Sáng chế thiết bị phục vụ đào tạo nghề

Trong đào tạo nghề, tỷ lệ thực hành chiếm khoảng 70% thời gian. Trước vai trò quan trọng của việc thực hành trực quan, sáng tạo thiết bị đào tạo tự làm trở thành 'cầu nối' hữu hiệu giữa thực tế và đào tạo tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Sáng tạo không giới hạn

Giảng viên Vũ Hồng Trường, Khoa Kinh tế - Du lịch (Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Điện Biên) thuyết trình thiết bị đào tạo tự làm “Mô hình thuyết minh di tích lịch sử Đồi A1”.

Giảng viên Vũ Hồng Trường, Khoa Kinh tế - Du lịch (Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Điện Biên) thuyết trình thiết bị đào tạo tự làm “Mô hình thuyết minh di tích lịch sử Đồi A1”.

Thiết bị “Mô hình thuyết minh di tích lịch sử Đồi A1” ra đời sau hơn 2 tháng nghiên cứu, chế tạo của nhóm tác giả gồm 5 thầy, cô giáo Khoa Kinh tế - Du lịch (Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Điện Biên). Để chế tạo ra thiết bị có tính ứng dụng cao, tiết kiệm chi phí, trong thời gian tự làm thiết bị, nhóm tác giả đã nhiều lần thay đổi, điều chỉnh để tạo ra một thiết bị có đầy đủ các tiêu chuẩn như kích thước phù hợp, đảm bảo tính khoa học, tính thẩm mĩ và tính kinh tế. Cùng với đó, nhóm cũng biên soạn tài liệu đầy đủ, thông tin thuyết minh phù hợp với địa điểm trong mô hình.

Giới thiệu về thiết bị này, đại diện cho nhóm tác giả, giảng viên Vũ Hồng Trường cho biết: Mô hình được thiết kế đảm bảo tiện lợi, sử dụng lâu dài, cho thấy nhiều điểm ưu việt về sự hiện đại và sát với thực tế. Điều đặc biệt là, mỗi khu vực trên mô hình đều gắn mã QR. Khi quét mã, thông tin thuyết minh chi tiết tại từng khu vực của Đồi A1 được diễn tả cụ thể, rõ ràng như gốc cây đa cụt, phòng tuyến thứ 2, chữ A1, xe tăng, hầm, hố bộc phá… Qua mô hình giúp học sinh, sinh viên có thể tham quan Đồi A1 một cách trực quan, sinh động, kết hợp yếu tố công nghệ giúp các em học tập kiến thức nhanh chóng mà không cần phải đến tận nơi.

Thiết bị “Mô hình thuyết minh di tích lịch sử Đồi A1” là 1 trong 6 thiết bị tham gia Hội thi Thiết bị đào tạo tự làm cấp trường năm học 2024 - 2025 do Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Điện Biên tổ chức đầu tháng 12 vừa qua. Bằng trí tuệ, niềm đam mê và sự sáng tạo không giới hạn, các thầy, cô giáo đã cho ra đời những thiết bị không chỉ giúp các cơ sở đào tạo tiết kiệm đáng kể nguồn chi phí để thực hành mà còn giúp học sinh, sinh viên tiệm cận được với những công nghệ tiên tiến nhất, sẵn sàng bắt nhịp và đáp ứng tốt yêu cầu công việc ngay từ khi mới ra trường.

Hội thi Thiết bị đào tạo tự làm cấp trường năm học 2024 – 2025 do Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Điện Biên tổ chức, thu hút sự tham gia của 6 thiết bị đến từ 6 nhóm tác giả.

Hội thi Thiết bị đào tạo tự làm cấp trường năm học 2024 – 2025 do Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Điện Biên tổ chức, thu hút sự tham gia của 6 thiết bị đến từ 6 nhóm tác giả.

Thạc sĩ Trần Bá Uẩn, Hiệu trường Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Điện Biên cho biết: Các thiết bị tham gia hội thi có chất lượng giảng dạy cao, đảm bảo các tiêu chí về tính sư phạm, tính thẩm mỹ, tính kinh tế, tính sáng tạo, phạm vi ứng dụng và tính khoa học thẩm mỹ. Việc tổ chức hội thi thiết bị đào tạo tự làm nhằm tạo sân chơi trí tuệ hấp dẫn, là cơ hội để mỗi nhà giáo thể hiện sức sáng tạo bền bỉ và ngày càng thu hút sự quan tâm của đội ngũ nhà giáo giáo dục nghề nghiệp.

Nâng chất lượng dạy nghề

Những năm gần đây, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đã nghiên cứu, chế tạo thành công, ứng dụng hiệu quả hàng chục thiết bị đào tạo tự làm. Một số thiết bị sử dụng các vật tư dễ tìm, kết hợp với sự sáng tạo của giáo viên đã ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào quá trình thiết kế, sản xuất thiết bị đào tạo. Điều này đem đến tính khả thi cao trong việc nâng cao chất lượng và khả năng ứng dụng của thiết bị, tăng hiệu quả sử dụng cũng như hiệu quả kinh tế trong việc đầu tư trang thiết bị đào tạo tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Sinh viên Nghề Công nghệ ô tô - Khoa Cơ khí (Trường Cao đẳng Nghề Điện Biên) thực hành trên thiết bị hệ thống chiếu sáng xe ô tô.

Sinh viên Nghề Công nghệ ô tô - Khoa Cơ khí (Trường Cao đẳng Nghề Điện Biên) thực hành trên thiết bị hệ thống chiếu sáng xe ô tô.

Nếu như trước đây, việc giảng dạy nội dung hệ thống chiếu sáng trên xe ô tô tại Trường Cao đẳng Nghề Điện Biên chủ yếu được thực hiện trên sơ đồ, hình vẽ, thì nay sinh viên được thực hành trực quan trên mô hình học cụ do chính các giảng viên tự sáng chế, giúp cho việc tiếp thu bài giảng trở nên dễ dàng hơn.

Thạc sĩ Lê Trung Phương, Phó Trưởng Khoa Cơ khí, Trường Cao đẳng Nghề Điện Biên cho biết: Đối với thiết bị dạy học tự làm, ngoài các chức năng của một loại thiết bị dạy học thông thường, còn chứa đựng những ý nghĩa kinh tế và ý nghĩa sư phạm sâu sắc. Thông thường, muốn làm ra một thiết bị dựa trên các tiêu chí về tính giáo dục, thẩm mỹ, kinh tế, các thầy cô giáo phải tìm tòi, nghiên cứu kỹ nội dung liên quan, phải hiểu biết sâu về quy trình, các công năng, vật liệu... Việc tự thiết kế và chế tạo thiết bị đào tạo không chỉ giúp nhà trường giảm chi phí mua sắm thiết bị, nâng cao hiểu biết và kỹ năng cho giáo viên, mà còn thúc đẩy phong trào nghiên cứu sáng kiến cải tiến kỹ thuật. Đối với học sinh, sinh viên, được học tập và thực hành trên các mô hình thu nhỏ, các thiết bị đào tạo tự làm sẽ giúp người học nhanh chóng tiếp thu được kiến thức và hình thành kỹ năng nghề.

Thực tế cho thấy, sau mỗi giờ học lý thuyết, đòi hỏi học sinh, sinh viên trường nghề phải được tiếp cận với thực tiễn. Tuy nhiên, không phải lúc nào các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng có điều kiện tổ chức cho học sinh, sinh viên đi thực tế. Thậm chí, ngay cả được đi thực tế thì các em cũng chỉ được xem là chủ yếu chứ khó được thực hành trực tiếp. Trong khi đó, việc mua các thiết bị, mô hình dạy nghề phù hợp với chương trình dạy nghề của mỗi đơn vị và bắt kịp sự thay đổi của công nghệ không dễ.

Sinh viên Khoa điện – Điện tử (Trường Cao đẳng Nghề Điện Biên) thực hành mô hình điện.

Sinh viên Khoa điện – Điện tử (Trường Cao đẳng Nghề Điện Biên) thực hành mô hình điện.

Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Điện Biên Bùi Thị Thu Hiền cho biết: Trong chương trình đào tạo thì 70% trở lên là thực hành. Để thực hành tốt thì phải có các máy móc thiết bị đáp ứng được yêu cầu, nhất là trong thời đại ứng dụng khoa học công nghệ đang phát triển. Tuy nhiên, để đầu tư máy móc phải có nguồn lực lớn, do đó, phong trào tự làm các thiết bị đào tạo để đáp ứng yêu cầu là rất cần thiết. Việc tự thiết kế và chế tạo không những giúp nhà trường giảm được chi phí mà còn nâng cao hiểu biết và kỹ năng nghề cho giáo viên. Đồng thời, tạo ra phong trào nghiên cứu cải tiến sáng kiến kỹ thuật, thay đổi phương pháp giảng dạy phù hợp với yêu cầu của thị trường lao động, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng đào tạo nghề.

Bài, ảnh: Minh Thảo

Nguồn Điện Biên Phủ: https://baodienbienphu.com.vn/bai-thuong/khoa-hoc/sang-che-thiet-bi-phuc-vu-dao-tao-nghe