Sản xuất lúa chất lượng cao theo hướng hữu cơ gắn với tiêu thụ sản phẩm tại huyện Quảng Xương
Với mục đích nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, bảo vệ môi trường, gắn với liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; thời gian qua, người dân huyện Quảng Xương đã thực hiện sản xuất lúa chất lượng cao theo hướng hữu cơ. Hiện, mô hình đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân và được nhân rộng trên địa bàn huyện.
Ông Lê Văn Phấn, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp xã Quảng Hòa kiểm tra chất lượng lúa.
Ông Nguyễn Văn Sơn, thôn 3, xã Quảng Hòa (Quảng Xương) cho biết: Từ năm 2018, gia đình tôi đã được UBND xã khuyến khích sản xuất lúa chất lượng cao theo hướng hữu cơ. Với 8 sào lúa của gia đình, so với những diện tích lúa được sản xuất truyền thống, tôi nhận thấy có sự khác biệt rõ rệt, như không bị bạc lá, nhiều bông, bông đều và to hơn... Khi tham gia mô hình người dân trên địa bàn xã được các cán bộ kỹ thuật hướng dẫn áp dụng các biện pháp thâm canh sử dụng giống lúa có năng suất, chất lượng cao, gieo cấy tập trung, cấy mạ non, bón phân cân đối nên cây lúa cứng, ruộng thông thoáng. Theo đó, tỷ lệ gây hại của sâu bệnh thấp hơn nên hạn chế số lần phun thuốc bảo vệ thực vật, chi phí sản xuất giảm từ 25 - 30% so với canh tác truyền thống.
Vụ đông xuân 2018-2019, Trạm Khuyến nông huyện Quảng Xương đã phối hợp với UBND xã Quảng Hòa xây dựng mô hình “Sản xuất lúa theo hướng hữu cơ gắn với tiêu thụ sản phẩm” với quy mô 20 ha và 80 hộ dân tham gia. Ông Lê Văn Phấn, giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp xã Quảng Hòa, cho biết: Khi tham gia mô hình, bà con được hỗ trợ 50% giống và 50% phân bón hữu cơ vi sinh, được tham dự các lớp tập huấn, hội thảo nhân rộng mô hình, dự hội nghị tổng kết và cùng nhau trao đổi kinh nghiệm, khó khăn trong quá trình thực hiện. Mô hình sử dụng giống lúa Bắc Thịnh, có chất lượng tốt, tỷ lệ nảy mầm cao, đẻ nhánh khỏe, cứng cây, trổ tập trung... Bên cạnh đó, mô hình được áp dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học - kỹ thuật mới trong sản xuất thâm canh lúa như: Cấy thưa, cấy thẳng hàng, bón phân cân đối,... Nhất là, mô hình không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc từ hóa học mà chỉ sử dụng thuốc có nguồn gốc sinh học, ít độc hại với con người và môi trường. Đến nay, sau nhiều tháng triển khai, diện tích lúa đã được mở rộng lên 150 ha, với 300 hộ dân tham gia sản xuất. Năng suất lúa đạt 65 tạ/ha, tăng từ 10 đến 15% so với sản xuất theo hướng truyền thống. Sản phẩm hiện được Công ty CP Bắc Trung bộ ký cam kết thu mua 100% lúa thương phẩm. Lợi nhuận trung bình đạt khoảng 20 đến 25 triệu đồng/ha/vụ.
Hiện nay, huyện Quảng Xương có 3.500 ha sản xuất lúa chất lượng cao theo hướng hữu cơ ở các xã Quảng Văn, Quảng Hòa, Quảng Hợp, Quảng Nhân, Quảng Long, Quảng Yên,... Ông Lê Đại Hiệp, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Quảng Xương, cho biết: Mục tiêu của mô hình là định hướng cho người dân sản xuất lúa theo hướng hàng hóa, quy hoạch những vùng sản xuất lúa tập trung, sử dụng một loại giống lúa chất lượng, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Từ đó, góp phần tạo dựng một nền nông nghiệp hữu cơ an toàn và bền vững, không những nâng cao giá trị kinh tế mà còn bảo vệ môi trường và sức khỏe của người sản xuất. Bên cạnh đó, huyện đẩy mạnh tích tụ ruộng đất, tổ chức sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, đưa cơ giới hóa vào sản xuất theo hình thức cánh đồng mẫu lớn, phát huy mối liên kết 4 nhà, từng bước nâng cao năng suất, hiệu quả sản xuất trên từng đơn vị diện tích.