Sản xuất sản phẩm hàng hóa từ nguyên liệu thiên nhiên

Những năm gần đây, người tiêu dùng có xu hướng lựa chọn những sản phẩm hàng hóa, tiêu dùng có nguồn gốc từ thiên nhiên. Do đó, nhiều cơ sở sản xuất, doanh nghiệp đã lựa chọn nguồn nguyên liệu này để định hướng, xây dựng chiến lược phát triển sản xuất, kinh doanh. Thực tế tiêu dùng cho thấy, việc sản xuất sản phẩm hàng hóa có nguyên liệu từ thiên nhiên đang là hướng phát triển bền vững, ổn định và mang lại giá trị kinh tế cao.

Sản phẩm túi, mũ xuất khẩu của Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Nông Phú (Vĩnh Lộc).

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, xu hướng sản xuất hàng hóa có nguyên liệu từ thiên nhiên đang xuất hiện ở hầu khắp các lĩnh vực và các loại mặt hàng. Trong đó, nhóm hàng thủ công mỹ nghệ đang được tận dụng khá hiệu quả nguồn nguyên liệu này. Nghệ nhân Ưu tú Trần Thị Việt, Giám đốc Công ty TNHH Xuất khẩu Việt Trang, thị trấn Nga Sơn, cho biết: Có nhiều năm kinh nghiệm trong sản xuất, xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ nên nhận thấy xu hướng chung của thế giới là hướng tới sử dụng hàng hóa có nguồn gốc từ thiên nhiên. Ví như, thay vì sử dụng thảm, giỏ đựng đồ bằng nilon, nhựa, khách hàng lựa chọn sản phẩm làm từ cói, bẹ ngô... Nhờ đó, đến nay, công ty đã có khoảng 5.000 mặt hàng mỹ nghệ xuất khẩu sử dụng 100% nguyên liệu từ thiên nhiên, như: cói, bèo tây, rơm rạ, bẹ ngô... Dự kiến để đáp ứng nhu cầu của thị trường và nâng cao giá trị sản xuất, công ty sẽ tiếp tục nghiên cứu thị trường và đưa vào sáng tạo thêm nhiều mẫu mã sản phẩm hàng hóa mới, trong đó ưu tiên những sản phẩm có sử dụng nguyên liệu thiên nhiên.

Ông Lê Văn Ngãi, thôn Thành Sơn, xã Thiệu Thành (Thiệu Hóa), chủ một trang trại trồng sản xuất rau, quả an toàn, cho biết: Xu hướng sử dụng thực phẩm sạch của người tiêu dùng ngày càng cao, do đó, gia đình đã liên kết với Công ty TNHH Rau củ quả A2 tại Hà Nội để xây dựng vùng sản xuất rau, quả an toàn diện tích 1,2 ha. Nhờ đó, hằng năm trang trại đã cung ứng cho thị trường khoảng 12 tấn bưởi, cam, ổi và hàng chục tấn rau sản xuất theo hướng hữu cơ. Tuy sản lượng khá lớn, giá thành cao hơn sản xuất truyền thống song sản phẩm vẫn được người tiêu dùng lựa chọn...

Được biết, hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 118 làng nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Trong đó, 2 nhóm làng nghề hoạt động tốt, gồm: Nhóm làng nghề chế biến nông, lâm nghiệp, thủy sản, thực phẩm và nhóm làng nghề sản xuất tiểu thủ công nghiệp. Đây là những nhóm làng nghề đã và đang vận dụng khá linh hoạt nguồn nguyên liệu từ thiên nhiên để sản xuất, sáng tạo và chế tác nên những sản phẩm độc đáo, có giá trị, góp phần duy trì làng nghề mà còn hướng tới sản xuất hàng hóa đáp ứng nhu cầu của thị trường. Ngoài ra, thực tế sản xuất và tiêu dùng trên địa bàn tỉnh cho thấy, nhiều loại sản phẩm hàng hóa có nguyên liệu từ thiên nhiên đã được cơ quan chuyên môn và người tiêu dùng đánh giá cao, như: Bộ sản phẩm rổ cói 3 chiếc và bình hoa bằng cói của Công ty CP Sản xuất chế biến cói xuất khẩu Việt Anh (Nga Sơn) được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh đạt 4 sao và tiêu thụ ở 64 siêu thị trên lãnh thổ nước Mỹ; sản phẩm túi, mũ làm từ bèo tây, bẹ ngô của Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Nông Phú (Vĩnh Lộc); sản phẩm ngâm chân Mộc Việt và Lá xông cảm được bào chế từ các loại thảo dược có sẵn tại địa phương của cơ sở đông y Quang Anh (Quảng Xương) được công nhận 3 sao sản phẩm OCOP cấp tỉnh đã tiêu thụ tốt trên thị trường trong nước và xuất khẩu sang một số nước trên thế giới... Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh còn hàng trăm mô hình, sản phẩm được thiết kế, sản xuất thủ công từ nguyên liệu thiên nhiên của các địa phương, như: Tre, nứa, gỗ và các sản phẩm tái chế làm thành các món quà lưu niệm, đồ trang trí, đồ dùng với ý tưởng độc đáo, sáng tạo và đáp ứng yêu cầu của khách du lịch, người yêu nghệ thuật và các đối tượng khách hàng khác.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - Chi nhánh Thanh Hóa, khẳng định: Trên địa bàn tỉnh, ngày càng nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa, các cơ sở đã chú trọng đến lựa chọn nguyên liệu thiên nhiên để phát triển sản xuất, kinh doanh. Thực tế cho thấy, việc sản xuất các sản phẩm hàng hóa có nguồn gốc từ thiên nhiên là xu hướng bền vững, vừa góp phần khơi dậy sức sáng tạo, phát triển các làng nghề truyền thống. Đồng thời, nhân lên ý thức bảo vệ môi trường của người dân.

Được biết, ngành công thương đang kiến nghị, đề xuất với Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đổi mới công nghệ theo hướng sử dụng công nghệ sạch, thân thiện với môi trường. Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp tích cực tham gia hệ thống phân phối xanh; thúc đẩy sản xuất, phân phối, tiêu dùng hàng hóa thân thiện với môi trường... Đây chính là tín hiệu tích cực để các chủ thể sản xuất trên địa bàn tỉnh hướng tới nền sản xuất xanh và đẩy mạnh phát triển các sản phẩm hàng hóa có nguồn gốc từ thiên nhiên.

Bài và ảnh: Lê Thanh

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/diem-den/san-xuat-san-pham-hang-hoa-tu-nguyen-lieu-thien-nhien/130610.htm