Sản xuất lúa 3 vụ/năm: Cần thay đổi tư duy cũ cho cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Dù sản xuất gần 20 triệu tấn lúa/năm, nhưng đời sống nông dân trong vùng vẫn rất khó khăn...
Đồng bằng sông Cửu Long là khu vực duy nhất của cả nước có thể sản xuất 3 vụ lúa/năm. Trước đây, nhờ nhu cầu cao nên xuất khẩu gạo tăng mạnh, đây là một lợi thế. Song, dù sản xuất gần 20 triệu tấn lúa/năm, nhưng đời sống nông dân trong vùng vẫn rất khó khăn. Tư duy chạy theo sản lượng đã lỗi thời, bởi hiện nay chất lượng mới quyết định giá trị và lợi nhuận.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), tháng 7/2019, xuất khẩu gạo đạt 651 ngàn tấn; lũy kế 7 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu gạo đạt 4,01 triệu tấn, kim ngạch đạt 1,73 tỷ USD tăng 2,1% về lượng nhưng giảm 14,3% về giá trị so với cùng kỳ 2018.
Lúa vụ 3 – lợi bất cập hại
Trước đây, Đồng bằng sông Cửu Long chỉ sản xuất 2 vụ lúa chính là Đông Xuân và Hè Thu. Từ năm 2000, hệ thống đê bao bắt đầu được xây dựng và diện tích lúa vụ 3 được mở rộng, giúp tăng sản lượng lúa, tăng sản lượng gạo xuất khẩu.
Cụ thể, năm 2012, xuất khẩu gạo đã thật sự bứt phá mạnh mẽ với con số kỷ lục 7,72 triệu tấn gạo, nhưng cũng từ đó đến nay, xuất khẩu gạo liên tục sụt giảm cả về lượng lẫn kim ngạch.
Nhu cầu gạo trên thị trường thế giới tăng không nhiều, đôi khi không tăng trong khi nguồn cung từ các nước xuất khẩu tăng mạnh, chưa kể một số nước trước đây nhập khẩu nay đã tự túc lương thực và cũng hướng đến xuất khẩu, cạnh tranh gay gắt với gạo Việt Nam.
Nông dân Nguyễn Hùng Dũng, ấp Tân Hòa Thượng, xã Tân Hội, thị xã Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp cho biết: "Năm 2011, bà con ở đây đã cùng nhau xây dựng tuyến đê bao để sản xuất lúa vụ 3; nhờ vậy, chúng tôi không phải chật vật chạy lũ nhưng năng suất lúa cứ liên tục sụt giảm, chưa kể dịch bệnh phát sinh, làm đội chi phí sản xuất. Đến lúc này, chúng tôi không muốn trồng lúa vụ 3 vì không thể xả lũ lấy nước vào ruộng để lấy phù sa và rửa trôi mầm bệnh; chúng tôi đang ở thế tiến thoái lưỡng nan!"
Trên thực tế, làm lúa 3 vụ/năm, nông dân có thêm công ăn việc làm nhưng nếu so sánh giữa lợi nhuận và cái mất do sản xuất lúa vụ 3 gây nên sẽ thấy mất nhiều hơn được. Ví dụ, muốn làm lúa 3 vụ phải bao đê chống lũ, khiến đồng ruộng không có phù sa bồi đắp và kéo theo hàng loạt hệ lụy khác, như chuột, ốc bưu vàng phát sinh mạnh mẽ, mầm dịch bệnh lây truyền và phát tán, nguồn lợi thủy sản bị tiêu hao, môi trường bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đa dạng sinh học bị xâm hại...
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Nguyễn Xuân Cường, giá nông sản trên thị trường thế giới đang giảm từ 5 đến 15%, giá gạo cũng giảm ở nhiều phân khúc khác nhau.
Kế hoạch ngắn hạn liên quan đến việc mở rộng các thị trường mới là tăng xuất khẩu sang các nước khu vực châu Phi và ASEAN sẽ bù đắp suy giảm xuất khẩu ở thị trường Trung Quốc. Song dài hạn, Bộ sẽ lên kế hoạch sử dụng 500.000 ha đất lúa để sản xuất thủy sản và cây ăn trái, phát triển chăn nuôi theo thế mạnh của từng địa phương, giúp giảm áp lực tiêu thụ gạo.
Tăng chất, giảm lượng - giảm sức ép tiêu thụ
Theo các chuyên gia, thay vì tăng diện tích, tăng sản lượng dẫn đến tăng sức ép lên tiêu thụ, Việt Nam nên tập trung tăng chất lượng để tăng giá trị mang về như thế sẽ giúp giải quyết tốt bài toán lợi nhuận cho nông dân.
Theo ông Phan Văn Có, Tổng giám đốc Công ty gạo Việt Vrice, chất lượng gạo thấp thì bên trong hạt gạo không đủ độ dinh dưỡng hoặc sẽ quá tải về nồng độ thuốc bảo vệ thực vật hay hóa chất. Nếu chất lượng gạo như thế thì những thị trường truyền thống sẽ hạn chế nhập khẩu, còn những thị trường cao cấp như EU thì cấm tuyệt đối không cho gạo Việt vào.
Ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, giảm khối lượng, tăng giá bán có thể làm tăng thu nhập hơn so với xuất khẩu số lượng lớn mà giá bán thấp, làm nhiều nhưng giá thấp không chỉ là bài toán về diện tích mà còn là bài toán về gieo trồng sản xuất bao nhiêu vụ.
Hiện nay, chúng ta đang ở trong chu kỳ đi xuống của giá nông sản thế giới, nhu cầu tiếp tục yếu nhưng nguồn cung lại dư thừa, trong khi nước nào cũng có nhu cầu tự túc lương thực, không một nước nào muốn phụ thuộc vào nhập khẩu từ bên ngoài.
Có thể nhìn thấy các nước, như Philippines, Indonesia, hay Malaysia, cho dù tiêu tốn ngân sách nhiều đến mấy họ sẽ vẫn hỗ trợ nông dân sản xuất để làm sao có thể bảo đảm được nhu cầu gạo trong nước. Kết hợp với xu thế đó, chúng ta cần xác định với nhau rằng, nhu cầu còn yếu và sẽ tiếp tục yếu trong những tháng cuối năm.
Ngành lúa gạo nước nhà đã tiến những bước dài, từ thiếu đói đến tự chủ về lương thực và xuất khẩu đứng top đầu thế giới. Song, trong bối cảnh biến đổi khí hậu, nước biển dâng đòi hỏi khu vực này phải thay đổi tư duy sản xuất, không nên chạy sản lượng mà chất lượng và giá trị mới mang lại thu nhập cao.
Nghị quyết 120 của Chính phủ giúp nông dân Đồng bằng sông Cửu Long phát triển sinh kế, "biến" cái bất lợi thành cái có lợi bằng cách chuyển đổi cây, con phù hợp với tình hình mới mang lại hiệu quả kinh tế cao.