Sản xuất nông nghiệp tháng 7/2024: Thủy sản nuôi trồng tăng khá, gieo cấy lúa nỗ lực sau mưa lũ

Trong tháng 7/2024, sản lượng thủy sản nuôi trồng ước đạt 490,7 nghìn tấn, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm trước. Về sản xuất lúa, do mưa lũ nên nhiều diện tích lúa bị ngập úng phải cấy dặm hoặc gieo cấy lại. Đối với ngành lâm nghiệp, do giá gỗ tăng cao nên người dân đang tăng diện tích trồng rừng và khai thác gỗ rừng trồng…...

Trồng lúa áp dụng các kỹ thuật tiên tiến để đảm bảo năng suất và sản lượng. Ảnh minh họa.

Trồng lúa áp dụng các kỹ thuật tiên tiến để đảm bảo năng suất và sản lượng. Ảnh minh họa.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) dự báo tăng trưởng xuất khẩu thủy sản nửa cuối năm 2024 sẽ cao hơn cùng kỳ năm trước khoảng 15%. Do đó, nuôi trồng và khai thác thủy sản đang nỗ lực gia tăng sản lượng để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

TĂNG SẢN LƯỢNG THỦY SẢN NUÔI TRỒNG

Theo số liệu báo cáo của Tổng cục Thống kê, sản lượng thủy sản tháng 7/2024 ước đạt 841,1 nghìn tấn, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, sản lượng cá ước đạt 588,0 nghìn tấn, tăng 2,0%; tôm ước đạt 139,2 nghìn tấn, tăng 3,2%; thủy sản khác ước đạt 113,9 nghìn tấn, tăng 1,9%.

Sản lượng thủy sản nuôi trồng trong tháng 7/2024 ước đạt 490,7 nghìn tấn, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: cá đạt 307,9 nghìn tấn, tăng 3,2%; tôm đạt 127,7 nghìn tấn, tăng 3,5 %.

“Sản lượng cá tra thu hoạch trong tháng 7/2024 ước đạt 139,0 nghìn tấn, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước do giá cá tra nguyên liệu duy trì ổn định ở mức giá cao và xuất khẩu cá tra đang có dấu hiệu phục hồi nên hộ nuôi cá và doanh nghiệp điều chỉnh sản lượng nuôi phù hợp để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu”.

Tổng cục Thống kê.

Sản lượng tôm thu hoạch trong tháng 7/2024 tăng so với cùng kỳ năm trước do đang vào kỳ thu hoạch. Sản lượng tôm thẻ chân trắng ước đạt 93,1 nghìn tấn, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng tôm sú ước đạt 29,1 nghìn tấn, tăng 2,4%.

Trong tháng 7/2024, sản lượng thủy sản khai thác trong ước đạt 350,4 nghìn tấn, tăng 0,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, sản lượng cá khai thác đạt 280,1 nghìn tấn, tăng 0,7%; tôm đạt 11,5 nghìn tấn tương đương cùng kỳ năm trước; thủy sản khác đạt 58,8 nghìn tấn, tăng 0,2%. Sản lượng thủy sản khai thác biển ước đạt 336,2 nghìn tấn, tăng 0,7% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 7 tháng năm 2024, sản lượng thủy sản ước đạt 5.225,8 nghìn tấn, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước. Bao gồm: Cá đạt 3.760,2 nghìn tấn, tăng 2,5%; tôm đạt 699,0 nghìn tấn, tăng 3,9%; thủy sản khác 766,6 nghìn tấn, tăng 2,1% so với cùng kỳ năm trước.

Đối với ngành lâm nghiệp, diện tích rừng trồng mới tập trung cả nước tháng 7/2024 ước đạt 13,8 nghìn ha, tăng 6,9% so với cùng kỳ năm trước. Một số tỉnh có tiến độ trồng rừng tăng cao: Quảng Bình tăng 7,3%, Nghệ An tăng 6,4%, đặc biệt Yên Bái và Phú Thọ lần lượt tăng 8 lần và 43 lần (tương ứng tăng 111 ha và 593 ha). Ngoài ra, số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 6,5 triệu cây, tăng 4% so với cùng kỳ năm trước.

Sản lượng gỗ rừng trồng khai thác trong tháng 7/2024 đạt 1.945,7 nghìn m3, tăng 7,8% do giá gỗ nguyên liệu có xu hướng tăng, người dân đẩy mạnh khai thác gỗ đến tuổi thu hoạch. Một số địa phương có sản lượng khai thác gỗ tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Yên Bái tăng 17,4%; Tuyên Quang tăng 12,7%; Nghệ An tăng 9,7%; Quảng Ngãi 7,9%; Quảng Ninh tăng 7,7%.

Tính chung 7 tháng năm 2024, diện tích rừng trồng mới tập trung ước đạt 143,4 nghìn ha, tăng 4,6% so cùng kỳ năm trước; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 51,1 triệu cây, tăng 3%; sản lượng gỗ khai thác đạt 11.943,2 nghìn m3, tăng 7,1%.

Diện tích rừng bị thiệt hại trong tháng 7/2024 là 80,5 ha, giảm 61,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, rừng bị chặt, phá là 49,7 ha, giảm 64,1%; diện tích rừng bị cháy là 30,8 ha, giảm 55,1%. Tính chung 7 tháng năm 2024, cả nước có 1.303 ha rừng bị thiệt hại, giảm 5,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, diện tích rừng bị chặt, phá là 588,0 ha, giảm 23,0%; diện tích rừng bị cháy là 715,0 ha, tăng 16,8%.

NỖ LỰC SẢN XUẤT LÚA

Báo cáo của Tổng cục Thống kê ghi nhận đến trung tuần tháng Bảy, cả nước gieo cấy được 1.902,2 nghìn ha lúa hè thu, bằng 99,6% cùng kỳ năm trước. Trong đó, các địa phương phía Bắc đạt 173,6 nghìn ha, bằng 100,6%; các địa phương phía Nam đạt 1.728,6 nghìn ha, bằng 99,5%, riêng vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt 1.465,9 nghìn ha, bằng 99,5%.

Tiến độ xuống giống lúa hè thu năm nay chậm hơn cùng kỳ năm trước chủ yếu do ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn từ đầu năm. Đến nay, phần lớn lúa hè thu đang ở thời kỳ sinh trưởng, đẻ nhánh, trổ đòng. Diện tích thu hoạch lúa hè thu sớm đạt 510,6 nghìn ha, bằng 105,7% cùng kỳ năm trước, trong đó vùng Đồng bằng sông Cửu Long thu hoạch 496,6 nghìn ha, bằng 105,6%.

Với sản xuất lúa vụ Thu Đông, Tổng cục Thống kê cho hay tính đến ngày 15/7/2024, vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã xuống giống được 297,1 nghìn ha lúa thu đông, bằng 110,7% cùng kỳ năm trước, chủ yếu do một số địa phương đã tăng diện tích trên nền thu hoạch sớm vụ hè thu năm 2024. Hiện lúa thu đông trà đầu đang ở giai đoạn mạ, đẻ nhánh đến làm đòng, sinh trưởng và phát triển tốt.

Do thời tiết mưa nhiều, độ ẩm và nhiệt độ cao, thuận lợi cho dịch bệnh nấm phát triển, ngành Nông nghiệp các địa phương cần khuyến cáo bà con nông dân thường xuyên thăm đồng ruộng, thực hiện tốt các biện pháp phòng, trị sâu bệnh nhằm bảo đảm sản xuất vụ lúa thu đông tốt nhất.

Trong khi ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang là thời kỳ tập trung sản xuất lúa vụ hè thu và thu đông, thì ở vùng Đồng bằng sông Hồng đang tập trung sản xuất vụ lúa mùa. Theo Tổng cục Thống kê tính đến ngày 15/7/2024, cả nước gieo cấy được 1.206,9 nghìn ha lúa mùa, bằng 99,5% cùng kỳ năm trước. Trong đó, các địa phương phía Bắc gieo cấy 852,5 nghìn ha, bằng 99,3%; các địa phương phía Nam gieo cấy 354,4 nghìn ha, tương đương cùng kỳ năm trước.

Trong nửa cuối tháng 7/2024, mưa lớn diễn ra trên diện rộng đã gây ngập úng nhiều diện tích lúa ở vùng Đồng bằng sông Hồng. Thống kê sơ bộ đã gần 60 nghìn ha lúa bị ảnh hưởng.

Riêng tỉnh Nam Định, theo ước tính, trong đợt mưa lớn từ ngày 14 - 20/7, toàn tỉnh có khoảng 35.000ha lúa (50% diện tích) bị ngập úng phải gieo cấy lại và dặm tỉa, tập trung ở các huyện: Hải Hậu, Ý Yên, Nghĩa Hưng, Nam Trực, Trực Ninh.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nam Định đã chỉ đạo phương án cứu lúa. Những diện tích lúa bị ngập úng dưới 48 giờ khả năng thiệt hại nhỏ, chờ sau khi nước rút 3-4 ngày chăm sóc theo quy trình hướng dẫn. Những diện tích lúa bị ngập trắng và phất phơ từ 48-72 giờ khả năng thiệt hại khoảng 30-70% số cây, thì phải tận dụng mạ dư, mạ dự phòng để cấy dặm hoặc cấy dồn. Việc gieo cấy lại, cấy dặm bù diện tích lúa đã chết phải hoàn thành gieo cấy xong trước ngày 8/8/2024.

Trong đợt mưa lũ sau bão số 2, ngày 22-24/7/2024, số liệu từ Cục Đê điều và Phòng chống thiên tai, cho biết đã có khoảng 26.000 ha lúa bị ngập úng. Các địa phương bị ngập nặng gồm: Nam Định, Ninh Bình, Hà Nam, Hà Nội và Bắc Giang. Hàng trăm công trình tiêu úng được vận hành để cứu lúa trong những ngày vừa qua.

Theo dự báo, trong thời gian tới thời tiết diễn biến phức tạp, khó lường, khả năng xuất hiện nhiều cơn bão, áp thấp nhiệt đới bất thường tại các địa phương phía Bắc và nắng nóng, hạn hán gay gắt tại các địa phương phía Nam.

Do đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã khuyến cáo các địa phương cần tăng cường công tác chỉ đạo sản xuất, hướng dẫn người dân các biện pháp chăm sóc lúa; duy trì mực nước thường xuyên, chủ động chống úng kịp thời cho lúa, nhằm đảm bảo an ninh lương thực trong nước và đảm bảo nguồn cung đáp ứng cho xuất khẩu gạo.

Chu Khôi

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/san-xuat-nong-nghiep-thang-7-2024-thuy-san-nuoi-trong-tang-kha-gieo-cay-lua-no-luc-sau-mua-lu.htm