Sang châu Âu, thị trường nào tốt nhất trong năm mới?
Thu nhập cao, cơ hội làm việc trong môi trường chuyên nghiệp và thời gian làm việc lâu hơn là những điều hấp dẫn tại thị trường lao động châu Âu
Hiện nay lao động Việt Nam làm việc ở hầu hết các quốc gia trong khối Liên minh châu Âu (EU), trong đó chủ yếu tại các nước: CHLB Đức, Bulgaria, Cộng hòa Síp, Cộng hòa Czech, Phần Lan, Pháp, Italia, Manta, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Rumani, Vương quốc Anh... Thông qua hợp tác xuất khẩu lao động với các nước trong thời gian qua, có thể khẳng định rằng châu Âu là một thị trường nhiều tiềm năng đối với lao động Việt Nam do thu nhập cao, môi trường an ninh, chính trị, xã hội ổn định, tôn trọng nhân quyền.
Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi trong việc xúc tiến hợp tác về lao động với EU nói chung và với từng nước thành viên nói riêng. Trước hết do quan hệ hợp tác lao động của Việt Nam với EU thông qua Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA). Cộng đồng người Việt khá đông đảo (khoảng 600.000 người) đang làm ăn sinh sống lâu dài ở EU, trong số này, nhiều người là trí thức, có địa vị cao trong xã hội, một số lượng lớn doanh nhân trẻ gốc Việt năng động, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp nhận lao động Việt Nam đi làm việc tại thị trường này.
Cùng Báo Người Lao Động điểm lại những thị trường hấp dẫn tại một số nước châu Âu mà người lao động (NLĐ) đang quan tâm trong những ngày đầu năm Tân Sửu nhé.
Thị trường Đức: Vài năm gần đây Cộng hòa liên bang (CHLB) Đức được nhiều NLĐ lựa chọn bởi Chính phủ Đức đã ký bản ghi nhớ về hợp tác lao động với Chính phủ Việt Nam. Thêm nữa CHLB Đức có chương trình du học nghề thu hút nhiều lao động trẻ Việt Nam sang Đức vừa học vừa làm với mức lương khá hấp dẫn. Gần đây, do thiếu hụt nhân lực ngành điều dưỡng, Đức đã có chương trình chuyển đổi bằng cấp tương đương để tạo điều kiện cho những điều dưỡng viên Việt Nam sang Đức làm việc. Những ngành nghề mà nước Đức đang cần số lượng lớn lao động là điều dưỡng, nhà hàng - khách sạn, có khí ô tô, xây dựng, đường sắt...
Cũng như nhiều nước châu Âu khác, CHLB Đức có mức lương khá cao cho những lao động có tay nghề, bằng cấp và trình độ tiếng Đức tốt. Nhiều ưu đãi về cư trú dài hạn hoặc được bảo lãnh người thân cũng khá hấp dẫn để thu hút lao động đến từ nhiều nơi trên thế giới trong đó có Việt Nam.
Thị trường Nauy: Đất nước Nauy vốn nổi tiếng là một trong những nơi có mức sống và chất lượng cuộc sống cao trên thế giới. Nơi đây trở thành thiên đường đáng mơ ước của những lao động nước ngoài. Hiện thị trường lao động Nauy đang có nhu cầu tuyển số lượng lớn các lao động làm việc trong các ngành: Xây dựng, nông trại, dịch vụ nhà hàng khách sạn.
Tuy nhiên, để được chấp nhận sang làm việc tại Nauy không phải là chuyện dễ dàng. Nauy luôn thận trọng và chỉ tiếp nhận người có năng lực và có khả năng tạo ra lợi ích cho đất nước của mình. Nauy quan niệm rõ ràng rằng phúc lợi xã hội sẽ là nhân tố tạo ra một xã hội gắn kết vững mạnh. Do đó mà Nauy có những yêu cầu rất khắt khe đối lao động nước ngoài. Mặc dù vậy, nơi đây luôn có sự công bằng giữa người lao động bản địa và lao động nước ngoài.
Khác với các thị trường lao động khác, thời gian hợp đồng lao động đi xuất khẩu sang Nauy thường có thời hạn dài hơn, trung bình khoảng 6 năm. Cứ sau 2 năm lại gia hạn một lần. Khi hết hạn hợp đồng 6 năm, NLĐ có thể trực tiếp được chủ sử dụng ký gia hạn mà không phải mất thêm bất kỳ khoản chi phí nào.
Thị trường Đan Mạch: Giống như Nauy, Đan Mạch được biết đến là quốc gia trả lương rất cao cho NLĐ, bao gồm cả lao động nước ngoài. Mức lương cơ bản trả cho lao động nước ngoài bình quân khoảng 32.000 USD/năm (tức khoảng 60 triệu đồng/tháng). Mức thu nhập này vô cùng hấp dẫn cho lao động tri thức trẻ Việt Nam muốn khám phá trải nghiệm.
Tuy nhiên, Đan Mạch chủ yếu tiếp nhận lao động chất lượng cao. Hiện thị trường này đang có nhu cầu tuyển dụng một lượng lớn lao động thuộc các ngành nghề như: tài chính ngân hàng, khách sạn – du lịch, cầu đường, tự động hóa, kế toán…. Theo đó thì lao động ít nhất phải đạt trình độ cao đẳng trở lên, tốt nghiệp các ngành chuyên môn về quản trị, marketing, tài chính, hóa chất... trình độ tiếng Anh tốt, giỏi vi tính văn phòng..
Thị trường Italia: Italia cũng là quốc gia đang có nhu cầu lao động lớn và đa dạng, cả lao động phổ thông và lao động có tay nghề. Riêng lao động có nghề đòi hỏi NLĐ phải có tay nghề bậc cao và có kinh nghiệm. Điều đặc biệt của thị trường Italia là hợp đồng lao động sẽ kéo dài trong 3 năm, nhưng nếu làm tốt, chủ sử dụng có thể bảo lãnh cho ở lại đến 6 năm. Nếu hết 6 năm mà làm tốt, chủ có thể tiếp tục bảo lãnh cho ở lại đến khi lao động tròn 50 tuổi hoặc lâu hơn nữa.
Bên cạnh đó, sau 6 năm làm việc, chủ sử dụng có thể bảo lãnh để người lao động có thể mang cả vợ, chồng hoặc con cùng sang Italia sinh sống và làm việc. Người dân Italia rất thân thiện, họ dành tình cảm đặc biệt đối với những lao động của châu Á bởi tính cần cù chăm chỉ.
Thị trường Ba Lan: Với đặc điểm dân số già cộng với tình trạng người dân trong nước di cư sang các lãnh thổ lân cận để tìm việc có thu nhập cao hơn nên Ba Lan hiện là thị trường "khát" lao động khá nhiều, trong đó lao động phổ thông luôn trong tình trạng thiếu trầm trọng. Lương căn bản tại Ba Lan được quy định ở mức 1.000 EURO/tháng (tương đương 27 triệu đồng/tháng), nếu tính theo giờ làm thêm thì thu nhập của NLĐ tại Ba Lan có thể đạt từ 30 đến 40 triệu đồng/tháng.
Thời hạn hợp đồng làm việc tại Ba Lan dành cho NLĐ nước ngoài là 2 năm và có thể gia hạn. Khi gia hạn, NLĐ sẽ không phải mất thêm bất kỳ khoản phí nào. Trong quá trình làm việc, chủ lao động phải cung cấp chỗ ở, phương tiện đi lại cho lao động và cung cấp phương tiện đi lại và vé máy bay về nước cho lao động khi hết thời hạn hợp đồng.
Ông Lê Đức Thiện, Phó phòng quản lý đào tạo Công ty CP Đối tác NQĐ (Bình Tân, TP HCM) cho biết dịch bệnh Covid-19 đang cản trở quán trình đưa lao động Việt Nam ra nước ngoài, trong đó có các nước châu Âu. Tuy nhiên, với những nỗ lực sản xuất và cho người dân tiêm vaccine đang diễn ra nhanh chóng trên toàn châu Âu cho thấy khả năng dịch bệnh sớm bị đầy lùi và cơ hội sẽ lại mở rộng cho NLĐ Việt Nam. Theo ông Thiện, với tìm năng lớn, châu Âu đang là sự lựa chọn của nhiều lao động trẻ có trình độ tay nghề, có khát khao thay đổi môi trường làm việc và thay đổi thu nhập và sự nghiệp của mình.
"Sang Châu Âu, NLĐ Việt Nam sẽ có cơ hội nâng cao trình độ ngoại ngữ như tiếng Anh, Đức, Nga,… được làm việc trong môi trường làm việc chuyên nghiệp, mức thu nhập cao và điều kiện sinh hoạt tốt. Đặc biệt, nhiều nước Châu Âu có cách tính lương tăng theo thời gian chứ không cố định như Nhật Bản hay Hàn Quốc. Tuy nhiên, con đường sang Châu Âu làm việc khó khăn hơn nhiều so với những thị trường khác bởi quy trình tuyển dụng họ đặt ra rất khắt khe, cần có trình độ chuyên môn và giao tiếp tiếng Anh tốt. Thêm nữa khác biệt về văn hóa Đông Tây, hòa nhập với lối sống phương Tây cũng không phải dễ dàng với NLĐ Việt Nam", ông Thiện nói.
9 quốc gia ở châu Âu tiếp nhận lao động phổ thông Việt Nam
Hiện tại, chỉ có 9 quốc gia ở châu Âu cho phép lao động phổ thông Việt Nam làm việc hợp pháp gồm: Ba Lan, Lithuania, Hungary, Bulgaria, Cộng hòa Cyprus, Thổ Nhĩ Kỳ, Slovakia, Belarus và Bồ Đào Nha.
Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) đã thẩm định và chấp thuận hợp đồng cung ứng lao động của một số thị trường và điều kiện hợp đồng như sau: Ba Lan có nghề hàn, cơ khí, chế biến thực phẩm, chi phí đi 3.000 USD. Lithuania có nghề hàn, may mặc, chi phí đi 1.000 đến 1.500 USD. Hungary có nghề nông nghiệp, công nghiệp, chi phí đi 1.650 USD. Bulgaria có nghề cơ khí, chế biến gỗ, may công nghiệp, chi phí đi 1.000 USD. Cộng hòa Cyprus có nghề nông nghiệp, chi phí đi 1.700 USD. Thổ Nhĩ Kỳ có nghề may, chi phí đi 1.300 USD. Slovakia có nghề điện tử, chi phí đi 4.000 USD. Belarus có nghề xây dựng, hàn, mộc chi phí đi 3.500 USD. Bồ Đào Nha có nghề nông nghiệp, chi phí đi 2.000 USD.