Sản xuất thuốc giả có thể đối diện với mức án cao nhất

Theo luật sư, hành vi sản xuất hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh mà thu lợi bất chính từ 2 tỉ đồng trở lên thì sẽ phải đối mặt với khung hình phạt cao nhất quy định trong Bộ luật Hình sự.

Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Thanh Hóa vừa triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán thuốc giả quy mô lớn, khởi tố bị can và bắt giữ 14 đối tượng.

Theo điều tra ban đầu, đường dây này do Nguyễn Tiến Đạt (SN 1991, trú tại quận Thanh Xuân, Hà Nội) cầm đầu, cấu kết với Trịnh Doãn Giáo (SN 1985, trú tại TPHCM) tổ chức sản xuất, phân phối thuốc giả, chủ yếu là thuốc trị xương khớp.

Các đối tượng trong đường dây sản xuất, buôn bán thuốc giả bị bắt giữ cùng tang vật. Ảnh: Công an Thanh Hóa

Các đối tượng trong đường dây sản xuất, buôn bán thuốc giả bị bắt giữ cùng tang vật. Ảnh: Công an Thanh Hóa

Các đối tượng đã đầu tư dây chuyền, máy móc, nghiên cứu thành phần của các loại thuốc tân dược, sau đó đặt mua dược phẩm, dược liệu, thảo mộc không rõ nguồn gốc, xuất xứ để pha trộn, sản xuất thuốc giả. Nhân công được thuê chủ yếu là người quen hoặc người từ địa phương khác, làm việc theo hình thức khép kín trong kho xưởng, không tiếp xúc bên ngoài.

Từ năm 2021 đến khi bị bắt, tổng số tiền giao dịch của đường dây này trong hoạt động buôn bán thuốc giả lên đến 200 tỉ đồng.

Luật sư Nguyễn Văn Nam - Đoàn luật sư TP Hà Nội nhận định, hành vi của các đối tượng đặc biệt nguy hiểm, xâm phạm đến trật tự quản lý Nhà nước về lĩnh vực y tế, dược, làm suy giảm niềm tin của Nhân dân, người tiêu dùng vào việc sử dụng các loại thuốc.

Đặc biệt, hành vi diễn ra trong thời gian dài, xảy ra tại nhiều tỉnh thành và sản xuất số lượng thuốc đặc biệt lớn, nhiều chủng loại nhưng các lực lượng chức năng không phát hiện ra cũng cho thấy sự tinh vi, xảo quyệt của các đối tượng.

Điều 194 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định, hành vi sản xuất hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh mà thu lợi bất chính từ 2 tỉ đồng trở lên sẽ phải đối mặt với khung hình phạt cao nhất có thể là 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Tuy nhiên, việc quyết định hình phạt cụ thể đối với từng đối tượng sẽ căn cứ vào tính chất, mức độ hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội và các tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cũng như vai trò, vị trí của từng đối tượng trong vụ án.

Ngoài xử lý hình sự, tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh còn xử lý đối với pháp nhân thương mại, có thể bị áp dụng hình phạt tiền đến 20 tỉ đồng, tước giấy phép đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.

Ngoài việc xem xét hành vi phạm tội của các đối tượng, cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ trách nhiệm của các cơ quan tổ chức có liên quan để làm rõ nguyên nhân điều kiện phạm tội, xem xét trách nhiệm pháp lý và để thực hiện các giải pháp phòng ngừa tội phạm, đảm bảo về sản xuất, lưu thông, buôn bán thuốc đúng quy định.

Phúc Đức

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/san-xuat-thuoc-gia-co-the-doi-dien-voi-muc-an-cao-nhat-169250426124303438.htm