Sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng bởi triều cường

Khoảng 1 tuần qua, do ảnh hưởng của triều cường kết hợp với lũ thượng nguồn nên mực nước tại các nơi trong tỉnh lên nhanh gây ngập lụt tại một số tuyến đường và vườn cay ăn trái, ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt của nhiều người dân.

Vườn chanh bị ngập sâu trong nước do triều cường. Ảnh: Mỹ Nhân

Vườn chanh bị ngập sâu trong nước do triều cường. Ảnh: Mỹ Nhân

Huyện Cao Lãnh: nước lên bất ngờ, nhà vườn trở tay không kịp

Ghi nhận tại ấp 1 và ấp 4, xã Mỹ Long, huyện Cao Lãnh vào sáng ngày 1/10/2019, triều cường vẫn còn dâng cao, khiến nước tràn qua một số đoạn lộ thuộc bờ trái kênh Xẻo Muồng (đoạn từ cống Bà Minh đến cuối con rạch) gây ngập lụt một số diện tích hoa màu, vườn cây ăn trái.

Bà Nguyễn Thị Phụng (63 tuổi) ngụ ấp 4, xã Mỹ Long cho biết, gia đình bà có 2 công chanh đang chuẩn bị thu hoạch nhưng những ngày qua triều cường dâng cao, nước tràn vào vườn ngập lên đến trái, khiến bà phải gác lại việc thu hái. Bà Phụng nói: “Năm nay, thấy nước về trễ, lại ít nên nhà vườn chủ quan, không ngờ nước lên đột ngột, trở tay không kịp, vườn chanh, xoài ngập sâu trong nước. Mặc dù đã tới ngày thu hoạch chanh nhưng gia đình vẫn phải ngưng lại và tích cực đặt máy bơm nước vì sợ động đến gốc cây sẽ chết”.

4 công xoài và chanh của chị Phạm Thị Oanh ngụ cùng ấp cũng chịu cảnh ngập sâu trong nước không cách nào cứu kịp. Theo chị Oanh, ngoài việc chủ quan vì nghĩ không có lũ thì năm nay địa phương không chủ động đắp bao cát tại các tuyến đường xung yếu trước mùa lũ như mọi năm, nên khi nước lên bất ngờ, nhà vườn không trở tay kịp. “Mong mỏi của người dân bờ trên kênh Xẻo Muồng là xây dựng tuyến đường kiên cố theo hình thức “Nhà nước và nhân dân cùng làm” nhằm tránh tình trạng lũ tràn bờ vừa thuận lợi cho con em đến trường” - chị Oanh chia sẻ.

Ông Thái Phạm Tuấn Khanh - Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Long cho biết, đoạn đê bao nói trên thuộc ô bao Bình Tây. Đoạn đê bao này được xây dựng khoảng năm 2001-2002, hiện nay, công trình này thấp hơn hiện trạng ban đầu khá nhiều do đất bị bồi lắng, sạt lở khiến nước tràn qua một số đoạn lộ thấp. Hiện có một số diện tích hoa màu, cây ăn trái bị ngập trong nước. Đối với những diện tích canh tác lớn, bà con tích cực túc trực bơm rút nước nhằm giảm thiểu thiệt hại, bảo vệ cây trồng”.

Ngoài đê bao này thì 29 ô đê bao còn lại (4 ô đê bao trồng lúa) đều đảm bảo an toàn, không bị ảnh hưởng do lũ. Tuy nhiên, để người dân không lơ là, chủ quan cho 2 con nước rằm tháng 10 và 30 tháng 10 tới, địa phương sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền để bà con chủ động trong bảo vệ vườn cây ăn trái. Bên cạnh đó, phân công, phối hợp với các đoàn thể, trưởng ấp tham gia vào việc quản lý, hỗ trợ người dân xử lý kịp thời khi có tình huống xấu xảy ra. Địa phương cũng có đề xuất với UBND huyện hỗ trợ xây dựng một số cống ngầm nhằm kiên cố tất cả các đập thủy lợi chưa đảm bảo an toàn của xã.

Những gì còn sót lại trên diện tích trồng hoa màu của bà Trần Thị Thu (ấp Mỹ Tân, xã Phú Điền) sau con nước dâng cao. Ảnh: Mỹ Lý

Những gì còn sót lại trên diện tích trồng hoa màu của bà Trần Thị Thu (ấp Mỹ Tân, xã Phú Điền) sau con nước dâng cao. Ảnh: Mỹ Lý

Tháp Mười: nhà vườn túc trực be bờ canh nước

Những ngày qua khi triều cường lên nhanh kết hợp mưa lớn kéo dài khiến cho nhiều diện tích vườn cây ăn trái của các hộ dân tại ấp Mỹ Tân, xã Phú Điền, huyện Tháp Mười ngập sâu trong nước. Ước tính sơ bộ có khoảng 60.000m2 vườn cây ăn trái của gần 20 hộ dân trên địa bàn ấp này bị ảnh hưởng.

Nhìn cảnh vợ chồng bà Trần Thị Thu ngụ ấp Mỹ Tân, xã Phú Điền cố gắng thu hoạch vội dưa gang, cà tím bị nước lũ nhấn chìm khiến nhiều người không khỏi ngậm ngùi. Để chống chọi với con nước, hơn 3 ngày, vợ chồng bà Thu phải túc trực 24/24 để bơm tháo nước và be bờ ngăn nước. Tuy nhiên, tất cả mọi cố gắng của gia đình đều hoài công khi con nước lên quá nhanh.

Bà Trần Thị Thu tâm sự: “3 ngày qua, ngày nào vợ chồng tôi cũng thức trắng đêm để canh nước. Thậm chí quá nóng ruột, vợ chồng tôi còn be bờ, chở đất đắp đê trong đêm nhưng vẫn không cứu được. Xem như kỳ này, mấy chục triệu đầu tư vào sản xuất phải đổ sông đổ biển”.

Do sản xuất lúa kém hiệu quả nên thời gian gần đây một số hộ có diện tích canh tác nhỏ đã chuyển đổi sang trồng cây ăn trái. Trong đó, mít là loại cây trồng phổ biến tại đây. Nhìn vườn mít gần 1 năm tuổi của người con trai thứ đang ngập sâu trong nước, bà Võ Thị Bé ngụ ấp Mỹ Tân, xã Phú Điền không khỏi xót xa: “Trồng lúa cho thu nhập thấp nên gia đình vay tiền để lên vườn trồng mít với hi vọng mang lại nguồn kinh tế khá hơn. Nhưng giờ nước ngập hết rồi coi như vốn đầu tư ban đầu mất trắng và đối diện với khoản nợ hơn 60 triệu đồng”.

Theo ghi nhận, phần lớn diện tích vườn của gần 20 hộ dân tại ấp Mỹ Tân nằm trong ô bao lửng 50ha thuộc khu vực giáp ranh giữa xã Phú Điền và xã Đốc Binh Kiều, huyện Tháp Mười. Theo chủ trương của UBND xã Phú Điền, bắt đầu vụ đông xuân năm nay, ô bao này sẽ chính thức có trạm bơm và khu vực này sẽ có ô bao khép kín. Đây là một trong những nguyên nhân khiến cho người dân lên vườn tự phát trên diện tích lúa ngày càng nhiều.

Theo phân tích của các nhà vườn tại khu vực này, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng nhiều diện tích vườn cây ăn trái ngập sâu trong nước là do trạm bơm không bơm tháo nước kịp thời, nhà vườn còn chủ quan trong việc lên đê bao bảo vệ vườn. Bên cạnh đó, việc xả lũ tự do của trạm bơm xã Đốc Binh Kiều đi kèm với việc mưa lớn và thủy triều lên nhanh khiến cho nhiều hộ dân nơi đây bị động trong việc ứng phó.

Ông Đặng Văn Khoa - Phó Chủ tịch UBND xã Phú Điền cho biết: “Hiện địa phương chỉ đạo trạm bơm tại khu vực này nhanh chóng bơm tháo nước cho người dân. UNBD xã sẽ rà soát diện tích vườn cây ăn trái bị thiệt hại để trình UBND huyện xem xét và có hướng hỗ trợ theo quy định”.

Sau khi nắm bắt tình hình, UBND huyện Tháp Mười kịp thời chỉ đạo 2 xã Phú Điền và Đốc Binh Kiều phối hợp, đôn đốc trạm bơm rút nước để cứu diện tích vườn cho người dân.

Thủy triều lên mấp mé giàn hoa. Ảnh: Mỹ Nhân

Thủy triều lên mấp mé giàn hoa. Ảnh: Mỹ Nhân

Sa Đéc: hoa kiểng ngập sâu trong nước

Không chỉ hoa màu, cây ăn trái, triều cường còn dâng cao gây ngập lụt một số diện tích hoa kiểng, nhà cửa và một số tuyến đường tại làng hoa Sa Đéc. Triều cường dâng cao đã gây khó khăn trong sinh hoạt, đi lại cũng như việc cơi nới hoa kiểng của bà con tại làng hoa.

Anh Trương Văn Út có khoảng 1.000m2 trồng hoa kiểng tại tuyến đường Hoàng Sa thuộc khóm 3, phường 3, TP.Sa Đéc cho biết: “Do chủ quan năm nay nước về trễ lại không lớn nên tôi không chuẩn bị cơi nới hoa kiểng từ trước. Khi mưa lớn kéo dài cộng với triều cường dâng cao khoảng 2 tấc làm ngập luôn con lươn đường Hoàng Sa khiến tôi không kịp trở tay. Một số cây sứ trồng dưới đất bị thiệt hại nặng. Riêng chi phí cho phần công cơi nới cũng tốn trên chục triệu đồng...”.

Không chỉ vậy, việc triều cường đột ngột dâng cao gây khó khăn cho đời sống của người dân. Chú Trần Thanh Long ở khu vực bờ kè thuộc khóm 2, phường 3 cho biết, con nước 30 vừa qua đã ngập lên nhà chú hơn 2 tấc khiến cuộc sống sinh hoạt bị đảo lộn. “Cả nhà tôi phải tranh thủ lúc nước giựt xuống lúc 8 giờ sáng là nấu cơm, đi chợ... Bởi qua thời gian này, nước ngập lên sẽ khó khăn trong việc di chuyển. Giờ tôi chỉ mong cho hai con nước tới đừng lên quá lớn để người dân bớt khó khăn trong sinh hoạt” - chú Long nói thêm.

Theo ông Đỗ Văn Thậm - Trưởng Phòng Kinh tế TP.Sa Đéc, triều cường dâng cao mấy ngày qua ảnh hưởng đến một phần nhỏ diện tích hoa kiểng của thành phố nhưng không gây thiệt hại đáng kể. Nhằm hạn chế thiệt hại trong sản xuất, sinh hoạt của người dân, thành phố chủ trương cho đắp bao đất chắn ngang các đoạn nước tràn khu vực bờ kè để hạn chế nước tràn vào các cống, cửa xả nước. Bên cạnh đó, cử cán bộ đi kiểm tra các đoạn đê bao, cống nước xung yếu để có cảnh báo kịp thời tình hình thủy văn cho người dân.

Ông Khương Lê Bình - Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Đồng Tháp cho biết, thời gian tới, mực nước nước khu vực đầu nguồn của tỉnh sẽ tiếp tục xuống thấp. Mực nước khu vực nội đồng Tháp Mười của tỉnh sẽ biến đổi chậm đến giữa tháng 10/2019, sau đó sẽ xuống dần. Đối với mực nước khu vực phía Nam đã đạt đỉnh triều cao nhất năm ngày 30/9 và sẽ xuống dần trong khoảng 8 ngày tới, sau đó sẽ lên trở lại theo triều. Nhìn chung, khu vực phía Nam còn chịu tác động của 2 kỳ triều cường cao ở mức báo động III vào giữa và cuối tháng 10 này.

Theo đó, hai đợt triều cường sắp tới vào giữa và cuối tháng 10/2019 tuy không cao bằng đợt triều cường cuối tháng 9 vừa qua nhưng ở mức xấp xỉ nên sẽ rất nguy hiểm cho những vườn cây ăn trái, ao cá, đường giao thông nông thôn, nhà có nền thấp tại các huyện phía Nam của tỉnh như Lai Vung, Châu Thành, Lấp Vò, Cao Lãnh... Đặc biệt, nếu kỳ triều cường diễn ra đúng vào lúc thời tiết xấu như có giông gió lớn, mưa to kéo dài thì nguy cơ vỡ bờ bao, úng ngập là rất lớn. Do đó, trong thời gian tới, người dân cần tăng cường theo dõi bản tin thời tiết thủy văn, tiếp tục theo dõi chặt chẽ, gia cố nhà cửa, bờ bao đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản...

MỸ NHÂN - MỸ LÝ

Nguồn Đồng Tháp: http://www.baodongthap.vn/kinh-te/san-xuat-nong-nghiep-bi-anh-huong-boi-trieu-cuong-87031.aspx