Sản xuất tảo xoắn - hướng đi mới của nông nghiệp công nghệ cao

Từ sáng kiến khoa học, công nghệ cấp tỉnh (năm 2018) về Giải pháp 'Nuôi trồng, thu sinh khối tảo xoắn Spirulina trong nhà kính, ứng dụng công nghệ cao', hơn 1 năm qua, HTX Nông nghiệp công nghệ cao Tảo Việt (xã Đông Sơn, Thành phố Tam Điệp) đã ứng dụng công nghệ nhân giống và sản xuất các sản phẩm, bước đầu cho kết quả rất khả quan.

Kiểm tra môi trường nuôi tảo.

Kiểm tra môi trường nuôi tảo.

Năm 1960 tảo xoắn (tên khoa học tảo Spirulina) được phát hiện, từ đó có nhiều công trình nghiên cứu khoa học về giá trị của tảo đối với đời sống của con người. Có nguồn gốc từ thiên nhiên, tảo xoắn là một loại thực phẩm hoàn hảo. Thành phần của tảo xoắn chủ yếu là đạm thực vật rất dễ tiêu hóa, dễ hấp thụ. Không những vậy, tảo xoắn rất giàu vitamin E và các khoáng chất nhưng không chứa đường, chất béo nên có thể xem là thực phẩm tối ưu cho những người bệnh tiểu đường…Chính vì vậy, tảo Spirulina được Tổ chức Y tế Thế giới và Bộ Y tế của nhiều quốc gia công nhận không chỉ là nguồn thực phẩm sạch mà còn là giải pháp cho phòng và điều trị nhiều bệnh của thế kỷ 21.

Từ những giá trị tuyệt vời mà tảo xoắn mang lại, nên nhu cầu sử dụng ngày càng tăng cao. Thực tế hiện nay, hầu hết các sản phẩm từ tảo xoắn tại Việt Nam đều chủ yếu được nhập khẩu từ nước ngoài. Cùng với việc nuôi trồng tảo trong nước chưa đáp ứng được, vì vậy, việc nuôi trồng phát triển thương mại hóa các sản phẩm tảo xoắn là một hướng đi mới đúng đắn.

Xã Đông Sơn có nhiều diện tích đất nghèo dinh dưỡng, khó canh tác, nước bị kiềm hóa. Ngoài truyền thống trồng đào, chăn nuôi, việc tổ chức sản xuất tảo xoắn tại địa bàn được xác định sẽ góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho nhân dân,...Trước thực trạng này, với kinh nghiệm nuôi trồng, sản xuất tảo xoắn với quy mô nhỏ các năm trước đó, năm 2020 cử nhân chuyên ngành hóa sinh Nguyễn Thị Dung quyết định thành lập HTX Nông nghiệp công nghệ cao Tảo Việt, tiến hành đầu tư mở rộng sản xuất tảo xoắn theo quy mô lớn hơn, hướng đến tạo ra sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao.

Chị Nguyễn Thị Dung, Chủ nhiệm Dự án sản xuất thử nghiệm "Ứng dụng KHCN hoàn thiện quy trình nhân giống, nuôi trồng, thu sinh khối, chế biến táo xoắn Spirulina tại thành phố Tam Điệp" chia sẻ: Thực tế cho thấy, do chỉ sản xuất tảo xoắn ở quy mô nhỏ, nên gặp nhiều hạn chế. Chưa hoàn thiện công nghệ nhân giống cấp 2, khu nhân giống, nuôi trồng, khu thu hoạch chưa đảm bảo, các thiết bị máy móc chưa đáp ứng được nhu cầu, chưa có dây chuyền đóng gói sản phẩm thương phẩm dạng bột khô, dạng ép viên, dây truyền đóng gói sản phẩm tươi còn lạc hậu bán tự động....Do đó việc hoàn thiện quy trình sản xuất, cải tiến đổi mới công nghệ là rất cần thiết.

Cũng nhờ Dự án đầu tư hỗ trợ về khoa học, công nghệ của tỉnh Ninh Bình, HTX Nông nghiệp công nghệ cao Tảo Việt có thêm động lực sản xuất. Trên diện tích 1.000m2, HTX thiết kế, xây dựng khu nhân giống cấp 1 và cấp 2, khu nuôi trồng phù hợp điều kiện tự nhiên tại tỉnh Ninh Bình để khắc phục được các yếu tố thời tiết bất lợi như nắng nóng, cường độ sáng… góp phần tạo môi trường thuận lợi để tảo phát triển tốt nhất, từ đó giúp cho quá trình thu sinh khối tảo đạt năng suất cao và chất lượng tốt.

Hợp tác xã tiến hành đầu tư khoan nước ngầm, hệ thống xử lý nước công nghệ RO; Đầu tư sản xuất theo hệ thống: nuôi tảo ngoài trời bằng nhà kính, được xây dựng hiện đại có đầy đủ trang thiết bị cần thiết, mái che bằng màng công nghệ Isael, xung quanh quây bằng lưới, có che nắng tự động, thông gió, quạt hút gió, hệ thống sục khí, ứng dụng công nghệ 4.0 trong khâu kiểm soát nhiệt độ, độ ẩm ...

Lắp đặt các bể nuôi hợp lý với dung tích 10m3/bể để tảo phát triển tốt nhất. Tăng cường kiểm tra phân tích hóa nghiệm tỷ lệ nồng độ các loại muối dinh dưỡng, vi lượng để xử lý điều chỉnh, bổ sung sao cho môi trường nuôi tảo được phù hợp nhất, đảm bảo nguồn ánh sáng cho tảo quang hợp và sục khí tạo dòng chảy trong bể.

Công đoạn thu hoạch tảo xoắn.

Cùng mở rộng mặt bằng, đầu tư công nghệ khu nuôi trồng, HTX đầu tư cải tiến, thiết kế khu thu hoạch đầy đủ hệ thống thiết bị phục vụ đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. Cụ thể như, khi tảo được hút lên bằng các máy bơm công suất phù hợp, sau đó tiếp tục đi qua một sàng lọc có mắt lưới rất nhỏ cỡ 100 micromes để tách nước, thu được tảo ở dạng bột nhão. Phần nước chảy ra lại được đưa quay lại bể nuôi tảo.

Toàn bộ hệ thống thu hoạch này là khép kín được làm bằng thép không rỉ để đảm bảo an toàn vệ sinh cũng như chất lượng tảo. Bột tảo nhão này được đưa vào máy quay li tâm để tách nước trong vài phút, sau đó được đưa vào buồng sấy lạnh để làm bay hơi nước và tạo thành bột khô, bột này được đưa ra phòng đóng gói. Tảo được sấy khô bằng máy sấy lạnh nhằm giữ gìn và bảo tồn nguyên vẹn các chất dinh dưỡng nhạy cảm với nhiệt độ cao, sắc tố, các enzym có trong tảo mà không dùng chất bảo quản…

Một số sản phẩm mới từ tảo Spirulina hiện đã được HTX sản xuất gồm: Tảo tươi nguyên chất, tảo bột khô, tảo khô ép viên. Đến nay, HTX đã sản xuất được 1.200 kg tảo tươi (tương ứng 228 kg tảo khô), dự tính đóng được 1.140 lọ bột tảo khô (100g/lọ) và 1.140 lọ viên nén (200 viên/100g/lọ). Sản phẩm từ tảo xoắn của HTX cũng đã thực hiện việc test đầy đủ các chỉ số theo quy định của Bộ Y tế. HTX đã và đang xúc tiến hoàn thiện thủ tục công bố chất lượng các sản phẩm thương mại để đưa sản phẩm ra thị trường.

Với mô hình sản xuất, chế biến tảo xoắn hoàn thiện, ngành Nông nghiệp Ninh Bình có thêm một sản phẩm hàng hóa mới, có giá trị kinh tế rất cao, đặc trưng riêng. Ngành du lịch có thêm sản phẩm "đón du khách về trải nghiệm thực tế, mua sản phẩm tảo xoắn" điển hình như Thái Lan, Nhật Bản đã xây dựng thành công nhiều năm nay .

Bài, ảnh: Minh Đường

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/san-xuat-tao-xoan-huong-di-moi-cua-nong-nghiep-cong-nghe/d20211031174628283.htm