Sáng 28/4: Đã có 318.792 người Việt Nam tiêm vắc xin phòng COVID-19
Sáng 28/4, Bộ Y tế cho biết, đến nay cả nước đã có 318.792 người được tiêm vắc xin phòng COVID-19 đợt 1 và 2. Các địa phương đã nỗ lực đẩy nhanh quá trình tiêm chủng nhưng vẫn đảm bảo an toàn và đúng đối tượng
Có thêm 59.056 người được tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 trong ngày 27/04/2021
Tính đến 16 giờ ngày 27/04/2021, tổng cộng đã thực hiện tiêm vắc xin phòng COVID-19 đợt 1 và 2 tại các tỉnh/TP cho 318.792 người là cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân COVID-19, các nhân viên y tế thực hiện các nhiệm vụ như lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết, thành viên các tổ COVID-19 cộng đồng, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch các cấp, các lực lượng công an, quân đội.
Chi tiết 59.056 người được tiêm tại 48 tỉnh/TP và các cơ sở y tế của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng trong ngày 27/04/2021 như sau:
- Đợt 1: Quảng Ninh: 393 người; Bộ Công an: 1.809 người; Bộ Quốc phòng: 2.301 người
- Đợt 2: Hà Nội: 8.668 người; Hải Phòng: 60 người; Nam Định: 900 người; Ninh Bình: 90 người; Bắc Ninh: 972 người; Phú Thọ: 1.844 người; Vĩnh Phúc: 656 người; Hải Dương: 6.411 người; Hưng Yên: 1.827 người; Thái Nguyên: 912 người; Bắc Cạn: 84 người; Quảng Ninh: 742 người; Hòa Bình: 492 người; Hà Tĩnh: 976 người; Lai Châu: 317 người; Lạng Sơn: 288 người; Tuyên Quang: 228 người; Hà Giang: 824 người; Cao Bằng: 1.006 người; Yên Bái: 770 người; Lào Cai: 2.460 người; Sơn La: 108 người; Điện Biên: 1.335 người; Quảng Bình: 295 người; Quảng Trị: 138 người; TT- Huế: 649 người; Tp. Đà Nẵng: 143 người;
Quảng Nam: 232 người; Quảng Ngãi: 313 người; Bình Định: 1.169 người; Phú Yên: 1.265 người; Khánh Hòa: 1.406 người; Bình Thuận: 990 người; Ninh Thuận: 1.057 người; Kon Tum: 1.865 người; Đắc Lắc: 2.877 người; Đắk Nông: 339 người; Lâm Đồng: 1.324 người; Cần Thơ: 1.217 người; Sóc Trăng: 1.921 người; Bến Tre: 271 người; Trà Vinh: 87 người; Vĩnh Long: 937 người; Bình Phước: 866 người; Cà Mau: 722 người; Bạc Liêu: 2.387 người; Hậu Giang: 113 người.
Liên quan đến công tác tiêm chủng, Bộ Y tế đã có quyết định điều chuyển 20.000 liều vắc xin trong tổng số 43.700 liều vắc xin AstraZeneca phòng COVID-19 cấp cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hải Dương đợt 2 cho 9 địa phương khác gồm Lào Cai và 8 tỉnh khu vực Tây Nam bộ.
Ngoài 5.000 liều cấp cho Lào Cai, 15.000 liều còn lại được cấp cho 8 tỉnh khu vực Tây Nam bộ. Trong đó, Tiền Giang, Bến Tre và Sóc Trăng, mỗi Trung tâm Kiểm soát bệnh tật 3 tỉnh này nhận 2.000 liều. 5 tỉnh còn lại gồm: Vĩnh Long, Trà Vinh, Hậu Giang, Bạc Liêu và Cà Mau, mỗi tỉnh nhận 1.800 liều.
Theo thống kê cho thấy, Việt Nam đã tiêm cho 318.712 người, trong đó, tỷ lệ phản ứng thông thường sau tiêm vắc xin COVID-19 gặp khoảng 30%, thấp hơn báo cáo của châu Âu và nhà sản xuất. Sau tiêm vắc xin các biểu hiện phản ứng là sốt, mệt mỏi, đau chỗ tiêm…Đây là các biểu hiện thường gặp và cũng là những phản ứng thông thường của cơ thể với tất cả các loại vắc xin nói chung và vắc xin phòng COVID-19 nói riêng. Chỉ một số trường hợp xuất hiện phản ứng dị ứng với các mức độ khác nhau, chủ yếu ở mức độ I, rất ít trường hợp ở mức độ II,III. Tất cả các trường hợp này đều được phát hiện kịp thời và xử trí theo đúng phác đồ của Bộ Y tế ban hành.
Đặc biệt, do khâu tổ chức tiêm chủng của nước ta hết sức bài bản với mục tiêu là đảm bảo an toàn cho người đi tiêm, nên quy trình tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 của Việt Nam khác hẳn so với các quốc gia trên thế giới, trong đó bao gồm cả các nước phát triển, đó là tổ chức thực hiện khám sàng lọc, tư vấn trước tiêm chủng, tổ chức buổi tiêm chủng an toàn, người tiêm được theo dõi sức khỏe tại điểm tiêm ít nhất 30 phút, sau đó tiếp tục được theo dõi sức khỏe tại nhà ít nhất 24 giờ tiếp theo, và tiếp tục theo dõi đến 3 tuần sau khi tiêm…
Các bệnh viện luôn sẵn sàng, thường trực đề phòng những trường hợp có phản ứng nặng sau tiêm chủng nhằm bảo đảm an toàn tối đa cho người được tiêm