Sản xuất rau, củ theo tiêu chuẩn VietGAP

Diện tích sản xuất rau, củ trên địa bàn tỉnh tiếp tục được mở rộng, đóng góp tích cực vào tăng trưởng nông nghiệp. Tuy nhiên, loại nông sản này đang được sản xuất theo quy mô nhỏ, đạt tiêu chuẩn chưa nhiều, khó tạo liên kết vững chắc. Để rau, củ trở thành một trong những loại nông sản chủ lực, cần một kế hoạch phát triển bài bản hơn.

Gần 1 năm nay, cứ vào mùa vụ (vụ đông và vụ xuân hè), mô hình trồng rau với quy mô 2 ha của Công ty TNHH Huy Tùng, xã Kim Phú (TP Tuyên Quang) mỗi tháng cung ứng vào các bếp ăn tập thể trên địa bàn thành phố Tuyên Quang và 2 cửa hàng thực phẩm sạch tại Hà Nội hơn 1 tấn rau các loại. Anh Nguyễn Huy Nam, Giám đốc Công ty cho biết, bước vào sản xuất rau, công ty đã lấy mẫu đất, nước xét nghiệm gửi cơ quan chuyên môn phân tích đảm bảo đủ các điều kiện để sản xuất. Quá trình gieo trồng, chăm sóc rau được thực hiện theo tiêu chuẩn hữu cơ nên người tiêu dùng hoàn toàn yên tâm.

Hợp tác xã Nông nghiệp Tân Hợp, xã Hồng Thái (Na Hang) sản xuất rau sạchđáp ứng nhu cầu thị trường. Ảnh: Hải Hương

Sản phẩm rau, củ, quả của Hợp tác xã Tân Hợp, xã Hồng Thái (Na Hang) cũng đang được chuỗi Siêu thị Vinmart trên địa bàn thành phố Tuyên Quang nhận bao tiêu sản phẩm. Ông Đặng Văn Hầu, Giám đốc Hợp tác xã cho biết, thế mạnh của HTX là rau đông trái vụ như su hào, bắp cải, cải ngọt... lượng hàng đưa về các siêu thị khoảng 100 kg/ngày. Theo ông Hầu, với quy mô 7 ha nhưng số lượng sản phẩm hàng cung ứng chỉ đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu của đối tác. HTX đang có phương án mở rộng liên kết với các hộ dân trên địa bàn đầu tư sản xuất theo quy mô lớn hơn.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, điều kiện đất đai, thời tiết, khí hậu của tỉnh phù hợp với rất nhiều loại rau khác nhau và có chất lượng, nhất là các loại rau, củ đặc trưng theo mùa. Thống kê sơ bộ, toàn tỉnh hiện có khoảng 8.000 ha, tăng khoảng hơn 1.000 ha so với năm 2018; sản lượng rau hàng năm đạt 96.000 tấn.

Sản xuất rau, củ tăng nhanh nhưng hầu hết vẫn rất nhỏ lẻ, chủ yếu mang tính hộ gia đình, những mô hình Công ty TNHH Huy Tùng, Hợp tác xã Tân Hợp không nhiều. Tại vùng trồng rau, củ truyền thống và có tiếng như Ninh Lai, Thiện Kế (Sơn Dương); Trung Môn, Chân Sơn (Yên Sơn); Yên Nguyên, Hòa Phú (Chiêm Hóa)... cũng vẫn chỉ là các hộ với diện tích canh tác chỉ vài trăm mét vuông/hộ. Điều đáng nói là nhiều hộ chỉ mang tính tăng gia nên mức độ thâm canh, ứng dụng kỹ thuật vào sản xuất thấp.

Lý giải về vấn đề này, ông Nguyễn Mạnh Tú, Phó chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho rằng, nguyên nhân là chưa có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, trong đó có liên kết sản xuất, kinh doanh, chế biến và tiêu thụ rau, củ. Nhà nước cũng chưa có cơ chế, chính sách để hỗ trợ nông dân sản xuất cây rau, củ. Công tác thị trường, quảng bá sản phẩm còn hạn chế nên việc tiêu thụ sản phẩm gặp nhiều khó khăn, sản phẩm chủ yếu là nội tiêu trong tỉnh, thị trường tiêu thụ ngoại tỉnh chiếm một lượng rất nhỏ.

Ông Tú cũng khẳng định, sản xuất rau, củ của tỉnh còn nhiều dư địa để phát triển. Do đó, những vùng nào có thể phát triển sản xuất rau, củ, quả cần được xem xét kỹ để tập trung nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng. Bên cạnh đó, việc xác định thị trường tiêu thụ, liên kết sản xuất phải được quan tâm, tránh sản xuất ra không biết bán cho ai, ảnh hưởng đến đời sống người dân. Hiện nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản xin ý kiến UBND tỉnh công nhận các vùng sản xuất rau tập trung, sản xuất rau theo tiêu chuẩn, quy chuẩn VietGAP tập trung ở các huyện: Yên Sơn, Chiêm Hóa, Sơn Dương và thành phố Tuyên Quang với khoảng 1.100 ha, chiếm khoảng 13,8% diện tích gieo trồng rau toàn tỉnh; sản lượng rau an toàn dự kiến đạt khoảng gần 14,3 nghìn tấn, chiếm gần 15% tổng sản lượng rau toàn tỉnh. Sở khuyến khích các doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác ứng dụng kỹ thuật, đầu tư làm nhà màng, nhà kính, lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm, tưới tự động, thực hiện sản xuất rau, củ theo tiêu chuẩn.

Ông Nguyễn Văn Thuấn, Chi cục trưởng Chi cục Nông, lâm sản và thủy sản khẳng định, chi cục sẵn sàng tư vấn, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, dán tem truy nguồn gốc đối với các sản phẩm rau, củ được sản xuất theo tiêu chuẩn. Theo ông Thuấn, có nhãn hiệu hàng hóa, có tem truy xuất chính là “giấy thông hành” để sản phẩm rau, củ của tỉnh vươn ra thị trường khu vực và trong nước.

Đoàn Thư

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/kinh-te/nong-nghiep-nong-thon/san-xuat-rau-cu-theo-tieu-chuan-vietgap-132638.html