Sản xuất nông nghiệp theo quy hoạch: Để tránh điệp khúc 'giải cứu'
Tình trạng nhiều loại cây, con nuôi trồng vượt quy hoạch hoặc không trong quy hoạch đang khiến sản xuất nông nghiệp rơi vào nguy cơ phải 'giải cứu', khi cung vượt quá cầu.
Đầu tháng 5, hơn 40 tấn chanh tứ mùa của người dân xã Kim Bình (Chiêm Hóa) đã phải kêu gọi “giải cứu”. Đáng nói, ở Kim Bình, cây chanh tứ mùa không phải là cây trồng chủ lực và cũng không được xã khuyến khích người dân nhân rộng diện tích. Cả xã hiện có hơn 5 ha chanh tứ mùa, được bà con tận dụng đất vườn, đất bãi để trồng, tăng thu nhập. Tuy nhiên, sau Tết Nguyên đán, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, thị trường tiêu thụ các loại sản phẩm nói chung và chanh tứ mùa nói riêng chậm lại. 40 tấn chanh này mới chỉ ở 3 ha, của 1 hộ gia đình. Nếu hơn 5 ha chanh tứ mùa ở Kim Bình cho thu hoạch rộ cùng một thời điểm, thì việc “giải cứu” sẽ vất vả hơn nhiều. Ông Đào Ngọc Vang, Chủ tịch UBND xã Kim Bình cho biết, ngoài cây chanh tứ mùa không nằm trong quy hoạch cây trồng chủ lực của xã, thì Kim Bình hiện còn gần 30 ha cây ăn quả, bao gồm nhãn, bưởi, vải. Diện tích những cây trồng này bắt đầu phát triển mạnh từ khoảng 3 năm trở lại đây, hầu hết trồng trên diện tích mía phế canh của xã.
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tramô hình chăn nuôi thỏ tại xã Thượng Ấm (Sơn Dương).
Qua rà soát của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, trong 2 năm 2018, 2019, diện tích cây ăn quả tăng nhanh, không theo quy hoạch đã được phê duyệt, đặc biệt là ở nhóm cây có múi (bưởi, chanh, cam). Theo thống kê sơ bộ, diện tích nhóm cây có múi tăng gần 3,4 nghìn ha so với năm 2017, trong đó diện tích bưởi tăng trên 2,7 lần, diện tích chanh tăng trên 2 lần. Đáng nói là các loại cây trồng này trồng trên các loại đất được quy hoạch để trồng cây lương thực, cây công nghiệp, cây lâm nghiệp, trên đất có độ dốc lớn hoặc vùng đất thấp, thoát nước kém, dẫn đến sâu bệnh gây hại trên diện rộng, năng suất, chất lượng giảm, giá trị và hiệu quả kinh tế đạt thấp. Thêm vào đó, phần lớn sản phẩm là phục vụ ăn tươi, nội tiêu nên nguy cơ cung vượt cầu ở thời điểm chính vụ thu hoạch là rất lớn.
Cây bưởi hiện là cây trồng vượt quy hoạch nhiều nhất tỉnh. Theo quy hoạch trồng trọt giai đoạn 2013 - 2020, diện tích bưởi đến hết năm 2020 chỉ ở con số trên 700 ha, nhưng đến thời điểm này, con số thực tế là gần 3,7 nghìn ha. Chỉ tính riêng xã Phúc Ninh (Yên Sơn), diện tích bưởi đầu năm 2020 đạt trên 920 ha, trong đó có trên 500 ha cho thu hoạch, vượt diện tích quy hoạch của cả tỉnh đến năm 2020.
Trong khi đó, diện tích mía lại giảm nhanh, mạnh so với quy hoạch chung của tỉnh. Đến hết tháng 5 - 2020, diện tích mía phế canh xấp xỉ 4.000 ha, khiến diện tích mía toàn tỉnh giảm từ trên 8.000 ha xuống chỉ còn khoảng 3.000 ha. Diện tích này hầu hết được người dân chuyển sang các loại cây trồng khác như cây ăn quả (463 ha), cây lâm nghiệp (795 ha), cây ngô (753 ha), sắn (594 ha), cỏ voi, sả (394 ha), chuối (121 ha), còn lại là các loại cây trồng khác…
Ông Trần Ngọc Thanh, Trưởng phòng Trồng trọt, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết, diện tích tăng dẫn đến sản lượng cũng tăng vượt trội so với nhu cầu thị trường. Qua rà soát thực tế, đã có nhiều thời điểm giá sản phẩm cây ăn quả sản xuất trên địa bàn tỉnh giá bán thấp hơn so với sản phẩm cùng loại của các tỉnh lân cận. Nguyên nhân là do người dân chưa tập trung đầu tư thâm canh, áp dụng quy trình kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch, tiêu thụ nên chất lượng sản phẩm không đồng đều, diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn còn ít, việc xúc tiến thương mại, tìm kiếm đầu ra theo chuỗi chưa được quan tâm đúng mức mà chủ yếu vẫn qua kênh thương lái thu mua.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Đại Thành cho biết, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh cơ bản đáp ứng các quy hoạch của ngành, của tỉnh. Tuy nhiên, do nhu cầu thị trường, một số loại cây, con đang phát triển nhanh, phá vỡ quy hoạch chung, đặc biệt nằm ở nhóm cây ăn quả. Xử lý việc phá vỡ quy hoạch hiện tương đối khó khăn, do chưa có chế tài xử lý triệt để. Các địa phương hiện mới chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân. Thêm vào đó, việc mỗi tỉnh thực hiện một quy hoạch mà thiếu quy hoạch vùng, quy hoạch chung của cả nước dẫn đến nhiều địa phương cùng quy hoạch một loại cây trồng là cây trồng chủ lực. Ông Thành cho rằng, để sản xuất nông nghiệp đảm bảo đúng theo quy hoạch, cần phải có một nguồn lực đủ mạnh để đảm bảo giám sát, thực hiện chặt chẽ; quy hoạch của tỉnh cũng phải gắn với quy hoạch vùng và toàn quốc, để đảm bảo điều tiết thị trường chung, tránh tình trạng những sản phẩm của một tỉnh ít, nhưng trên toàn quốc lại thừa. Đơn cử như cây cam. Hiện nay, ngoài vùng cam sành Hàm Yên, nhiều địa phương khác như Yên Bái, Hà Giang cũng quy hoạch vùng trồng cam sành, dẫn đến việc thu hoạch cùng thời điểm, gây ứ đọng thị trường cùng một thời gian.
Giảm thiểu tối đa tình trạng phá vỡ quy hoạch ở các loại cây trồng, đặc biệt là nhóm cây ăn quả có múi, từ cuối năm 2019, ngành nông nghiệp đã ban hành văn bản tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân phát triển cây ăn quả theo đúng quy hoạch, kế hoạch. Theo đó, kiên quyết không phát triển diện tích cây ăn quả ở những vùng không thuận lợi về thổ nhưỡng, khí hậu, đất đai, địa hình, không có cam kết tiêu thụ sản phẩm để tránh rủi ro trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Thường xuyên kiểm tra và xử lý nghiêm việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tổ chức sản xuất không đúng quy định của pháp luật; rà soát, lập kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa để sử dụng có hiệu quả đất trồng lúa, vừa đảm bảo an ninh lương thực, vừa phát triển hiệu quả cây trồng lợi thế của địa phương. Đối với những vùng đã nằm trong quy hoạch, ngành tập trung mở các lớp tập huấn, hướng dẫn người dân đẩy mạnh đầu tư thâm canh, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất như ghép mắt cải tạo cây ăn quả già cỗi, thụ phấn bổ sung, bón bổ sung các chất hữu cơ, chất trung, vi lượng… để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, lấy nâng cao chất lượng làm mục tiêu phấn đấu để sản phẩm có sức cạnh tranh trên thị trường.