Sản xuất nông nghiệp…vượt khó

Ngành Nông nghiệp tỉnh ta vừa trải qua một năm khó khăn với sự biến đổi khí hậu, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi diễn biến phức tạp… Nhưng nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp và bà con nông dân, sản xuất nông nghiệp của tỉnh đã hoàn thành nhiều chỉ tiêu, kế hoạch.

Trồng rau xanh mang lại cho người dân xã Quyết Tiến (Quản Bạ) nguồn thu nhập ổn định.

Trồng rau xanh mang lại cho người dân xã Quyết Tiến (Quản Bạ) nguồn thu nhập ổn định.

Nhìn lại sản xuất nông nghiệp trong năm qua, ngay từ những tháng đầu năm đã xuất hiện bệnh hại cây trồng, như: Bệnh đạo ôn lá, đạo ôn cổ bông và đặc biệt là Sâu keo mùa thu xuất hiện trên cây ngô có sức tàn phá và lây lan nhanh; làm ảnh hưởng trên 6.000 ha ngô. Bên cạnh đó, dù triển khai nhiều biện pháp cấp bách phòng, chống dịch; nhưng trên địa bàn tỉnh vẫn xuất hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi, lây lan ra 89 xã; tổng số lợn chết và buộc phải tiêu hủy là 12,8 nghìn con. Tác động của dịch tả lợn châu Phi khiến đàn lợn của tỉnh chỉ còn 564,3 nghìn con, giảm 0,8% so với cùng kỳ năm trước; ngân sách nhà nước đã phải chi hàng chục tỷ đồng cho công tác phòng, chống và hỗ trợ tiêu hủy lợn bị dịch.

Người dân xã Quyết Tiến (Quản Bạ) cấy lúa chất lượng cao. Ảnh: LÊ HẢI

Người dân xã Quyết Tiến (Quản Bạ) cấy lúa chất lượng cao. Ảnh: LÊ HẢI

Đứng trước những thách thức của thị trường, một số sản phẩm chủ lực của tỉnh trong Đề án tái cơ cấu mặc dù đã có Chỉ dẫn địa lý, nhưng giá trị sản phẩm còn thấp, chưa có thị trường tiêu thụ ổn định, có nguy cơ bị làm giả, như: Mật ong Bạc hà, cam Sành. Sản xuất hàng hóa còn hạn chế, khi đưa được sản phẩm vào hệ thống siêu thị lại không thể duy trì được chất lượng sản phẩm cung ứng; các sản phẩm chủ lực sản xuất chưa theo chuỗi giá trị do chưa thu hút được doanh nghiệp lớn đầu tư vào địa bàn.

Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp đã đạt được những chỉ tiêu đáng kể như: Giá trị sản xuất ngành Nông, lâm, thủy sản năm 2019 ước đạt 7.259,9 tỷ đồng, tăng 3,7% so với cùng kỳ năm trước. Tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 406.251 tấn; ước giá trị thu hoạch đạt 45,42 triệu đồng/ha đất canh tác cây hàng năm. Triển khai thực hiện Đề án phát triển chăn nuôi nửa triệu con đại gia súc, ngành đã định hướng tập trung phát triển chăn nuôi theo quy mô gia trại, trang trại để thành hàng hóa lớn; đến nay, toàn tỉnh có 254 gia trại, trang trại. Trong đó, tổng đàn trâu đạt 173.740 con; đàn bò 119.318 con; đàn lợn 564.365 con; đàn gia cầm 4.963 nghìn con. Tỷ lệ che phủ rừng ước đạt 453.566 ha, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm trước. Thực hiện chương trình phát triển gia trại rau, hoa ứng dụng công nghệ mới, toàn tỉnh đã phát triển được 11,2 ha diện tích nhà lưới. Với nhiều chủng loại rau, hoa: Rau các loại, dưa lê, dưa Kim cô nương, hoa hồng… sản xuất ra sản phẩm an toàn, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng.

Ngành Nông nghiệp đã tập trung triển khai chương trình trọng tâm về phát triển nông nghiệp, nông thôn; chủ động chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn, như: Huyện Quang Bình, thành phố Hà Giang chuyển sang trồng lạc; huyện Mèo Vạc chuyển sang trồng rau, đậu. Cùng với đó, tiếp tục triển khai hiệu quả chương trình cánh đồng mẫu theo phương pháp “5 cùng”; làm tốt công tác chuẩn bị sản xuất, giống, vật tư, phân bón, theo dõi tình hình thời tiết để có những khuyến cáo tốt nhất cho quá trình sản xuất. Một số huyện đã hình thành được các liên kết sản xuất hàng hóa tập trung, như: Vị Xuyên, Quang Bình, Xín Mần, Bắc Mê, Bắc Quang. Chương trình quy tụ dân cư, chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” OCOP được cấp ủy, chính quyền các cấp chỉ đạo quyết liệt, hoàn thành vượt và về trước nghị quyết 1 năm; các sản phẩm OCOP được triển khai bài bản, chất lượng.

Định hướng kế hoạch phát triển nông, lâm nghiệp trong năm 2020, ngành Nông nghiệp tiếp tục tập trung vào hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra. Trong đó, phấn đấu tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 42 vạn tấn. Giá trị sản phẩm thu hoạch bình quân trên/ha đất cây trồng hàng năm đạt 50 triệu đồng. Tỷ trọng giá trị chăn nuôi/giá trị sản xuất nông nghiệp đạt trên 30%; tỷ lệ che phủ rừng đạt 58%... Bằng các giải pháp, như: Chỉ đạo về khung thời vụ khép kín; khuyến cáo đưa các bộ giống mới cho năng suất cao vào sản xuất; làm tốt công tác dự tính, dự báo sâu bệnh hại, dịch bệnh; khuyến khích phát triển chăn nuôi gia trại, trang trại; đẩy mạnh công tác chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, tổ chức lại sản xuất, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp…

Bài, ảnh: LÊ HẢI

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/kinh-te/202002/san-xuat-nong-nghiepvuot-kho-755837/