Sáng 19/4 thêm 1 ca mắc mới COVID-19, gần 80.000 người đã tiêm vắc xin
Sáng 19/4 của Bộ Y tế cho biết có thêm 1 ca mắc COVID-19 là người nhập cảnh từ Nhật Bản đã cách ly ngay tại Đà Nẵng. Việt Nam hiện có 2.785 bệnh nhân.
Cụ thể:
Bệnh nhân 2785 (BN2785): Bệnh nhân nam, 39 tuổi, là công dân Việt Nam, có địa chỉ tại huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương.
Ngày 13/4/2021, bệnh nhân từ Nhật Bản nhập cảnh Sân bay Đà Nẵng và được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại thành phố Đà Nẵng.
Kết quả xét nghiệm ngày 17/4/2021 dương tính với SARS-CoV-2. Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng.
Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 40.150. Việt Nam có tổng cộng 1570 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/1 đến nay: 910 ca, riêng Hải Dương có 726 ca, Quảng Ninh (61 ca), Gia Lai (27 ca), Hà Nội (34 ca), Bắc Ninh (5 ca), Bắc Giang (2 ca), TP. Hồ Chí Minh (36 ca ), Hòa Bình (2 ca), Hà Giang (1 ca), Điện Biên (3 ca), Bình Dương (6 ca), Hải Phòng (4 ca ), Hưng Yên (3 ca).
10 tỉnh, thành phố (Hòa Bình, Điện Biên, Hà Giang, Bình Dương, Hưng Yên, Bắc Giang, Gia Lai, Bắc Ninh, Quảng Ninh và TP. Hồ Chí Minh) đã 65 ngày không ghi nhận ca mắc COVID-19 trong cộng đồng;
Hà Nội 62 ngày và Hải Phòng 55 ngày, Hải Dương đã 25 ngày không có ca lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng.
Trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại các cơ sở y tế trên cả nước hiện có 45 bệnh nhân đã âm tính với virus SARS-CoV-2 từ 1-3 lần gồm: 11 ca âm tính lần 1; Số ca âm tính lần 2: 16 ca; số ca âm tính lần 3 là 18 ca.
Tính đến 16 giờ ngày 18/4, Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an tổng cộng đã thực hiện tiêm vắc xin phòng COVID-19 đợt 1 và 2 tại 22 tỉnh/thành phố cho 79.182 người là cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân COVID-19, các nhân viên y tế thực hiện các nhiệm vụ như lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết, thành viên các tổ COVID-19 cộng đồng, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch các địa phương, các lực lượng công an và quân đội.Chi tiết 10.415 người được tiêm tại 13 tỉnh/Thành phố trong tuần từ 12-18/4 như sau: Hà Nội: 199 người; Hải Phòng: 603 người; Hải Dương: 851 người; Bắc Giang: 251 người; Quảng Ninh: 2.512 người; Điện Biên: 324 người; TP Hồ Chí Minh: 1.438 người; Đồng Tháp: 105 người; Bình Dương: 35 người; Bắc Ninh: 2291 người (đợt 2); Hà Tĩnh: 1.356 người (đợt 2); Cao Bằng: 345 người (đợt 2); Phú Yên: 105 người (đợt 2).Ngày 18/4 TP. Hải Phòng đã kết thúc tiêm chủng đợt 1. Các tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương đang nỗ lực để hoàn thành đợt 1. Có 5 tỉnh đã triển khai tiêm chủng đợt 2 là Bắc Ninh, Hà Tĩnh, Cao Bằng, Phú Yên và Bắc Giang.
Yên Bái ghi nhận ca mắc COVID-19 sau khi nhập cảnh
Lãnh đạo ngành y tế Yên Bái xác nhận, tối 18/4/2021, nam 35 tuổi chuyên gia người Ấn Độ có kết quả xét nghiệm dương tính lần 1 với SARS-CoV-2 nhập cảnh vào Việt Nam cùng đoàn chuyên gia Ấn Độ qua Cảng hàng không quốc tế Nội Bài về Yên Bái làm việc.
Sở Y tế đã chỉ đạo các đơn vị liên quan tiến hành rà soát các trường hợp tiếp xúc gần, qua rà soát có 11 trường hợp F1, bao gồm 10 người đi cùng đoàn, 01 nhân viên khách sạn đã được cách ly tập trung tại Khách sạn Như Nguyệt 2.
5 trường hợp: lái xe và nhân viên y tế từ sân bay về địa phương đã thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo đúng quy định.
Sở Y tế đã chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tỉnh Yên Bái lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 lần 2 cho nam bệnh nhân người Ấn Độ để gửi về Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương xét nghiệm khẳng định lại.
Phun thanh khiết môi trường toàn bộ phòng ngủ nơi chuyên gia người Ấn Độ nghỉ cùng toàn bộ khu vực trong và ngoài Khách sạn Như Nguyệt 2.
Chuyển bệnh nhân về Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương để theo dõi và điều trị sau khi đã xin ý kiến của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương.
50 người đầu tiên được tiêm vắc xin phòng COVID-19 ở Cần Thơ
Khoảng 50 người trong Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP Cần Thơ, lực lượng tuyến đầu chống dịch của CDC Cần Thơ, Cảng Hàng không... đã được chọn tiêm vắc xin phòng COVID-19 trong ngày đầu tiên triển khai tiêm mẫu tại TP Cần Thơ.
Ngày 19/4, TP Cần Thơ tổ chức Lễ phát động hưởng ứng Chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 và thực hiện điểm tiêm mẫu tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Cần Thơ. Đây cũng là đơn vị đầu tiên ở thành phố được chọn tiêm vắc xin phòng COVID-19 AstraZeneca.
Với loại vắc xin này, mỗi người từ 18 tuổi trở lên sẽ được tiêm 2 mũi, mỗi mũi 0,5ml, tiêm bắp; mũi thứ hai cách mũi thứ nhất 12 tuần.
Thấy được tính chất quan trọng của đợt tiêm, CDC Cần Thơ đã xây dựng quy trình tiêm chủng vô cùng chặt chẽ, nghiêm túc. Điểm tiêm được bố trí theo quy tắc một chiều: Thứ tự từ bàn đón tiếp, hướng dẫn đến khu vực chờ trước tiêm chủng; bàn khám sàng lọc và tư vấn trước tiêm chủng; bàn tiêm chủng; bàn ghi chép, vào sổ tiêm chủng; khu vực theo dõi và xử trí tai biến sau tiêm chủng; đảm bảo khoảng cách giữa các bàn/vị trí tiêm chủng để phòng chống dịch COVID-19.
Đồng thời, bố trí đầy đủ nhân lực, trang thiết bị, thuốc, vật tư y tế, thành lập đội cấp cứu xử trí phản vệ để sẵn sàng xử trí ngay kịp thời các trường hợp cấp cứu, phản ứng sau tiêm (nếu có).
Theo Sở Y tế, sau ngày tiêm mẫu, thành phố sẽ triển khai tiêm đồng loạt tại 16 điểm tiêm gồm: CDC Cần Thơ, 9 Trung tâm Y tế quận/huyện và 6 bệnh viện (BV Đa khoa Trung ương Cần Thơ, BV Đa khoa TP Cần Thơ, BV Nhi đồng, BV Phụ sản, BV Hoàn Mỹ Cửu Long, BV Quốc tế Phương Châu). Trong đó, điểm tiêm tại CDC Cần Thơ với số lượng đông nhất, dự kiến khoảng 920 người.
Quá trình tiêm chủng sẽ được chia ra thành 2 đợt. Đợt 1, từ ngày 22-24; đợt 2, từ ngày 26-28/4, cho những đối tượng thuộc diện ưu tiên gồm: Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 các cấp; Người làm việc trong các cơ sở y tế, trong đó ưu tiên nhân viên y tế tại các khoa có nguy cơ như: Khám bệnh, cấp cứu, hồi sức tích cực, chạy thận, truyền nhiễm, xét nghiệm...; Lực lượng tham gia truy vết, điều tra dịch tễ, giám sát sức khỏe tại nơi cư trú, tham gia lấy mẫu, thực hiện xét nghiệm COVID-19; Người làm việc ở khu cách ly tập trung, Cảng Hàng không, Cảng Hàng hải…; Nhân viên trực tiếp tiêm vắc xin COVID-19; Lực lượng tham gia các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 khác như: Báo, đài,..
Khuyến cáo của WHO về tiêm vắc xin phòng COVID-19
Đến nay, Việt Nam đã thực hiện tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 của AstraZeneca cho gần 80.000 người là các lực lượng tuyến đầu chống dịch tại 19 tỉnh, thành phố, đảm bảo an toàn tối đa theo phương châm “Tiêm đến đâu an toàn đến đó”. Dưới đây là một số khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về tiêm vắc xin phòng COVID-19.
Theo WHO, dù đã tiêm vắc xin COVID-19, biện pháp phòng dịch tốt nhất vẫn là đeo khẩu trang.
Trong đợt tiêm đầu tiên, hệ thống giám sát của Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia ghi nhận gần 33% người được tiêm xuất hiện phản ứng nhẹ thông thường sau khi tiêm và tự hết sau 1-2 ngày mà không cần phải điều trị, chăm sóc y tế; khoảng 1‰ (một phần nghìn) trường hợp có phản ứng quá mẫn sau tiêm, được xử trí đúng theo quy định, sức khỏe của những người này đều đã ổn định, trở lại đi làm sau 1-2 ngày theo dõi, điều trị tại cơ sở y tế.
Đặc biệt, đến nay Việt Nam chưa ghi nhận bất cứ trường hợp nào bị đông máu và huyết khối xảy ra sau khi tiêm chủng.
100% người dân Phú Quốc sẽ được tiêm vắc xin phòng ngừa COVID -19
Ngày 19/4, trao đổi với PV, ông Mai Văn Huỳnh - Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Kiên Giang cho biết, tại cuộc họp với Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long vừa qua, Bộ Y tế đã đồng ý về kế hoạch tiêm vắc xin phòng ngừa COVID-19 cho người dân Phú Quốc.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Kiên Giang, hiện nay số người Campuchia gốc Việt Nam đang sinh sống tại Vương quốc Campuchia có trên 103.000 người. Riêng tại 3 tỉnh giáp biên giới với tỉnh Kiên Giang gồm tỉnh Kampot, Kép và Preah Sihanouk có trên 700 hộ, với trên 1.700 nhân khẩu là người gốc Việt đang cư trú. Từ ngày 20/2 đến nay đã có trên 1.300 người nhập cảnh qua cửa khẩu Quốc tế Hà Tiên. Ngoài ra, các lực lượng chức năng cũng đã phát hiện 31 vụ nhập cảnh trái phép vào địa bàn tỉnh với 142 đối tượng. Trong đó, cũng có nhiều trường hợp xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 sau khi đã di chuyển sâu vào nội địa, đến các tỉnh, thành phố khác như Hải Phòng, TP.HCM…
Trước diễn biến tình hình dịch bệnh phức tạp trong nước và trong khu vực, UBND tỉnh Kiên Giang đã tập trung chỉ đạo quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh như tăng cường kiểm soát chặt chẽ các cửa khẩu, đường mòn, lối mở, bổ sung lực lượng cho các chốt kiểm soát. Hiện nay đã bố trí được trên 128 chốt, tổ và có trên 1.000 lượt chiến sĩ thường xuyên trực và luân phiên. Đảm bảo tất cả các trường hợp nhập cảnh phải được cách ly tập trung và lấy mẫu xét nghiệm tầm soát COVID; có phương án kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển hàng hóa qua biên giới, bảo đảm tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về phòng, chống dịch theo quy định và hướng dẫn của ngành y tế.
Mở rộng các khu cách ly tập trung tại TP. Hà Tiên, nâng khả năng thu dung cách ly tập trung lên 2.350 người. Kích hoạt các khu cách ly tập trung của các huyện, thành phố phía sau để sẵn sàng tiếp nhận để cách ly tập trung trong tình huống người nhập cảnh với số lượng nhiều, vượt quá khả năng tiếp nhận của TP. Hà Tiên.
Với tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp như hiện nay, Kiên Giang cũng đặt ra nhiều khó khăn thách thức như tình hình nhập cảnh qua biên giới tiếp tục gia tăng, phức tạp; điều kiện làm việc của cán bộ, chiến sĩ ở các chốt biên phòng còn nhiều khó khăn, chưa đảm bảo kiểm soát chặt chẽ tuyến biên giới trên bộ và trên biển; dự trữ sinh phẩm xét nghiệm, vật tư y tế tiêu hao, phương tiện phòng hộ chưa đảm bảo; năng lực xét nghiệm COVID-19 chưa đạt yêu cầu; cơ sở hạ tầng về y tế còn nhiều khó khăn.
Tại buổi làm việc với Bộ Y tế, tỉnh Kiên Giang kiến nghị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh COVID-19, Bộ Y tế cần nhanh chóng tăng cường năng lực xét nghiệm cho TP. Hà Tiên, hỗ trợ năng lực điều trị cho người bị nhiễm và cho phép Kiên Giang thiết lập Bệnh viện dã chiến tại TP. Hà Tiên, với 350 giường. Bên cạnh đó, ưu tiên phân bổ vắc xin phòng COVID-19 cho tỉnh Kiên Giang trong những đợt tiếp theo với các đối tượng người cao tuổi có bệnh nền, đội ngũ tình nguyện viên tham gia phòng chống dịch. Đặc biệt, cho Kiên Giang thực hiện tiêm vắc xin 100% cho người dân tại TP. Phú Quốc.
Ông Mai Văn Huỳnh – Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Kiên Giang cho biết, Bộ Y tế đã đồng ý về kế hoạch tiêm vắc xin phòng ngừa COVID -19 cho người dân Phú Quốc. Hiện Kiên Giang đã có tờ trình gửi Bộ Y tế và các cơ quan hữu quan, kinh phí thực hiện từ ngân sách trung ương, địa phương và nguồn xã hội hóa. Ngoài ra, Kiên Giang đã đề nghị với Chính phủ, Bộ Y tế xem xét để áp dụng hộ chiếu vắc xin đối với TP. Phú Quốc. Vì đây là trung tâm du lịch của vùng, cả nước và quốc tế. Khi hộ chiếu vắc xin được áp dụng sẽ góp phần phát triển kinh tế địa phương, tăng nguồn thu ngân sách nhà nước.