Sản xuất omega 6, 7, 9 từ vi khuẩn tía quang hợp: Triển vọng thương mại hóa cao
Lần đầu tiên tại Việt Nam, các nhà khoa học triển khai thành công Đề tài 'Nghiên cứu quy trình công nghệ sản xuất omega 6, 7, 9 từ vi khuẩn tía quang hợp ứng dụng trong công nghiệp thực phẩm và dược phẩm'. Đây là đề tài thuộc Đề án phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến đến năm 2020 do Bộ Công Thương quản lý.
Bộ Công Thương vừa tổ chức nghiệm thu Đề tài "Nghiên cứu quy trình công nghệ sản xuất omega 6, 7, 9 từ vi khuẩn tía quang hợp ứng dụng trong công nghiệp thực phẩm và dược phẩm". Đề tài do Viện Công nghệ sinh học (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) chủ trì, được tiến hành trong 3 năm (từ tháng 10/2017 - 10/2020).
TS. Hoàng Thị Yến - Chủ nhiệm đề tài - cho biết: Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh trong khu vực. Đời sống kinh tế, dân trí ngày càng cao thì người dân ngày càng quan tâm đến sức khỏe nhiều hơn. Đặc biệt, thực phẩm chức năng (thực phẩm bảo vệ sức khỏe) có tác dụng hỗ trợ điều trị và phòng ngừa bệnh, trong đó có các sản phẩm chứa omega 3, 6, 7, 9. Tuy nhiên, thực phẩm bảo vệ sức khỏe được sản xuất trong nước vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu.
Theo TS. Hoàng Thị Yến, dù không "nổi tiếng" như omega 3, omega 6, 7, 9 cũng được các nhà khoa học quan tâm bởi vai trò cũng không thua kém omega 3. Omega 6, 9 rất cần thiết đối với sức khỏe con người trong việc làm giảm các bệnh về hô hấp, chữa bệnh tăng huyết áp, làm đẹp da và ngăn ngừa các bệnh ung thư; omega 7 có vai trò quan trọng trong việc giảm cân, tiêu hóa, kháng viêm, chống lão hóa sớm và đặc biệt là rất có lợi cho sức khỏe tim mạch.
Dù omega 6, 9 có nhiều trong các loại dầu động, thực vật nhưng omega 7 lại rất khan hiếm, chiết xuất chủ yếu từ cây hắc mai biển và dầu macadamia. Tuy nhiên, khi nghiên cứu về nhóm vi khuẩn tía quang hợp không lưu huỳnh, một số tác giả trên thế giới thấy rằng omega 7 có trong tế bào của một số loài vi khuẩn tía quang hợp lại rất cao (chiếm từ 65 đến 82% tổng axit béo). Ngoài ra, cũng đã phân lập được một số chủng vi khuẩn tía quang hợp có khả năng tổng hợp được omega 6, 9 và cả omega 3.
Trong khi đó, Việt Nam là một quốc gia nằm ở vùng nhiệt đới, là điều kiện thuận lợi cho các động, thực vật và đặc biệt là vi sinh vật phát triển. Vi sinh vật (trong đó có nhóm vi khuẩn tía quang hợp) là một nguồn tài nguyên dồi dào về các hoạt chất sinh học và được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực của cuộc sống như: Môi trường, nông nghiệp, y dược...
Đề tài được thực hiện với mục tiêu chính là ứng dụng công nghệ lên men để sản xuất sinh khối vi khuẩn tía quang hợp và công nghệ enzyme để sản xuất các axit béo không no (omega 6, 7, 9) sử dụng trong công nghiệp thực phẩm và dược phẩm từ nguồn nguyên liệu trong nước. Các nhà khoa học đã thực hiện đề tài bằng việc tuyển chọn các chủng vi khuẩn tía quang hợp có khả năng sinh tổng hợp omega 6, 7, 9; nghiên cứu sản xuất sinh khối vi khuẩn tía quang hợp làm nguyên liệu để tách chiết dầu sinh học giàu omega 6, 7, 9; nghiên cứu xây dựng quy trình sản xuất dầu sinh học giàu omega 6, 7, 9 từ sinh khối khô vi khuẩn tía quang hợp quy mô phòng thí nghiệm.
Từ kết quả nghiên cứu bước đầu, các nhà khoa học đã phối hợp với Công ty CP Dược phẩm Novaco sản xuất 20.000 viên nang thực phẩm chức năng. Kết quả kiểm nghiệm cho thấy sản phẩm đảm bảo cả về tính an toàn lẫn tác dụng sinh dược. Đặc biệt, sản phẩm có khả năng làm giảm các nồng độ lipid máu thông qua các chỉ số cholesterol, triglyceride, LDL-C và làm tăng HDL-C.
Sản phẩm được sản xuất từ nguồn nguyên liệu sẵn có ở Việt Nam, có triển vọng thương mại hóa cao, góp phần giảm việc nhập khẩu thực phẩm chức năng.