Sản xuất - kinh doanh lúa giống đang gặp khó

Đó là thực tế đang diễn ra với hơn 200 tổ chức, cá nhân chuyên sản xuất - kinh doanh (SXKD) lúa giống ở An Giang hiện nay. Lúa giống có chứng nhận hợp quy, giá cạnh tranh 'không lại' lúa giống bán trôi nổi; giống lúa được thị trường tiêu thụ nhiều, bản quyền sản xuất thuộc về các công ty lớn, còn những người nhân giống cộng đồng thì đang bị 'nằm ngoài' cuộc chơi.

Đây là bức xúc với những ai đã từng đồng hành cùng ngành nông nghiệp tỉnh trong việc triển khai thực hiện chương trình xã hội hóa giống lúa. Thời gian qua, nhờ vào chương trình này, An Giang đã trở thành địa phương đi đầu ở khu vực ĐBSCL và cả nước trong việc xã hội hóa giống lúa. Tính đến nay, toàn tỉnh có hơn 200 tổ chức, cá nhân chuyên SXKD giống lúa, con số này chẳng những đáp ứng đầy đủ nhu cầu về giống cho mỗi vụ sản xuất của tỉnh, số còn lại còn xuất bán sang Campuchia và các tỉnh, thành phố trong vùng ĐBSCL để phục vụ cho những vụ mùa sản xuất của nông dân. Song, kể từ khi thực hiện Luật Sở hữu trí tuệ trên lĩnh vực giống cây trồng, những cơ sở nhân giống cộng đồng đang bị “tách” ra khỏi cuộc chơi, bởi trong số họ không ai tiếp cận được với các viện, trường để nhận chuyển giao bản quyền nhân giống lúa.

Ông Phan Văn Thoa (Cơ sở SXKD giống lúa ở xã Thạnh Mỹ Tây, Châu Phú) cho biết, ông là một trong những người đồng cam, cộng khổ với ngành nông nghiệp tỉnh ngay từ buổi đầu thực hiện chương trình nhân giống cộng đồng. Nhờ vào mạng lưới nhân giống cộng đồng mà ngành nông nghiệp tỉnh có được thành tích như hôm nay, nông dân trong tỉnh có được giống lúa xác nhận để sản xuất. Vậy mà, khi áp dụng Luật Sở hữu trí tuệ trên lĩnh vực giống cây trồng, đáng lý ra những người tham gia chương trình nhân giống cộng đồng sẽ nhận được sự chuyển giao các giống lúa tốt, chất lượng từ các viện, trường trong lĩnh vực nhân giống, đằng này họ chuyển giao cho những công ty, doanh nghiệp lớn chuyên sản xuất về giống như: Tập đoàn Lộc Trời với giống OM 5451, Công ty Cổ phần Giống cây trồng Miền Nam (SSC) với giống Đài Thơm 8.

Nhiều tổ chức, cá nhân rất bức xúc trước vấn đề chuyển giao bản quyền giống lúa

Mới đây, tại buổi tọa đàm tìm giải pháp nâng cao hiệu quả SXKD lúa giống do Trung tâm Kỹ thuật - Dịch vụ nông nghiệp tỉnh tổ chức, vấn đề này một lần nữa được đặt ra. Tại buổi tọa đàm, PGS.TS Trần Ngọc Thạch (Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL) đã ghi nhận tất cả những ý kiến phản ánh của người dân xung quanh vấn đề bản quyền của những người sản xuất giống tại cộng đồng. Đồng thời, PGS.TS Trần Ngọc Thạch hứa sẽ tìm ra giải pháp để những ai có nhu cầu đều nhận được sự chuyển giao.

Tại cuộc tọa đàm, những hộ chuyên SXKD lĩnh vực giống cây trồng cho biết, từ năm 2018 trở về trước, khi thị trường xuất khẩu gạo còn thuận lợi, giống lúa IR 50404 được thương lái tìm mua xuất khẩu, những hộ nhân giống tại cộng đồng còn có cơ hội, bởi giống lúa IR 50404 vẫn còn người mua trồng. Nay, thị trường đang tiêu thụ mạnh các giống Đài Thơm 8, OM 5451 thì những người làm giống cộng đồng không tiếp cận được các viện, trường để nhận chuyển giao bản quyền, vì vậy, họ không có các giống để bán kiếm lời. “Những giống lúa được thị trường tiêu thụ mạnh như: Đài Thơm 8, OM 5451, OM 18 giao cho các tập đoàn, các công ty, doanh nghiệp lớn. Những giống không có người quan tâm thì chuyển giao thoải mái, như vậy những cơ sở làm ăn nhỏ làm sao kinh doanh được ” - ông Phan Văn Thụ (xã Tà Đảnh, Tri Tôn) bức xúc.

Lợi dụng sự “nhập nhằng” trong chuyển giao bản quyền nhân giống lúa, những cơ sở sản xuất lúa giống không đăng ký đã tìm mọi cách vi phạm bản quyền, sản xuất giống xác nhận để bán cho người nông dân nhưng trên bao bì không ghi lúa giống, họ chỉ ghi lúa lương thực, lúa hàng hóa. Mục đích nhằm qua mặt các cơ quan chức năng. Sự cạnh tranh thiếu lành mạnh trên lĩnh vực giống, cây trồng giữa các cơ sở SXKD giống đã xảy ra nhiều năm nay, tuy nhiên đến thời điểm này ngành nông nghiệp vẫn chưa có biện pháp xử lý triệt để. Tình trạng này đã làm cho những người làm ăn chân chính bị thiệt thòi, kẻ làm ăn bất chính luôn tìm kiếm được lợi nhuận cao.

“Để cộng đồng có được giống lúa chất lượng phục vụ sản xuất, từ đầu năm đến nay, Trung tâm Kỹ thuật - Dịch vụ nông nghiệp tỉnh đã tiếp nhận đơn đăng ký và ký kết 211 hợp đồng đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh lĩnh vực giống cây trồng để thực hiện việc kiểm định, thử nghiệm giống với diện tích kiểm định trên 3.600ha, vượt 106% kế hoạch so với cùng kỳ. Chúng tôi sẽ làm tốt hơn nữa công tác này để cộng đồng có được giống lúa chất lượng, phục vụ tốt cho các vụ mùa sản xuất” - ThS Trần Thanh Tuyến (Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật - Dịch vụ nông nghiệp) cho biết. Kết thúc buổi tọa đàm, ông Trương Kiến Thọ (Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã chỉ đạo cho thanh tra sở tăng cường công tác kiểm tra, xử lý để tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, lập lại trật tự trên lĩnh vực SXKD lúa giống.

Bài, ảnh: MINH HIỂN

Nguồn An Giang: http://baoangiang.com.vn/san-xuat-kinh-doanh-lua-giong-dang-gap-kho-a257937.html