Sản xuất nước sát khuẩn giả có thể bị phạt tù

Thời gian qua, sự gia tăng đột biến nhu cầu của người dân về một số mặt hàng như khẩu trang, dung dịch sát khuẩn để phòng dịch... lợi dụng sự khan hiếm này một số đối tượng đã gia tăng đầu cơ, nâng giá, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng.

Điều đáng nói với sản phẩm không đảm bảo chất lượng này ngoài việc không có tác dụng phòng bệnh, mà còn có nguy cơ đe dọa sự an toàn về sức khỏe, tính mạng người dân.

Liên tiếp phát hiện nước sát khuẩn giả

Mới đây, ngày 9/2, cơ quan CSĐT công an tỉnh Thái Bình kiểm tra đột xuất cơ sở sản xuất của Công ty Thiên Y Việt (ở đường Trần Hưng Đạo, phường Trần Hưng Đạo, TP Thái Bình). Tổ công tác phát hiện 1 xe ôtô chở 14 thùng carton dán kín, mỗi thùng có chứa 30 chai dung dịch màu trắng ghi nhãn hiệu Rencide III - nước xịt tay sạch khuẩn được sản xuất bởi Công ty Thiên Y Việt không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc sản phẩm.

Lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra khu vực sản xuất của Công ty Thiên Y Việt.

Lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra khu vực sản xuất của Công ty Thiên Y Việt.

Kiểm tra kho hàng, lực lượng chức năng phát hiện trên 6.400 chai chứa dung dịch loại 100ml, 500ml chưa dán tem nhãn, gần 1.000 chai loại 100ml, 150ml, 500ml dán tem, nhãn hiệu Rencide, Hand sanitizer. Theo đó, Sở Y tế Thái Bình cho biết, việc sản xuất các sản phẩm nước rửa tay trên của Công ty Thiên Y Việt là không đúng quy định của pháp luật. Do vậy, lực lượng chức năng đã đình chỉ các hoạt động cơ sở sản xuất của công ty này. Hiện, vụ việc đang được cơ quan chức năng tiếp tục điều tra, làm rõ.

Trước đó, chiều ngày 8/2, Đội QLTT số 26 (Cục QLTT Hà Nội) phối hợp với cơ quan công an đã kiểm tra cơ sở sản xuất nước sát khuẩn, nước rửa tay khô có địa chỉ tại P.1816-CT2, Khu nhà ở cán bộ Viện Quân y 103, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì do bà Quách Thị Hà Vân làm chủ. Nơi sản xuất là 1 căn hộ chung cư. Tại thời điểm kiểm tra, trên nền nhà còn nhiều chai lọ, túi nylon và cồn. Chủ cơ sở đã mua cồn 90 độ, sang chiết từ các can 50 lít ra chậu, pha cùng dung dịch glycerin với nước tinh khiết và đóng vào các chai, lọ để bán ra thị trường. Tại thời điểm kiểm tra, chủ cơ sở chưa xuất trình được công bố chất lượng và đăng ký kinh doanh.

Liên quan đến vấn đề trên, thông tin từ Bộ Công an cho biết, từ đầu tháng 2/2020 đến nay, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu Bộ Công an (C03) đã phát hiện, thu giữ hơn 422.000 khẩu trang y tế các loại và gần 4.000 chai dung dịch rửa tay không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ...

Đáng chú ý, để trục lợi, các đối tượng đã gia tăng sản xuất khẩu trang kém chất lượng hoặc đầu cơ hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, nâng giá bán khẩu trang y tế cho người dân lên gấp 4 đến 5 lần. Đặc biệt, lợi dụng việc giá khẩu trang và các thiết bị y tế phục vụ cho việc phòng, chống dịch bệnh tăng cao tại Trung Quốc, một số đối tượng còn thu gom khẩu trang y tế, dung dịch rửa tay... vận chuyển, buôn lậu qua biên giới để kiếm lời. Hành vi này của các đối tượng đã trực tiếp tác động đến mục tiêu ổn định giá cả thị trường và đời sống của nhân dân, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Khuyến cáo của chuyên gia da liễu

Theo BSCKII. Bùi Quang Hào - Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn - BV Da liễu TW khi chúng ta sử dụng dung dịch sát khuẩn không rõ nguồn gốc (rởm) sẽ đối mặt với nguy cơ, một là không có tác dụng sát khuẩn, diệt khuẩn (thành phần hoạt chất, nồng độ... không dảm bảo quy chuẩn) như vậy sẽ làm tăng nguy cơ lây nhiễm bệnh. Hai là sẽ gây ra phản ứng phụ tại chỗ (viêm da kích ứng hoặc dị ứng) hoặc gây độc hại khi dung dịch bay vào mắt. mũi, miệng hoặc thức ăn. Theo đó BS. Hào khuyến cáo người dân thực hiện nghiêm túc 5 thời điểm rửa tay, 6 bước rửa tay thường quy theo hướng dẫn của WHO, Bộ Y tế và rửa tay nhiều lần trong ngày.

Đồng thời, người dân nên mua dung dịch sát khuẩn rửa tay ở những cơ sở sản xuất có uy tín, có địa chỉ, có số lô, ngày sản xuất, hạn sử dụng, nhãn mác rõ ràng (đã được Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế cấp phép) để tránh mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không nên mua hàng bày bán trôi nổi trên thị trường.

Trao đổi với báo Sức khỏe&Đời sống, ông Nguyễn Văn Khải - Trưởng phòng Quản lý Dược (Sở Y tế Hà Nội) cho biết, hiện nay các đơn vị nghiệp vụ của Sở Y tế cũng đã phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an, QLTT ra quân nhằm phát hiện xử lý nghiêm đối với các trường hợp lợi dụng tình trạng dịch làm giả, làm nhái nước sát khuẩn kém chất lượng, đảm bảo an toàn sức khỏe của người dân, tránh lây lan trong cộng đồng.

Làm giả nước rửa tay sát khuẩn có thể bị phạt từ 7-15 năm

Theo Luật sư Phạm Huy Tuyến - Đoàn Luật sư Hà Nội, việc làm giả nước rửa tay sát khuẩn rất nguy hiểm vì gây mất an toàn đối với sức khỏe người sử dụng. Tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi này có thể bị xử lý hình sự. Bởi với sản phẩm nước sát khuẩn, nếu sản phẩm này không đảm bảo chất lượng sẽ không có tác dụng phòng chống dịch bệnh, đe dọa sự an toàn về sức khỏe, tính mạng người dân.

Do vậy, theo quy định hiện hành, tổ chức, cá nhân có hành vi buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng tùy theo tính chất, mức độ vi phạm và hậu quả sẽ bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Về xử lý hình sự, Điều 192 BLHS 2015 về Tội sản xuất, buôn bán hàng giả quy định, người nào sản xuất, buôn bán hàng giả thuộc một trong các trường hợp quy định tại Khoản 1 điều này thì bị phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 1 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 1-5 năm.

Phạm tội thuộc 1 trong các trường hợp quy định tại Khoản 3 sẽ bị phạt tù từ 7-15 năm. Pháp nhân thương mại phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Khoản 3 Điều 192 thì bị phạt tiền từ 1 đến 9 tỷ đồng, đình chỉ hoạt động từ 6 tháng đến 3 năm, thậm chí bị đình chỉ vĩnh viễn.

Trần Lâm

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/san-xuat-nuoc-sat-khuan-gia-co-the-bi-phat-tu-n168817.html