Sản xuất nước rửa tay giả phòng virus corona bị xử lý ra sao?
Luật sư cho rằng hành vi sản xuất dung dịch rửa tay pha cồn với nước để bán trục lợi giữa cơn dịch virus corona có thể bị xử lý hình sự nếu số tiền thu lời bất chính lớn.
Ngày 10/2, Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết đang củng cố hồ sơ để xử lý bà Quách Thị Hà Vân (ở huyện Thanh Trì) về hành vi tự sản xuất nước rửa tay, sát khuẩn không đảm bảo chất lượng, không đăng ký kinh doanh.
Người phụ nữ trình bày đã mua cồn 90 độ pha với nước tinh khiết và dung dịch glycerin để làm nước sát khuẩn, dung dịch rửa tay khô bán ra thị trường.
Việc làm của người phụ nữ ở Hà Nội khiến không ít người bức xúc giữa lúc dịch virus corona đang có diễn biến phức tạp. Nhiều ý kiến thắc mắc hành vi của chủ cơ sở trên sẽ bị xử lý ra sao?
Theo luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn luật sư Hà Nội), bà Vân mua cồn 90 độ để pha chế, sản xuất nước sát khuẩn, dung dịch rửa tay bán trục lợi trong hoàn cảnh cả xã hội đang phòng chống dịch có dấu hiệu vi phạm pháp luật nên cần xử lý nghiêm.
Hành vi của người phụ nữ đã xâm phạm các quy định của Nhà nước trong quản lý thị trường, xâm phạm lợi ích của người tiêu dùng, quyền được bảo hộ về sở hữu trí tuệ, kinh doanh đúng đắn của các doanh nghiệp, các nhà sản xuất.
Với chứng cứ thu thập được, bà Vân đã có hành vi làm giả hàng hóa, sản phẩm nước rửa tay khô. Để kết luận loại nước này nguy hại ra sao cần kết luận giám định của cơ quan chuyên môn. Tuy nhiên, chủ cơ sở không có đăng ký kinh doanh, đăng ký chất lượng nên hàng hóa làm ra sẽ không đúng với nguồn gốc bản chất tự nhiên, tên gọi của hàng hóa.
Quá trình điều tra, nếu xác định số tiền người phụ nữ trục lợi dưới 30 triệu đồng thì sẽ xử phạt hành chính theo Điều 10 Nghị định 185/2013 quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ người tiêu dùng.
Ngoài ra, tùy theo tính chất, mức độ và hành vi mà người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Sản xuất, buôn bán hàng giả, quy định tại Điều 192 Bộ luật Hình sự nếu trị giá hàng hóa làm giả theo giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn từ 30 triệu đồng trở lên.
Người bị truy cứu theo Điều 192 Bộ luật Hình sự sẽ bị phạt tiền tối đa 1 tỷ đồng hoặc bị phạt tù cao nhất 15 năm. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hay toàn bộ tài sản.