Sản xuất vải thiều xuất khẩu: Đúng quy trình để nâng giá trị
Để vải thiều rộng đường xuất khẩu, cùng với đề xuất cấp mã số vùng trồng (MSVT), cơ quan chuyên môn của tỉnh Bắc Giang thường xuyên theo dõi, hướng dẫn nông dân thực hiện quy trình chăm sóc, bảo đảm chất lượng quả vải.
"Ba cùng" với người trồng vải
Xã Phúc Hòa (Tân Yên) có khoảng 630 ha vải thiều sớm, trong đó có một mã xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc (600 ha) và 3 mã xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản (25 ha). Để vải thiều đáp ứng yêu cầu của các thị trường, ngay sau những ngày nghỉ Tết Nguyên đán, cán bộ Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện đã có mặt tại địa bàn để theo dõi, hỗ trợ người dân chăm sóc diện tích vải thiều sớm. Tại gia đình anh Vy Thanh Bình, thôn Phúc Lễ (Phúc Hòa), sau khi trực tiếp kiểm tra vườn vải thiều được cấp mã xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, cán bộ chuyên môn hướng dẫn anh phun thuốc phòng trừ sâu bệnh, bảo đảm tỷ lệ ra hoa cao.
“Sau khi được cấp MSVT xuất khẩu sang Nhật Bản, năm ngoái toàn bộ 15 tấn vải thiều của gia đình được tiêu thụ sang thị trường này với giá bán cao hơn 10 nghìn đồng/kg so với thị trường nội địa. Từ thời điểm ra hoa đến nay, tuần nào cán bộ chuyên môn của huyện cũng về “ba cùng” với gia đình (cùng thăm vườn, cùng chăm sóc và cùng ghi nhật ký). Khi có dấu hiệu của sâu bệnh, chúng tôi được khuyến cáo phun thuốc gì, phun như thế nào. Nhờ đó tỷ lệ ra hoa đạt gần 100%, hứa hẹn bội thu”, anh Vy Thanh Bình nói.
Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, năm nay, toàn tỉnh duy trì 178 MSVT xuất khẩu đối với cây vải thiều với tổng diện tích gần 16,7 nghìn ha (chiếm hơn 50% diện tích). Trong đó thị trường Trung Quốc 110 mã (diện tích hơn 16 nghìn ha), còn lại là thị trường Nhật Bản (37 mã), Hoa Kỳ (15 mã) và Thái Lan (16 mã). Cùng đó có 215 cơ sở đủ điều kiện đóng gói quả vải tươi xuất khẩu. Để bảo đảm chất lượng, ngay khi kết thúc vụ vải thiều năm 2022, Sở Nông nghiệp và PTNT đã yêu cầu các đơn vị chuyên môn chủ động nắm bắt quá trình phát triển, diễn biến của sâu bệnh.
Tại huyện Lục Ngạn, cùng với hỗ trợ kỹ thuật cho người trồng vải, UBND huyện giao Phòng Nông nghiệp và PTNT theo sát, hướng dẫn nông dân tuân thủ nghiêm quy trình chăm sóc, bảo đảm chất lượng. Ông Đinh Văn Phương, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Lục Ngạn nói: “Để nâng giá trị, năm nay sản xuất vải thiều nói chung, vải thiều xuất khẩu nói riêng được Phòng quan tâm thực hiện sớm, trong đó giao cho cán bộ chuyên môn phụ trách các địa phương và chịu trách nhiệm nếu quả vải không đủ điều kiện xuất khẩu".
Rà soát, đề xuất cấp mã vùng phù hợp
Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, năm 2022, vải thiều tiêu thụ khá thuận lợi, hơn 40% sản lượng được xuất khẩu, trong đó có nhiều thị trường mới tại một số nước thuộc Liên minh châu Âu và Trung Đông. Mặc dù vậy, tại nhiều vùng trồng đã được cấp mã, nhiều hộ dân chưa tuân thủ nghiêm việc ghi nhật ký, thay vải thiều trồng các loại cây khác vẫn diễn ra dẫn đến diện tích được cấp mã không bảo đảm theo yêu cầu.
Chỉ tính riêng năm 2022, toàn tỉnh có 29 mã bị thu hồi do không đủ diện tích, trong đó 23 mã xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, còn lại là Nhật Bản và Hoa Kỳ; 102 cơ sở đóng gói cũng bị thu hồi do không đạt tiêu chuẩn và không có nhu cầu sử dụng. Ông Nguyễn Thanh Đoạt, thôn Kép 1, xã Hồng Giang (Lục Ngạn) cho biết: “Gia đình tôi cùng 13 hộ khác trong thôn được cấp mã xuất khẩu vải thiều sang thị trường Hoa Kỳ với diện tích hơn 10 ha. Tuy nhiên do nhiều hộ đã chuyển đổi sang trồng cây có múi nên diện tích hiện không bảo đảm. Để đủ điều kiện xuất khẩu, gia đình tôi liên kết với Hợp tác xã Nông nghiệp sản xuất và kinh doanh dịch vụ tổng hợp Hồng Xuân, cùng thôn Kép 1 mở mã mới”.
Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, năm nay, tỉnh duy trì 178 MSVT xuất khẩu đối với cây vải thiều với tổng diện tích gần 16,7 nghìn ha (chiếm hơn 50% diện tích), trong đó thị trường Trung Quốc 110 mã (diện tích hơn 16 nghìn ha), còn lại là thị trường Nhật Bản (37 mã), Hoa Kỳ (15 mã) và Thái Lan (16 mã). Cùng đó có 215 cơ sở đủ điều kiện đóng gói quả vải tươi xuất khẩu.
Thực tế, để duy trì mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói để xuất khẩu, các địa phương trong tỉnh đã có phương án quản lý, cấp mới.
Tại Tân Yên, năm nay huyện sẽ đề xuất tách mã số xuất khẩu vải thiều sang thị trường Trung Quốc tại xã Phúc Hòa thành 11 mã (mỗi mã không quá 100 ha) để dễ quản lý; đồng thời đề nghị cấp mới 3-4 mã tại xã Tân Trung. Còn tại huyện Lục Ngạn, cùng với duy trì 85 mã, UBND huyện rà soát, yêu cầu các cơ sở đóng gói đầu tư kinh phí để hoàn thiện các hạng mục theo yêu cầu. Đặc biệt, UBND huyện vừa hỗ trợ các thành viên của Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Hộ Đáp và Hợp tác xã Nông nghiệp Thanh Hải làm điểm xây dựng mã truy xuất nguồn gốc và mã mùa vụ đối với cây vải thiều sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP.
Ông Đặng Văn Tặng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và PTNT) cho biết: “Cùng với cấp mới MSVT, chúng tôi sẽ rà soát, đề xuất sáp nhập, tách các mã số cho phù hợp, bảo đảm không mã số nào dưới 10 ha và hơn 100 ha. Tuy nhiên để bảo đảm tiêu chuẩn xuất khẩu, tránh trường hợp bị thu hồi MSVT, cơ sở đóng gói, các hộ, nhóm hộ cần tuân thủ nghiêm quy trình trồng, chăm sóc và duy trì việc ghi nhật ký theo đúng quy định”.
Năm nay, Trung Quốc đã mở cửa hoạt động thông thương trở lại tại các cửa khẩu, việc đi lại của thương nhân hai nước thuận lợi hơn. Do đó tiêu thụ vải thiều sang thị trường này sẽ dễ dàng hơn. Để đáp ứng yêu cầu về kiểm dịch hàng hóa nông sản tươi đối với thị trường Trung Quốc, Sở Nông nghiệp và PTNT có kế hoạch kiểm tra, giám sát toàn bộ MSVT, cơ sở đóng gói hiện có. Tổ chức rà soát, đề nghị cấp mới thêm 21 MSVT vải thiều xuất khẩu sang thị trường này với tổng diện tích 725 ha.
Bài, ảnh: Sỹ Quyết