Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tạo chuyển biến tích cực
Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) trong sản xuất nông nghiệp thời gian qua giúp nhiều hộ nông dân trên địa bàn tỉnh Long An có thêm cơ hội phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập.
Lợi nhuận tăng
Sau 3 năm thực hiện Đề án Nông nghiệp ƯDCNC gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trên địa bàn tỉnh có nhiều mô hình sản xuất hiệu quả. Bí thư Huyện ủy Cần Giuộc - Phạm Văn Bốn cho biết: “Sản xuất rau ƯDCNC trên địa bàn huyện cho lợi nhuận cao gấp 7-10 lần so với trồng lúa. Nông sản có đầu ra ổn định, tránh tình trạng được mùa, rớt giá. Hiện huyện thực hiện chuỗi liên kết cho 15 hợp tác xã (HTX), 20 tổ hợp tác (THT) với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt, HTX Phước Thịnh cung cấp trung bình 8 tấn rau sạch/ngày. Dự kiến đến cuối năm 2019, toàn huyện thực hiện 950ha rau ƯDCNC”.
Theo Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX Rau củ quả Khánh Hậu (TP.Tân An) - Trần Văn Minh, HTX có 21 thành viên sản xuất 25ha. Thực hiện mô hình ƯDCNC, các thành viên trồng rau đạt hiệu quả và có lợi nhuận cao hơn lúa từ 4-5 lần.
Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Dương Xuân (huyện Châu Thành) - Nguyễn Hữu Gia cho biết: “HTX xây dựng vùng nguyên liệu 254ha thanh long, trong đó mô hình sản xuất đạt chuẩn VietGAP là 21,5ha. Các thành viên tham gia sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm với Công ty Nafood và một số công ty trong, ngoài tỉnh. Hiện nay, các hộ nông dân sản xuất thanh long ƯDCNC có lợi nhuận trung bình từ 300-400 triệu đồng/năm/ha”.
Đối với cây lúa, theo đánh giá của nhiều nông dân, khi ƯDCNC thì lợi nhuận tăng hơn. Giám đốc HTX Hậu Thạnh Tây (huyện Tân Thạnh) - Phan Văn Kiệt chia sẻ: “HTX có 50 thành viên với diện tích sản xuất 118ha. Hiện nay, HTX liên kết với THT trên địa bàn, nâng tổng số thành viên lên 522 người và diện tích 1.344,5ha. Thời gian qua, HTX thực hiện được 11 mô hình sản xuất lúa ƯDCNC, trong đó có 1 mô hình theo hướng VietGAP. Mô hình được nhân rộng cho 293 nông dân với diện tích 742ha. Lợi nhuận trong mô hình cao hơn bên ngoài 2-4 triệu đồng/ha”.
Để nông sản có đầu ra ổn định, những năm qua, Sở Công Thương triển khai các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối giao thương không chỉ với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh mà còn ra nước ngoài. Giám đốc Sở Công Thương - Lê Minh Đức thông tin: “Tính đến tháng 9/2019, tỉnh ký kết được 191 hợp đồng bao tiêu sản phẩm (năm 2017 là 30 hợp đồng); xây dựng được 14 điểm bán thực phẩm an toàn tại các huyện và TP.Tân An. Dự kiến đến cuối năm 2019, tỉnh xây dựng thêm 13 điểm bán thực phẩm an toàn. Hiện tại, tỉnh đang phối hợp TP.HCM giới thiệu 4 sản phẩm tiêu biểu của địa phương: Thanh long, chanh, chuối và dưa lưới để quảng cáo xuất khẩu sang thị trường Thái Lan”.
“Để sản phẩm nông nghiệp có thể tiêu thụ được ở các thị trường lớn, khó tính phải bảo đảm các yếu tố: Đạt an toàn thực phẩm, đạt tiêu chuẩn cao như VietGAP, GlobalGAP; bao bì phải có truy xuất nguồn gốc; việc kết nối hợp tác 2 bên phải đặc biệt giữ chữ tín. Trong cơ chế thị trường hiện nay, nông dân, THT, HTX phải thay đổi tư duy ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Khi xây dựng kế hoạch, người sản xuất phải xác định tiêu thụ ở đâu là quan trọng” - ông Lê Minh Đức nhấn mạnh.
Còn nhiều khó khăn
Trong quá trình triển khai thực hiện chương trình phát triển nông nghiệp ƯDCNC, tỉnh gặp nhiều “rào cản”. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Thanh Truyền cho biết: “Phát triển nông nghiệp ƯDCNC là xu hướng tất yếu để hướng đến một nền nông nghiệp sạch và là giải pháp hữu hiệu nâng cao giá trị kinh tế trên cùng một diện tích canh tác. Mặc dù đạt nhiều kết quả khả quan nhưng nông nghiệp ƯDCNC trên địa bàn tỉnh còn không ít khó khăn, hạn chế. Cụ thể, quy mô sản xuất chủ yếu vẫn là hộ; đất đai phân tán, nhỏ, lẻ. Sản xuất nông nghiệp ƯDCNC đòi hỏi vốn đầu tư lớn, lực lượng lao động có trình độ quản lý và tay nghề cao cho nên chỉ có những tổ chức, cá nhân có điều kiện về năng lực chuyên môn, vốn mới thực hiện được. Nhiều sản phẩm công nghệ cao và theo hướng công nghệ cao nhưng chưa xây dựng được nhãn hiệu, vì vậy giá bán chênh lệch không nhiều so với sản phẩm bình thường, hiệu quả kinh tế thấp. Ngoài ra, sản xuất nông nghiệp là lĩnh vực có nhiều rủi ro, thị trường tiêu thụ nông sản, nhất là sản phẩm chăn nuôi không ổn định, gây ảnh hưởng đến tâm lý đầu tư, phát triển sản xuất. Bên cạnh đó, hầu hết doanh nghiệp, HTX, trang trại trong lĩnh vực này chủ yếu có quy mô nhỏ, vốn ít, năng lực cạnh tranh thấp nên chưa tạo được nguồn sản phẩm hàng hóa lớn. Trái lại, một số nhà đầu tư tâm huyết, tiềm năng muốn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ƯDCNC nhưng không có quỹ đất sạch để bố trí”.
Cũng theo ông Truyền, trong quá trình thực hiện nông nghiệp ƯDCNC, việc xây dựng, nhân rộng các mô hình còn khó khăn. Nhiều loại cây trồng chủ lực của tỉnh hay các thế mạnh chăn nuôi chưa có chính sách riêng đặc thù đủ mạnh để phát triển bứt phá; địa phương, doanh nghiệp chưa xây dựng được đội ngũ cán bộ kỹ thuật có trình độ phù hợp;…
Phát triển sản phẩm chủ lực theo hướng liên kết
Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Tư vấn kinh tế hợp tác, Trường Cán bộ Quản lý nông nghiệp và Phát triển nông thôn II - Trần Minh Hải cho rằng: “Long An muốn phát triển nông nghiệp ƯDCNC tương xứng với tiềm năng, lợi thế, các cấp, ngành, địa phương phải nghiên cứu để có những giải pháp mang tính đột phá hơn. Trước mắt, tỉnh cần đẩy mạnh tái cấu trúc ngành nông nghiệp, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế vùng, sản xuất các sản phẩm chủ lực theo hướng liên doanh, liên kết. Để làm được điều này, tỉnh tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung hoàn thiện quy hoạch chi tiết các loại cây chủ lực, các lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế, từ đó xác định vùng sản xuất nông nghiệp ƯDCNC cho từng loại cây trồng, vật nuôi, thủy sản. Việc đổi mới, nâng cao hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường, quảng bá mặt hàng nông, lâm, thủy sản của tỉnh cả trong và ngoài nước; tăng cường tổ chức nghiên cứu, phân tích, dự báo thị trường, xây dựng thương hiệu, tháo gỡ các “rào cản” thương mại, thúc đẩy sản xuất nông, lâm, thủy sản, bảo đảm tiêu thụ nông sản kịp thời, hiệu quả cho cả doanh nghiệp và người sản xuất.
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Phạm Văn Rạnh nhấn mạnh: “Việc thực hiện ƯDCNC góp phần không nhỏ trong đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng nông nghiệp của tỉnh. Thành quả lớn nhất sau 3 năm triển khai thực hiện đưa ƯDCNC vào sản xuất nông nghiệp là thay đổi nhận thức của cả hệ thống chính trị và bộ phận lớn nông dân sản xuất; đồng thời, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trong đó sẽ chọn phát triển nền nông nghiệp sạch gắn với các loại nông sản hữu cơ. Theo đó, tỉnh xác định liên kết giữa các khâu sản xuất hình thành chuỗi nâng cao giá trị nông sản, chú trọng gắn kết giữa sản xuất với thị trường. Hiện tỉnh xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách giúp thúc đẩy sản xuất và thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị.
Thời gian tới, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu những mô hình sản xuất hiệu quả và phát huy nội lực HTX; đẩy nhanh việc xây dựng các HTX điểm ƯDCNC, phấn đấu cuối năm 2019 hoàn thành việc xây dựng 4 HTX điển hình để chương trình lan tỏa; củng cố các chuỗi thực phẩm được kiểm soát; tiếp tục hỗ trợ THT, HTX sản xuất được chứng nhận GAP tham gia chuỗi cung ứng thực phẩm và tham gia chợ phiên nông sản an toàn TP.HCM; tăng cường công tác xúc tiến thương mại cho các mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh”./.
Sau 3 năm thực hiện Đề án Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tỉnh xây dựng được 43 hợp tác xã (16 hợp tác xã điểm), 151 tổ hợp tác. Nổi trội là vùng thanh long phát triển được 2.077,53ha, đạt 103,9% kế hoạch; vùng lúa thực hiện được 15.075ha (đạt 75,38% kế hoạch); vùng rau an toàn thực hiện được 1.476,8ha (đạt 73,8% kế hoạch); vùng nuôi bò thực hiện 4 mô hình điểm, ước đến năm 2020 xây dựng 10 mô hình điểm.