ. Năm 2025, nhà máy sẽ đầu tư dây chuyền mới để tăng sản lượng, phục vụ người dân tốt hơn", ông Mạnh cho hay.

Pháo hoa lậu "hoàn hành" trên "chợ mạng"

Theo Nghị định 137/2020 của Chính phủ, chỉ các loại pháo hoa không tiếng nổ do các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng sản xuất mới được phép sử dụng. Các loại pháo hoa có tiếng nổ, pháo nổ hoặc sản phẩm gây tiếng rít đều bị nghiêm cấm.

Hiện nay, pháo lậu vẫn được tuồn vào Việt Nam và rao bán tràn lan trên mạng xã hội. Pháo hoa Thái Lan (loại 36 ống và 49 ống) được rao bán với giá từ 900.000 đồng đến 1,5 triệu đồng/giàn. Các loại pháo lậu khác cũng được rao bán công khai trên các hội nhóm, diễn đàn, gây khó khăn cho công tác quản lý.

Pháo lậu rao bán khá nhiều trên "chợ mạng".

Pháo lậu rao bán khá nhiều trên "chợ mạng".

Anh Lê Văn Tiến (Thanh Hóa) cho biết, ngoài pháo hoa của Nhà máy Z121, nhiều loại pháo lậu bắn cao, màu sắc bắt mắt, có tiếng nổ lớn vẫn được người dân sử dụng. "Nhiều nhà còn ngang nhiên đốt pháo nổ ngoài đường trong đêm giao thừa, lực lượng chức năng rất khó xử lý triệt để", anh Tiến nói.

Hiện nay, pháo hoa do quân đội sản xuất có 2 loại là "giàn phun" và "giàn phun viên nhấp nháy", giá bán được niêm yết công khai trên website của Nhà máy Z121, lần lượt là 350.000 đồng/giàn và 330.000 đồng/giàn.

Để vừa đáp ứng nhu cầu chính đáng của người dân, vừa đảm bảo an toàn, cần có những giải pháp đồng bộ, tăng cường nguồn cung pháo hoa hợp pháp, đa dạng sản phẩm, đồng thời siết chặt quản lý, ngăn chặn pháo lậu.

Vũ Điệp

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/san-xuat-khong-du-cau-phao-hoa-z121-chay-hang-dip-tet-2366690.html