Sản xuất nông nghiệp tuần hoàn để phát triển bền vững

Gần đây, nông nghiệp tuần hoàn được nhắc đến nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng và được các địa phương rất quan tâm. Bởi đây là quy trình sản xuất khép kín. Trong đó, được ứng dụng khoa học - công nghệ xử lý các phụ phẩm, chất thải thành các nguyên liệu tái chế là đầu vào cho sản xuất nông nghiệp, tạo ra sản phẩm an toàn, thân thiện với môi trường, tiết kiệm nhiều tài nguyên thiên nhiên. Việc này sẽ giúp bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và hạn chế được các diễn biến tiêu cực của biến đổi khí hậu. Và đây cũng là giải pháp để nông nghiệp phát triển bền vững.

Đồng Nai có diện tích sản xuất nông nghiệp rất lớn. Riêng trồng trọt có hơn 311,5 ngàn hécta, bao gồm hơn 141 ngàn hécta cây hàng năm và gần 170 ngàn hécta cây lâu năm. Với phụ phẩm, chất thải từ trồng trọt, nhiều trang trại, hộ gia đình trên địa bàn tỉnh đã thu gom để ủ thành phân bón hữu cơ. Tuy nhiên, có gia đình vẫn đốt bỏ gây lãng phí và ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, tỉnh cũng có tổng đàn heo, gà thuộc tốp đầu của cả nước nên nguồn chất thải từ chăn nuôi, trồng trọt rất nhiều. Thời gian qua, các trang trại chăn nuôi của tỉnh đã thu gom chất thải làm biogas, bán lại cho các doanh nghiệp sản xuất phân bón. Bước đầu, Đồng Nai đã hình thành mô hình sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, nhưng vẫn chưa phổ biến. Sản xuất nông nghiệp tuần hoàn sẽ là cơ sở để Đồng Nai tham gia vào sản xuất xanh, bền vững. Đồng thời, tỉnh sẽ có tấm vé thông hành để đưa nông sản, thực phẩm xuất khẩu vào nhiều thị trường lớn như: Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản…

Trong dịp đầu năm 2024, khi đến Việt Nam tìm nguồn cung hàng hóa cho hệ thống siêu thị, nhà hàng, cửa hàng trên thế giới, các tập đoàn bán lẻ đa quốc gia đánh giá, Đồng Nai có nhiều nông sản có thể xuất khẩu sang các nước. Bởi tỉnh có diện tích, sản lượng lớn, hiện chỉ còn vướng ở khâu sản phẩm phải truy xuất được nguồn gốc, đảm bảo các tiêu chí về sản xuất tuần hoàn, xanh, ít phát thải. Nếu đáp ứng được các điều kiện trên, nông sản của Đồng Nai sẽ được nhiều thị trường nhập khẩu với số lượng lớn, giá cao. Có đầu ra thuận lợi, ổn định lâu dài và giá bán sản phẩm cao sẽ giúp cho nông dân tăng được thu nhập trên cùng diện tích sản xuất. Như vậy, nông dân sẽ yên tâm tái đầu tư cho công nghệ ứng dụng vào trong canh tác để tăng năng suất, chất lượng.

Nông dân chậm chân trong sản xuất tuần hoàn sẽ liên tục rơi vào vòng luẩn quẩn được mùa mất giá, hàng dội chợ không bán được.

Uyển Nhi

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202407/san-xuat-nong-nghiep-tuan-hoan-de-phat-trien-ben-vung-0d95f6e/