Sản xuất thành công camera thông minh gắn người dùng cho công an, bảo vệ

Camera gắn người dùng là 1 trong 4 sản phẩm camera thông minh ứng dụng trí tuệ nhân tạo do các kỹ sư của MK Vision phát triển.

Vốn được biết đến với các sản phẩm thẻ thông minh, thiết bị tạo thẻ và đầu đọc, thế nhưng MK Group vừa gây bất ngờ khi cho ra mắt một bộ sản phẩm camera thông minh do các kỹ sư của tập đoàn này tự nghiên cứu, phát triển.

Theo đó, tại Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia cơ sở Hòa Lạc (Hà Nội), MK Vision (công ty thành viên của MK Group) đã trình diễn 4 dòng sản phẩm camera thông minh ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI).

Các dòng sản phẩm này bao gồm camera đi kèm đầu đọc căn cước công dân gắn chip, camera hành trình thông minh AutoSecure, camera gắn người dùng cho lực lượng công an, an ninh, bảo an và camera phân tích giao thông, môi trường.

Trong đó, camera đi kèm đầu đọc căn cước công dân gắn chip có khả năng so sánh dữ liệu sinh trắc học (khuôn mặt, vân tay) của người dân với căn cước công dân. Thiết bị này có thể được sử dụng trong việc định danh điện tử (eKYC), ký số hoặc dùng làm công cụ kiểm soát ra vào ở các cơ quan, nhà xưởng.

Camera đi kèm đầu đọc Căn cước công dân gắn chip. Ảnh: Trọng Đạt

Camera đi kèm đầu đọc Căn cước công dân gắn chip. Ảnh: Trọng Đạt

Với camera hành trình thông minh AutoSecure, đây là dòng camera có khả năng ghi hình ở cả phía trước và phía sau của xe. Ngoài 2 cảm biến trước và sau, camera có khả năng kết nối với chiếc cảm biến thứ 3 được đặt trước vô lăng của tài xế.

Dựa trên việc quan sát vùng khuôn mặt, mống mắt, cảm biến vô lăng sẽ biết được tài xế có lái xe trong trạng thái tỉnh táo, tập trung hay không. Ngay khi phát hiện tình huống bất thường, camera sẽ cảnh báo tài xế và gửi thông tin về hệ thống để người quản lý kịp thời chấn chỉnh.

Camera hành trình AutoSecure với khả năng nhận biết tốt ngay cả khi gặp môi trường thiếu sáng. Ảnh: Trọng Đạt

Camera hành trình AutoSecure với khả năng nhận biết tốt ngay cả khi gặp môi trường thiếu sáng. Ảnh: Trọng Đạt

Giải pháp thứ 3 được MK trình diễn là camera thông minh gắn người, dùng cho công an, lực lượng an ninh, bảo an. Đây là sản phẩm vô cùng nhỏ gọn nhưng lại có khả năng nhận diện khuôn mặt, hình dáng con người, từ đó trợ giúp cho ngành công an trong các công tác về truy nã, truy tìm đối tượng.

Theo đó, chỉ cần có thông tin khuôn mặt được hệ thống tải xuống thiết bị, chiến sĩ cảnh sát hoặc lực lượng an ninh có thể nhận được cảnh báo khi đối diện với người trong ảnh. Với sự kết hợp của các tính năng thông minh, camera gắn người sẽ trở thành đầu đọc thẻ di động phục vụ cho việc kiểm tra hành chính lưu động.

Camera thông minh gắn người dùng cho lực lượng an ninh, cảnh sát. Ảnh: Trọng Đạt

Camera thông minh gắn người dùng cho lực lượng an ninh, cảnh sát. Ảnh: Trọng Đạt

Không chỉ lực lượng an ninh, các kỹ sư có thể dùng thiết bị này để hỗ trợ việc thao tác, đưa ra chỉ dẫn từ xa. Các chiến sĩ thuộc lực lượng cứu hộ cứu nạn cũng có thể sử dụng công nghệ ảnh nhiệt trên camera gắn người để nhìn trong bóng tối, nhìn xuyên khói nhằm phục vụ công tác cứu hộ.

Mặt sau camera thông minh gắn người với phần màn hình để xem lại video. Ảnh: Trọng Đạt

Mặt sau camera thông minh gắn người với phần màn hình để xem lại video. Ảnh: Trọng Đạt

Tại Trung tâm đổi mới sáng tạo Quốc gia, MK Vision cũng mang đến mẫu camera thông minh có khả năng phân tích giao thông, môi trường với tên Vision 1. Mẫu camera này có 3 điểm đặc biệt khi có thể xử lý AI tại biên, được tích hợp kết nối 4G và trang bị pin năng lượng mặt trời. Nhờ vậy, camera Vision 1 có thể triển khai ở bất kỳ đâu có sóng di động.

Khi được VietNamNet đặt câu hỏi về xuất xứ sản phẩm, ông Lê Tuấn Khôi - Phó Giám đốc Công ty Cổ phần MK Vision khẳng định các sản phẩm camera đều được nghiên cứu, sản xuất 100% tại Việt Nam. Tuy một số linh kiện phải nhập khẩu, toàn bộ khuôn vỏ, bản mạch, firmware, phần mềm máy trạm và máy khách của 4 mẫu camera trên đều do người Việt làm chủ.

Camera thông minh có khả năng phân tích giao thông, môi trường Vision 1. Ảnh: Trọng Đạt

Camera thông minh có khả năng phân tích giao thông, môi trường Vision 1. Ảnh: Trọng Đạt

“Cũng như thẻ, công cụ lưu trữ danh tính người dân Việt Nam, chúng tôi nhận thấy camera và các cảm biến là những sản phẩm mang tính chiến lược. Người Việt cần nắm bắt các công nghệ này càng sớm càng tốt nhằm đảm bảo sự tự chủ, giúp dữ liệu thu thập được phục vụ tốt hơn cho chính người dân Việt Nam”, ông Khôi giải thích lý do MK chuyển từ làm thẻ sang phát triển camera thông minh.

Nhu cầu về camera giám sát đã tăng suốt thập kỷ qua và sẽ còn tiếp tục gia tăng trong thời gian tới. Theo một báo cáo mới đây của Fortune Business Insights, quy mô thị trường camera giám sát toàn cầu được định giá 35,47 tỷ USD năm 2022 và sẽ tăng lên 105,2 tỷ USD năm 2029, với tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) 16,8% mỗi năm.

Nguyên nhân dẫn tới nhu cầu camera giám sát tăng cao bởi xu hướng phát triển các thành phố và hệ thống giao thông thông minh. Ở đó, các camera được ví như những con “mắt thần”, đóng vai trò thu thập dữ liệu. Ngoài ra, còn phải kể đến sự hiện diện của camera giám sát trong các hệ thống an ninh.

Theo Phó Giám đốc MK Vision, các sản phẩm camera thông minh do hãng này phát triển sẽ không cạnh tranh về mặt giá cả với hàng Trung Quốc. Với tư duy làm sản phẩm không cạnh tranh về giá, MK lựa chọn phân khúc trung, cao cấp và đầu tư lớn về mặt thiết kế, chế tạo camera. Điều này cũng giúp cho sản phẩm đạt được tính thẩm mỹ cao và đảm bảo độ bền hoạt động về lâu dài.

Trọng Đạt

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/san-xuat-thanh-cong-camera-thong-minh-gan-nguoi-dung-cho-cong-an-bao-ve-2208136.html