Sản xuất nông - lâm - thủy sản của tỉnh phát triển ổn định

ĐTO - Những tháng đầu năm 2025, sản xuất nông - lâm - thủy sản của tỉnh phát triển ổn định, nông sản tiêu thụ thuận lợi. Giá trị sản xuất nông - lâm - thủy sản quý I ước đạt 16.631 tỷ đồng (giá so sánh năm 2010), tăng 3,3% (530 tỷ đồng), đạt 100,1% kế hoạch quý I và 31,6% kế hoạch năm 2025. Giá trị sản xuất 4 ngành hàng chủ lực là lúa gạo, xoài, hoa kiểng, cá tra đều tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2024, trong đó, lúa gạo, hoa kiểng, cá tra vượt kế hoạch quý I, riêng ngành hàng sen sụt giảm.

Cánh đồng trồng dưa hấu thuộc xã Long Hưng A, huyện Lấp Vò

Cánh đồng trồng dưa hấu thuộc xã Long Hưng A, huyện Lấp Vò

Theo đánh giá, quý 1 năm 2025, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi được kiểm soát tốt; công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp được ngành nông nghiệp quan tâm thực hiện tốt. Nhiều chủ trương, chiến lược, đề án phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, nông nghiệp xanh, mô hình nông nghiệp tuần hoàn, giảm phát thải... tạo điều kiện để thực hiện nền nông nghiệp bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu. Việc chuyển đổi linh hoạt diện tích canh tác lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái, hoa màu tiếp tục mở rộng...

Với sự chủ động trong triển khai kế hoạch sản xuất vụ đông xuân 2024 - 2025, lĩnh vực trồng trọt tiếp tục phát triển ổn định. Giá trị sản xuất ngành trồng trọt ước đạt 11.306 tỷ đồng, tăng 4,8% (513 tỷ đồng), đạt 100,1% kế hoạch quý I và 35,4% kế hoạch năm.

Ngành hàng lúa gạo tiếp tục phát triển, tập trung nâng cao chất lượng, các giống lúa chất lượng cao được tăng cường sử dụng nhằm đáp ứng thị trường xuất khẩu (phân theo giống, lúa chất lượng cao chiếm 80,4%, tăng 1,5%; nhóm lúa thường đạt 10,3%, giảm 1,8% và nhóm nếp đạt 9,3%, tăng 0,3%). Trong quý I có 4 mã số vùng trồng được cấp mới với tổng diện tích 1.313ha; lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 731 mã số vùng trồng (136.063ha, chiếm 72,7% diện tích canh tác lúa); chứng nhận an toàn thực phẩm 9.617ha, chứng nhận VietGAP 6.739ha.

Diện tích lúa vụ đông xuân gieo trồng được 187.058ha, giảm 0,97% (1.825ha), đạt 100% kế hoạch quý I và đạt 37,8% kế hoạch năm, năng suất lúa bình quân đạt 7,3 tấn/ha (tương đương cùng kỳ), sản lượng đạt 1,37 triệu tấn, giảm 1,1% (15.024 tấn). So với kế hoạch, đạt 100,3% kế hoạch quý I và 40,7% kế hoạch năm. Diện tích và sản lượng lúa giảm do một phần diện tích được chuyển sang trồng hoa màu và cây ăn trái. Tình hình tiêu thụ lúa gặp khó khăn do giá giảm trên tất cả các nhóm giống.

Diện tích hoa màu và cây công nghiệp ngắn ngày vụ đông xuân đạt 13.037ha, tăng 5,9% (37ha), đạt 100,3% kế hoạch quý I và 40,5% kế hoạch năm. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 90 vùng trồng rau màu được cấp mã số (2.237ha, chủ yếu trên khoai lang, ớt, bắp, khoai môn...); chứng nhận VietGAP 129ha (khoai môn, rau màu, khoai lang, kiệu, nấm); đủ điều kiện an toàn thực phẩm 108ha (khoai lang, khoai môn, ấu, ớt, rau quả thủy canh...). Giá bán một số hoa màu chủ lực thuận lợi, lợi nhuận 119 triệu - 364 triệu đồng/ha. Giá trị sản xuất ngành hàng sen ước đạt 10 tỷ đồng, bằng 83,5% so với cùng kỳ năm 2024 (giảm 2 tỷ đồng), đạt 77,3% kế hoạch quý I.

Ngành hàng hoa kiểng tiếp tục phát triển với nhiều chủng loại đa dạng, phục vụ cho thị trường Tết Nguyên đán 2025; diện tích trồng hoa kiểng đạt 2.144ha, tăng 58,8% (794ha), đạt 112,5% kế hoạch quý I và 63,7% kế hoạch năm. Thời tiết thuận lợi giúp hoa kiểng phát triển tốt, nâng cao năng suất và chất lượng. Tình hình tiêu thụ ổn định, không xảy ra ùn ứ hay tồn đọng. Giá bán hoa kiểng duy trì ở mức cao, cùng với sự bùng nổ của thương mại điện tử, các kênh bán hàng trực tuyến giúp nhà vườn gia tăng lợi nhuận. Lũy kế đến nay, tỉnh có một vùng trồng hoa được cấp mã số với diện tích 2ha.

Tổng diện tích trồng cây lâu năm toàn tỉnh đạt 46.009ha, tăng 3,7% (1.619ha), đạt 103% kế hoạch quý I và 96,6% kế hoạch năm. Giá trị sản xuất ngành hàng trái cây quý I ước đạt 1.744 tỷ đồng, tăng 1,6% (27 tỷ đồng), đạt 99,6% kế hoạch quý I và đạt 32,9% kế hoạch năm, riêng ngành xoài tiếp tục duy trì tăng trưởng. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 689 vùng trồng cây ăn trái được cấp mã số với diện tích 20.517ha (khoảng 45,7% diện tích gieo trồng); được chứng nhận VietGAP 1.023ha (xoài, nhãn, cây có múi, mận, thanh long, sầu riêng, mít), được chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm 1.416ha (mít, chanh, nhãn, quýt, xoài). Giá bán một số loại trái cây cao hơn cùng kỳ, lợi nhuận canh tác các loại xoài, cam, quýt tăng so với cùng kỳ, riêng lợi nhuận từ sầu riêng, nhãn, mít giảm.

Nuôi trồng thủy sản tiếp tục phát triển, diện tích thả nuôi trong quý 1 đạt 3.660ha, tăng 3,1% (109ha), đạt 103,1% kế hoạch quý I và 61,2% kế hoạch năm. Từ đầu năm 2025, một cơ sở nuôi thủy sản chủ lực được cấp lại giấy xác nhận đăng ký với diện tích 4,66ha. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 373 cơ sở nuôi cá tra được cấp mã số nhận diện với diện tích 1.631,6ha, trong đó có 83 cơ sở nuôi trồng thủy sản được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm với diện tích 635,3ha và 244 cơ sở nuôi, 157 cơ sở vận chuyển ký cam kết sản xuất thực phẩm an toàn và 242,4ha đang áp dụng và được chứng nhận các tiêu chuẩn trên nuôi cá tra VietGAP, GlobalGAP, ASC, BAP. Sản lượng thủy sản thu hoạch trong quý ước đạt 151.380 tấn, tăng 4,1% (6.030 tấn), đạt 100,6% kế hoạch quý I và 22,1% kế hoạch năm (trong đó, cá tra đạt 121.000 tấn, tăng 5,2%). Chi phí nuôi thủy sản giảm trong khi giá bán tăng so với cùng kỳ, giúp người nuôi có lợi nhuận cao hơn. Giá trị sản xuất ngành hàng thủy sản ước đạt 3.010 tỷ đồng, tăng 3,8% (111 tỷ đồng), đạt 100% kế hoạch quý I và 20,7% kế hoạch năm.

TN

Nguồn Đồng Tháp: https://baodongthap.vn/kinh-te/san-xuat-nong-lam-thuy-san-cua-tinh-phat-trien-on-dinh-130377.aspx