Sản xuất vụ đông cần sự liên kết trong tiêu thụ sản phẩm

Sản xuất vụ đông được nông dân nhiều địa phương coi như một vụ sản xuất chính. Quan điểm chỉ đạo của ngành Nông nghiệp tỉnh là không đặt mục tiêu diện tích mà chú trọng chất lượng và hiệu quả kinh tế, thực hiện liên kết với doanh nghiệp để tăng cường sản xuất - tiêu thụ sản phẩm cây vụ đông. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, các hợp đồng liên kết trên địa bàn tỉnh còn quá ít, nông dân vẫn chủ yếu là 'tự sản, tự tiêu'.

Vụ đông năm 2019, HTX Nông, lâm nghiệp Yên Nguyên (Chiêm Hóa) liên kết với một doanh nghiệp ở Phú Thọ ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm ớt vụ đông cho người dân với diện tích 4 ha. HTX này cũng đứng ra ký hợp đồng với Trang trại bò sữa Tuyên Quang thu mua 150 ha ngô làm thức ăn gia súc. Ông Hà Doãn Hộ, Giám đốc HTX cho biết, việc liên kết với các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm cho người nông dân được HTX thực hiện từ nhiều năm nay. Trong đó, ngoài việc cam kết thu mua toàn bộ sản phẩm cho nông dân, một điểm mấu chốt trong hợp đồng tiêu thụ giữa HTX với doanh nghiệp là khi giá thị trường tăng, doanh nghiệp cũng phải tăng giá thu mua để đảm bảo quyền lợi cho người nông dân, tránh tình trạng người nông dân phá vỡ hợp đồng khi giá thị trường cao hơn.

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra tình hình sản xuất vụ đông
của người dân thôn Đồng Xe, xã Sơn Nam (Sơn Dương).

Theo bà Nguyễn Thị Kim, Trưởng phòng Kỹ thuật, Trung tâm Khuyến nông tỉnh, đến thời điểm này trên địa bàn tỉnh mới chỉ có HTX Nông, lâm nghiệp Yên Nguyên (Chiêm Hóa) đứng ra liên kết với các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm vụ đông cho người nông dân. Số còn lại người dân vẫn tự tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm của mình.

Xã Ninh Lai (Sơn Dương) vụ đông này gieo trồng hơn 60 ha ngô, 47 ha rau màu các loại, trong đó, riêng ớt là trên 35 ha. Theo Chủ tịch UBND xã Ninh Lai Đỗ Văn Thắng, hầu hết diện tích này bà con trồng và tự tìm kiếm đầu ra của sản phẩm mà chưa có sự liên kết với 1 doanh nghiệp, hợp tác xã nào trong bao tiêu sản phẩm. Chị Diệp Thị Lan, thôn Ấp Mới, xã Ninh Lai giờ là người đứng ra bao tiêu sản phẩm ớt cho người dân. Chị Lan cho biết, cái lợi của mặt hàng này là thị trường tương đối rộng nên không lo về đầu ra. Tuy nhiên, trong một ngày giá ớt thay đổi liên tục, nên những người đứng ra thu mua như chị cũng rất khó khăn trong việc thu gom.

Không chỉ ở Ninh Lai, tại xã Sơn Nam (Sơn Nam), việc đưa nhiều loại cây trồng theo nhu cầu thị trường, trong đó có cây ớt vào đồng đất cũng tương đối phổ biến, nhưng vẫn thiếu vắng các doanh nghiệp đứng ra bao tiêu sản phẩm. Anh Nguyễn Mạnh Hà, cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Sơn Dương phụ trách xã cho biết, cây ớt hiện là cây trồng có diện tích lớn nhất trong diện tích cây vụ đông của xã, với khoảng 100 ha. Ông Trần Văn Thành, thôn Đồng Xe, xã Sơn Nam cho biết, năm nay gia đình ông trồng 6 sào ớt. Vụ đông năm 2018, giá ớt xuống thấp (khoảng 7 nghìn đồng/kg), tiền thu về chỉ vừa đủ tiền đầu tư. Nghe ngóng từ thị trường, thời điểm đầu vụ, giá thu mua ớt đang ở mức từ 35- 40 nghìn đồng/kg, ông hy vọng, mức giá này sẽ được duy trì lâu dài, để mức thu nhập trên một sào ớt của vụ đông đạt khoảng 25-30 triệu đồng. Theo ông Thành, việc không có doanh nghiệp đứng ra liên kết, bao tiêu sản phẩm cho người trồng ớt ở Đồng Xe khiến người dân “đứng ngồi không yên” mỗi khi giá bị đẩy xuống thấp.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, những năm trước, cũng có một số doanh nghiệp đứng ra liên kết, bao tiêu thu mua sản phẩm vụ đông với người nông dân, như sản phẩm dưa bao tử, khoai tây, ngô nếp… nhưng mối liên kết này thiếu bền chặt, do người nông dân không tuân thủ hợp đồng. Nhiều năm qua, sản phẩm vụ đông của tỉnh chủ yếu nông dân tự lo tiêu thụ qua hợp đồng “miệng” với tư thương. Chính sự bị động, thiếu ổn định trong khâu tiêu thụ và các hợp đồng liên kết nên nhiều hộ nông dân không còn “mặn mà” với làm vụ đông. Ngoài ra, định hướng về các loại nông sản, sản phẩm cây vụ đông chưa được một số địa phương quan tâm đúng mức, nhiều hộ nông dân thiếu thông tin về thị trường, sản xuất theo kiểu phong trào, nên khi cung vượt quá cầu dẫn đến hệ lụy khó tiêu thụ, bị thương lái ép giá.

Giải pháp của ngành Nông nghiệp tỉnh hiện nay là củng cố lại hoạt động của các HTX nông, lâm nghiệp. Về lâu dài, tỉnh khuyến khích các hợp tác xã đủ năng lực tham gia lựa chọn và mời gọi các doanh nghiệp có năng lực với nông nghiệp để cung ứng giống cây trồng, vật nuôi đảm bảo chất lượng; tổ chức liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm một cách chặt chẽ và bền vững; đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ sức khỏe con người và môi trường sinh thái.

Bài, ảnh: Trần Liên

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/kinh-te/nong-nghiep-nong-thon/san-xuat-vu-dong-can-su-lien-ket-trong-tieu-thu-san-pham-123667.html